|
Sau Tết Mậu Thân 1968 cơ sở bị lộ, Bốn Cân nhảy núi, từ biệt mẹ thoát ly khỏi quê hương. Mấy ông huyện ủy thấy Nguyễn Thị Cân có lý lịch “ngon”, bản thân gan dạ nên phân về công tác tại Ban An ninh huyện Nam Tam Kỳ. Công tác ở đây ít đi mặt trước nhưng nghiêm khắc, bí mật tuyệt đối, xử sự giữa con người với con người như thế nào cho hợp. Mâu thuẫn tâm lý rất căng thẳng, mềm lòng, đa mang một tí có khi rước họa vào thân, tổn thất cho cách mạng, nhưng không thể lúc nào cũng kiên quyết đến cứng nhắc...
Năm 1969, tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết ngành an ninh tại một địa điểm ở vùng rừng núi Kỳ Yên. Trong thời điểm đó, tên Đức ở An ninh vũ trang tỉnh bỏ chạy xuống đồn Trà Gó, Kỳ Long chiêu hồi. Địch lập tức đổ quân xuống Kỳ Thạnh, Kỳ Yên nhằm bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng lãnh đạo an ninh các cấp của tỉnh đang tụ họp về đây dự hội nghị. Trại giam huyện Nam Tam Kỳ cũng đang đóng tại vùng này. Anh em trinh sát phát hiện lính Mỹ đang tiến gần đến trại giam. Lúc đó trại có 25 phạm nhân, cán bộ trại kể cả cấp dưỡng có 6 người, trong đó chị Hoa đang nuôi con mọn mới mấy tháng tuổi. Lãnh đạo trại cho tháo cùm những phạm nhân chưa chịu cải tạo tốt, xác định cho phạm nhân: “Các anh chị phải cùng cán bộ quản giáo chạy lánh càn. Nếu các anh bỏ chạy, gặp lính Mỹ họ sẽ bắn chết. Giữa rừng núi chiến khu lính Mỹ thấy người Việt nào cũng là Việt cộng cả”. Bốn Cân cùng cán bộ trại giam gấp rút tiến lên phía trước bám địch, đưa cả đoàn lúc băng núi, lúc theo lối mòn thoát về phía Xuân Bình, Phú Thọ. Đấy là hướng không có địch. Tháng 9 âm lịch, trời mưa đường còn trơn trượt. Đoàn người nương nhau mà đi. Phạm nhân cũng phải cộng tác, họ chịu buộc một cánh tay, xâu chuỗi với nhau năm người một nhóm, vai mang ba lô gạo và quần áo, lần đường đi cả ngày. Cán bộ quản giáo cũng mang nặng, chia nhau đi trước hai, đi giữa hai, sau cùng hai người, vừa đi vừa canh chừng phạm nhân.
Trời đã gần tối, nhưng đoàn người lại phải vượt con sông Muôi chảy dữ tợn, chắn ngang đường. Phải tranh thủ. Trời kéo mây đen, đêm mưa lớn thì mắc nước ở luôn phía bên này, không biết bao giờ qua được, chết đói. Đùng một phát, bà Huyền người Kỳ Trà là phạm nhân lớn tuổi, yếu sức sẩy chân trôi theo dòng nước. Bốn Cân còn ở trên bờ bên này, vội nhảy xuống nước lao theo kéo lại được. Bà Huyền thoát chết, Bốn Cân trôi luôn đôi dép. Trời ơi, ở giữa núi này mà mất dép là như cắt đôi chân. Nhờ người xuống đồng bằng mua lại đâu phải dễ, chắc phải đi chân không cả tháng trời. Dép cao su là báu vật, ai cũng chỉ có một đôi mang trong chân, dễ chi mà kiếm, mà mượn được. Nhưng cái được là mọi người qua hết bên này sông an toàn. Đêm hôm đó ngủ bên bờ sông, trời mưa rả rích, cọp rình quanh gầm gừ, quản giáo cùng phạm nhân phân công thay phiên nhau canh. Sợ nhất là cọp xông vào chụp đứa bé, vì quá khổ cực chị Hoa ít sữa, ăn chi mà có sữa, cháu bé đói bụng khóc cả đêm. Cọp nghe đứa bé khóc mãi gầm gừ quanh quẩn. Súng của các anh quản giáo lúc nào cũng sẵn sàng lên nòng.
Sáng hôm sau họp đoàn, đồng chí lãnh đạo trại kêu gọi ai xung phong về Thuận Yên - Kỳ Yên tìm lãnh đạo Ban An ninh huyện để báo cáo tình hình và xin ý kiến bố trí địa điểm mới cho trại. Nơi cũ đã có nguy cơ bị lộ. Thứ nữa là xin phiếu cấp lương thực cho cả phạm nhân và quản giáo. Nếu không được cấp gạo, cả trại sẽ đói kiệt trong vài ngày tới. Ai sẽ gánh vác nhiệm vụ khó khăn này? Bốn Cân mất dép, nhưng lại là người trẻ nhất, các đồng chí khác tuy là nam giới nhưng già hết rồi, còn hai cảnh vệ nam trẻ thì nhất thiết phải ở lại canh phạm nhân. Đấy là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không thể lơi lỏng. Cân nhắc kỹ trong đầu, Bốn Cân xung phong. Phía phạm nhân thì ông Chậm là người Kỳ Yên, rành đường và cũng đã cải tạo tốt, sắp thả, được phân công cùng đi với Bốn Cân. Và như thế, một quản giáo một phạm nhân lại băng rừng về Danh Sơn, Thuận Yên thuộc xã Kỳ Yên tìm cán bộ lãnh đạo Ban An ninh huyện Nam Tam Kỳ ngay giữa trận càn ác liệt của Mỹ ngụy.
Qua đợt lánh càn, cùng nhau nếm trải gian khổ, cùng nhau đi tìm sự sống. Đấy là một bài học sống, bài học giá trị hơn nhiều so với cả tuần thuyết giảng của quản giáo. Trong mỗi phạm nhân ít nhiều đã thật sự trỗi dậy một thứ tình cảm khó tả đối với những người cách mạng. Bà Huyền thì biểu lộ ra mặt. Bà ôm Bốn Cân khóc nức nở:
Nếu không có cán bộ thì tôi bỏ mạng theo dòng nước rồi. Cả đời này tôi nhớ ơn cô...”.
Cuộc chiến khốc liệt dài ngày, cán bộ, bộ đội hy sinh quá nhiều, nhất là số cán bộ cũ kinh qua chiến đấu lâu dài, cần kíp nhất là phải tìm nguồn bổ sung cho cán bộ địa phương đã cạn kiệt, có nơi bộ đội miền Bắc phải tăng cường về làm xã đội. Tình hình là vậy nên các cấp ủy phải rút nhiều cán bộ an ninh vũ trang tăng cường về địa phương giữ các chức danh bí thư, xã đội...
Cuối năm 1970, huyện ủy điều Bốn Cân đi học lớp Huyện đội phó tại trường Quân chính 1 - khu 5. Trường đóng tận An Lão Bình Định, chiến trường vô cùng ác liệt, không đi đường giáp ranh đồng bằng được, Bốn Cân phải vòng lên xã Cót, xã Nú, xã Giác, xã Mai thuộc vùng cao Trà My, theo đường dây men đường núi giáp giữa Kon Tum với vùng cao Trà Bồng, Sơn Hà qua sông Thò Lò, ngọn nguồn Trà Khúc mới vào được Ba Tơ, An Lão Bình Định. Thân gái dặm trường, Bốn Cân vượt trăm sông nghìn suối, hơn nửa tháng trời mới vào tới trường. Học tại đây 8 tháng. Học theo chương trình tổng hợp dành cho cán bộ lãnh đạo huyện đội. Chương trình không sâu nhưng rộng, phục vụ cán bộ xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân. Tuy vậy luyện tập cũng rất dữ, nhiều hôm phải thực tập đến chín, mười giờ đêm.
Tháng 8.1970 khóa học kết thúc, Bốn Cân trở về Nam Tam Kỳ, được phân công làm trợ lý dân quân, đứng chân tại Kỳ Sanh. Thời điểm này lực lượng vũ trang xã Kỳ Sanh chỉ còn có anh Thạnh xã đội trưởng, anh Võ Phố công binh, du kích Thương và y tá Lê Thị Tiếp. Thế mà huyện đội chỉ đạo phải tổ chức đánh sập cơ quan Hội đồng xã Kỳ Sanh mà địch đang xây dựng ở dưới thôn Ba.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG