Chuyển biến từ Chương trình 135

PHƯƠNG GIANG 20/05/2013 08:52

Hơn 400 tỷ đồng đầu tư cho 4 hợp phần của Chương trình 135 giai đoạn II đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt miền núi Quảng Nam trong những năm qua. Tuy nhiên trong triển khai, vẫn còn không ít khó khăn cần giải quyết.

Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần thay đổi tích cực diện mạo miền núi Quảng Nam.Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần thay đổi tích cực diện mạo miền núi Quảng Nam.Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Hiệu quả đầu tư

Tại hội nghị đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình chính sách, dự án tại khu vực miền núi giai đoạn 2006 - 2011 và năm 2012 (do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua), một báo cáo thống kê cho biết, suất đầu tư bình quân đầu người ở miền núi qua 6 năm đã nâng lên 22,4 triệu đồng/người. Trong đó, Chương trình 135 giai đoạn II tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều nội dung quan trọng. Đã có 25.680 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, vật liệu các loại, xây dựng mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Đặc biệt, người dân và cán bộ xã được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng  kỹ thuật ở miền núi tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Ông Trương Công Trân - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, chỉ tính riêng Chương trình 135 giai đoạn II, các huyện miền núi đã được đầu tư xây dựng 432 công trình các loại. Trong đó, nhiều hạng mục quan trọng được ưu tiên đầu tư như giao thông (139 công trình), thủy lợi (66), trường học (65), nước sinh hoạt tập trung (28)… Những công trình này đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, tác động rõ rệt đến đời sống kinh tế, xã hội ở miền núi”.

“Từ những chương trình đầu tư, hỗ trợ được triển khai tích cực trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện miền núi đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Các chương trình này đã khơi dậy được nguồn lực trong dân, giải quyết các nhu cầu bức xúc ở miền núi. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư, kịp thời nghiên cứu để có những điều chỉnh linh hoạt trong quá trình thực hiện để các chương trình, dự án hỗ trợ cho miền núi phát huy hiệu quả tích cực nhất”.
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang)

Không chỉ đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào miền núi đẩy mạnh sản xuất, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, việc xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã mở 358 lớp tập huấn cho 21.011 lượt người, trong đó có 14 lớp tập huấn cho 817 cán bộ chủ chốt cấp xã. Riêng các huyện đã tổ chức 344 lớp tập huấn cho hơn 20.194 lượt cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng. Thông qua việc đào tạo, tập huấn, trình độ lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình của cán bộ xã được nâng lên, số lượng xã làm chủ đầu tư tăng dần theo từng năm. Mặt khác, chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng được triển khai đồng bộ. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nhìn nhận: “Hiệu quả của các chương trình đầu tư cho miền núi, trong đó có Chương trình 135 giai đoạn II, đã tác động tích cực đến sự phát triển của Đông Giang nói riêng, khu vực miền núi nói chung. Nhờ những cơ chế hỗ trợ, đầu tư về nhiều mặt, cùng với các chính sách như hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ bảo vệ môi trường, nâng cao hoạt động văn hóa thông tin, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật… bước đầu tạo ra nhiều chuyển biến trong đời sống xã hội ở miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân”.

Cần đặt mục tiêu phù hợp

Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai ở 9 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đóng góp lớn cho mục tiêu đầu tư, hỗ trợ tập trung và đồng bộ cho các huyện miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã nảy sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “Hiện nay, định mức hỗ trợ của các chương trình còn khá thấp, các mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa xuất hiện chưa nhiều, chưa được nhân rộng. Vẫn còn nhiều mô hình mang tính trình diễn, quy trình thủ tục của một số dự án đầu tư quá phức tạp so với năng lực thực tế của cán bộ cơ sở và điều kiện của vùng dân tộc thiểu số”.

Từ năm 2006 đến nay, huyện Đông Giang đã đầu tư hơn 41 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn II để xây dựng các hạng mục quan trọng như giao thông, thủy lợi, trường học… Tuy nhiên, so với nhu cầu đầu tư của một huyện miền núi như Đông Giang, con số trên còn khá khiêm tốn. Cùng với đó, công tác vận hành, duy tu bảo  dưỡng hằng năm còn khá yếu và thiếu do năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao. Ông Đỗ Tài góp ý: “Hiện nay, chúng ta cần cân nhắc đến khả năng nguồn lực để đặt ra mục tiêu, phạm vi đối tượng cho các chính sách, dự án một cách phù hợp. Không nên đầu tư dàn trải dẫn đến nhỏ giọt, kém hiệu quả. Điều đáng lưu ý là lộ trình phân bổ vốn vẫn còn quá chậm, nên địa phương không thể chủ động thực hiện các chính sách, dự án được đầu tư”.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển biến từ Chương trình 135
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO