Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc ít người (gọi tắt là Nghị quyết 13), huyện Nam Trà My đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác cán bộ ở các cấp.
“Lột xác”
Nam Trà My có 97% dân số là dân tộc ít người, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển chung của huyện. Trước khi thực hiện Nghị quyết 13, toàn huyện Nam Trà My có 26,6% cán bộ cấp xã chưa tốt nghiệp THPT, nhiều người mới chỉ học tới lớp 6, nhưng vì thiếu nhân lực nên phải bố trí làm cán bộ. Chính vì thế, thời điểm đó, nhiều nhiệm vụ công việc tại cơ sở thực hiện một cách ì ạch. Cán bộ xã thường xuyên vắng nhiệm sở vì sợ bị khiển trách do làm việc không trôi chảy. Hơn nữa, tình trạng cán bộ uống rượu, thiếu trách nhiệm xảy ra dai dẳng. Trước thực trạng đó, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 13, Huyện ủy Nam Trà My bám sát tinh thần nghị quyết để tập trung “lột xác” đội ngũ cán bộ dân tộc ít người từ huyện đến xã bằng cách tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Cán bộ là người địa phương thuận lợi rất nhiều trong việc xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Đáng ghi nhận nhất trong thực hiện Nghị quyết 13 ở Nam Trà My là đào tạo được đội ngũ đáp ứng tiêu chuẩn chính trị và chuyên môn để bố trí công tác. Nhiều ngành ở huyện cũng như xã trước đây hầu như không có hoặc có cán bộ người địa phương nhưng không đáp ứng yêu cầu thì bây giờ từ cấp huyện cho tới xã và ở tất cả các ngành, lĩnh vực đều bố trí được người địa phương đủ chuẩn vào công tác hoặc giữ các chức danh lãnh đạo. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My - Nguyễn Thanh Tòng khẳng định: “Bây giờ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các xã đều rất trẻ và năng nổ. Nhờ đào tạo đúng chuyên môn cho từng vị trí công tác nên khối lượng công việc ở cơ sở đã được cán bộ giải quyết một cách trôi chảy. Việc đi cơ sở, tiếp xúc nhân dân để tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của bà con cũng được thực hiện thường xuyên hơn”.
Điển hình trong sự chuyển biến về công tác cán bộ người địa phương là xã Trà Cang, nơi mà trước đây, đội ngũ cán bộ còn rất yếu kém. Từ khi thực hiện Nghị quyết 13 đã tạo bước đột phá trong cung cách làm việc của đội ngũ cán bộ. Hiện cán bộ chủ chốt của xã đều chuẩn về trình độ chính trị cũng như chuyên môn. “Nhờ có Nghị quyết 13 mà xã chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Đội ngũ cán bộ trẻ, làm việc có giờ giấc, trách nhiệm, giải quyết tốt công việc chuyên môn, đi cơ sở thường xuyên hơn. Để phát huy hơn nữa, tôi đề nghị cần quan tâm đào tạo đối tượng học sinh nhằm dự nguồn cho địa phương, đồng thời phải chú trọng tới công tác kết nạp Đảng để đủ điều kiện bổ nhiệm công tác” - Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang, Huỳnh Hồ Tanh nói.
Bố trí kịp thời
Sau khi đưa đi đào tạo đội ngũ cán bộ và học sinh người dân tộc thiểu số, huyện Nam Trà My tiến hành bố trí việc làm, trong đó luôn ưu tiên những cán bộ năng nổ, có thành tích học tập tốt vào các vị trí thiếu hụt. Cùng với đó, huyện tiến hành quy hoạch cán bộ dân tộc ít người bằng cách cứ sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, vào năm thứ 2, Ban Thường vụ Huyện ủy lại ban hành hướng dẫn công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở huyện và xã. Hàng năm, tiến hành dựa vào kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ làm căn cứ để tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch đúng mục đích, yêu cầu. Theo báo cáo của Huyện ủy Nam Trà My, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 tới đây, địa phương đã quy hoạch 217 cán bộ dân tộc thiểu số vào cấp ủy xã; 304 người vào chức danh trưởng - phó ban ngành, đoàn thể xã; đối với cấp huyện, quy hoạch cấp ủy 29 người và quy hoạch các chức danh lãnh đạo 30 người.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13, Nam Trà My đã chuẩn hóa trình độ THPT cho 286 cán bộ cấp xã và huyện; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho 229 người, trong đó 158 trình độ đại học; đào tạo lý luận chính trị cho 551 cán bộ cấp huyện và xã. Ngoài ra, đã chọn 183 học sinh dân tộc ít người tốt nghiệp THPT đưa đi cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đến nay đã có 182 sinh viên ra trường được bố trí việc làm ổn định. Đội ngũ cán bộ cấp huyện là người dân tộc thiểu số hiện nay có 61 người (25 nữ), còn cấp xã 390 người (85 nữ), trong đó độ tuổi từ 35 trở xuống chiếm 75%. |
Theo ông Hồ Thanh Bá - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Trà My, việc quy hoạch các chức danh, chức vụ các cấp của huyện dựa vào các tiêu chí chính đó là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị. Bởi vì bố trí cán bộ là để thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho nên huyện nhất quyết phải chọn người có đức, có tài. Ông Bá khẳng định: “Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ người địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên Nghị quyết 13 là một giải pháp rất hữu hiệu để miền núi giải quyết bài toán nhân lực tại chỗ”. Cũng theo ông Bá, muốn có đội ngũ cán bộ người dân tộc tốt, đòi hỏi thời gian tới phải có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Vì đây là cơ sở để tạo nên đội ngũ nhân lực có chất lượng cho địa phương.
Cùng với việc tổ chức củng cố lại đội ngũ cán bộ dân tộc ít người, huyện Nam Trà My cũng thường xuyên đánh giá, giám sát, kiểm tra nhằm chấn chỉnh trường hợp chây lì trong công tác. Đã có không ít trường hợp bị phát hiện và kiểm điểm rút kinh nghiệm. Ngoài ra, đối với một số cán bộ cấp xã do lớn tuổi, chưa đạt chuẩn và khó khăn trong công tác đào tạo, huyện vận động nghỉ chế độ, thay thế bằng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, tri thức, nhất là am hiểu đời sống văn hóa người dân để thuận lợi hơn trong công việc.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 đã giúp cho Nam Trà My giải quyết được bài toán nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần để cả hệ thống chính trị lãnh đạo vùng đất còn nhiều gian khó này từng bước phát triển.
HOÀNG THỌ