Chuyện cái... đình

LIÊU HÂN 03/10/2019 09:54

Nói đến làng quê Việt Nam thì phải nói đến cái đình. Phần lớn các làng đều có một cái đình. Ngay cả nơi thành phố hiện đại nhất Việt Nam là TP.Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều ngôi đình, vì “tiền thân” của những nơi dân cư sầm uất đó từng là những ngôi làng.

Đình làng Chiên Đàn (Phú Ninh). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đình làng Chiên Đàn (Phú Ninh). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nói đến cái đình thì nhiều người từng biết đến “Tập án cái đình” hay “Phóng sự cái đình” của nhà văn Ngô Tất Tố, tố cáo hết tệ nạn chung quanh cái đình làng, do các hủ tục lạc hậu gây ra. Còn bàn về cái đình với những suy tư mang tính triết học đặc sắc thì ta có cuốn “Triết lý cái đình” của cố giáo sư Kim Định.

Đình của “đình làng”

Cái đình trong đình làng được viết là 亭. Đó là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, tức vị thần bảo vệ ngôi làng, và cũng là nơi hội họp của người dân. Ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ Thành hoàng và là nơi hội họp của dân chúng có lẽ bắt đầu vào thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc.

Xét về từ loại là danh từ thì đình trong đình làng có hai nghĩa như sau:

Nghĩa thứ nhất: Đình là ngôi nhà nhỏ làm ở bên đường hoặc trong vườn để khách vãng lai hoặc khách đến chơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh; như hồ tâm đình là cái nhà thủy tạ giữa lòng hồ. Ngày xưa, dọc đường người ta thường xây các ngôi nhà nhỏ để khách bộ hành nghỉ chân hoặc để hóng mát, gọi là trường đình (長 亭), hoặc lương đình (涼 亭).

Chắc chúng ta còn nhớ đến “trường đình” qua các câu thơ:

Bề ngoài mười dặm trường đình,

Vương ông mở tiệc tiễn hành đưa theo. (Kiều, 873 - 874)

Hoặc:

Xa trông mười dặm trường đình,

Thờ ơ mặt ngọc da xanh mấy phần.

(Tây sương ký, Vương Thực Phủ, chương Tiệc khóc, Nhượng Tống dịch).

Trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, khi Lệnh Hồ Xung thấy trưởng lão Ma giáo là Hướng Vấn Thiên bị vây khốn trong lương đình ở ven đường, đã nổi lòng bất bình, “rút đao tương trợ”, tạo thành một trong những giai thoại đẹp đẽ nhất trong thể loại tiểu thuyết này. Lương đình ở đây cũng chưa phải là cái “đình” trong “đình làng ”.

Trong bài thơ Kiến bắc nhân lai, nhân thoại cố hương tiêu tức (見 北 人 來 因 話 故 鄉 消 息 - Gặp người từ  phương bắc đến, nhân đó hỏi thăm tin tức quê nhà), nhà thơ Cao Bá Quát cũng nhắc đến loại trường đình này:

Trường đình bất cố vân thiên viễn,

Xuân tận thuỳ chiêu vị tử hồn

(Nơi trường đình, không ngoảnh lại nhìn những đám mây trôi xa xôi ở cuối chân trời. Mùa xuân đã hết, có ai gọi hồn của người chưa chết?).

Cuối xuân, thân gửi nơi đất khách, gặp người đồng hương, nhắc chuyện quê cũ hẳn không khỏi động tình cố lý, nhắc lại trường đình mà tưởng chừng như thấy... “nửa hồn thương đau” (vị tử hồn)!

Nghĩa thứ hai: Đình là đơn vị hành chánh thời Tần, Hán. Theo Hán thư thì cứ mười dặm là một đình, mười đình là một làng. (Thập lý vi đình, thập đình vi hương). Đại khái cứ độ mươi thôn xóm là một đình.

Người đứng đầu một làng gọi là đình trưởng. Viên đình trưởng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc là Hán Cao tổ Lưu Bang, người mở đầu cho sự nghiệp 500 năm của nhà Hán.

Chính cái đình theo nghĩa thứ hai đó mới đúng là đình của đình làng.

Giai thoại

Liên quan đến câu chuyện đình làng còn có một giai thoại văn học vô cùng lý thú. Bà Sương Nguyệt Anh (mà rất nhiều tư liệu ghi nhầm thành là Sương Nguyệt Ánh) là con gái cụ Đồ Chiểu. Bà xinh đẹp, thuộc dòng dõi thư hương lại góa chồng, nên có không ít người nhăm nhe tán tỉnh. Khoảng cuối 1917, bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ Giới Chung” (Tiếng chuông nữ giới), tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn (1918). Có một tay viên chức làm cho Pháp, kiêm tư thương tên Phạm Đình Chi. Sau khi có thơ được đăng trên báo, ông ta đã tìm đến tòa soạn Nữ Giới Chung, ắt hẳn để kết duyên văn tự. Bà Sương Nguyệt Anh thấy ông ta có thái độ kiêu căng nên không muốn tiếp. Bà chỉ cho người trao cho ông ta một mảnh giấy, ghi một câu đối ra, thách đối được thì sẽ gặp mặt: “Đình làng tôi chẳng phạm, thưa ông, tôi phạm đình chi?”.

Nội dung tuy gây hấn, lôi cả tên đối thủ để vào, nhưng vẫn nhã nhặn. Thưa ông, tôi không làm chi cả, đình làng thì tôi đã không xúc phạm, vậy thì tôi đã xúc phạm vào đình chi mà ông đến đây gây khó khăn cho tôi?

Ông Chi nghĩ nát óc vẫn không sao đối lại được, đành cáo từ.

Đình của “triều đình”

Trong bài Đình Làng (Kiến thức ngày nay số 635, ngày 1.4.2008), tác giả Huỳnh Kim Bửu có đoạn viết về một cụ già giải thích chữ “triều đình” như sau: “Triều là nơi của vua, của cả nước, còn Đình là nơi của hương lý, của làng. Vạn làng họp lại thành nước. Vạn làng yên vui thì nước yên vui, thái bình”.

Ý kiến của cụ già trong bài viết cũng là một ý kiến ngộ nghĩnh, là lạ, song ở đây cụ bị nhầm lẫn về từ Hán Việt đồng âm dị nghĩa, cho nên mới tưởng rằng cái “đình” trong “đình làng” cũng là cái “đình” trong “triều đình”.

Chữ đình trong triều đình được viết là 廷 có nghĩa là “nơi vua cho quần thần triều kiến hoặc ban hành chính lệnh”. Ta từng quen với chữ đình này qua khái niệm “thi đình” (từ Hán Việt là “đình thí”) trong lịch sử khoa cử Trung Quốc và Việt Nam, hoặc triều đình, cung đình…

Giữa hai chữ đình này không có liên hệ gì với nhau cả. Xét về mặt chữ thì cụ già đã sai, nhưng xét về mặt ý nghĩa thì lại có nhiều điều để ta suy ngẫm. Nếu “đình” của triều đình mà gắn bó được với “đình” của đình làng, để người trên luôn thấu hiểu được dân tình, thì há đó chẳng phải là chuyện đẹp đẽ hay sao?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện cái... đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO