Ở vùng nông thôn nước ta, cái lu là vật dụng khá phổ biến. Mỗi vùng miền có tên gọi khác nhau về vật dụng này.
Người miền Bắc phân biệt cái vại với cái chum. Vại có dáng gần như thẳng đứng, còn chum hơi cong. Người miền Nam gọi là cái lu, đó là những cái chum rất to, đựng nước ngọt vì vùng này hay bị phèn, dùng để ăn uống, còn tắm giặt thì đã có kênh rạch. Ở miền biển xứ Quảng gọi là cái cong hay cái mái. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ cái dáng cong cong của nó.
Từ vật dụng thiết thân
Lu hay chum, vại là vật dụng để chứa chất lỏng, chủ yếu là chứa nước ngọt ở các vùng nông thôn. Đây là vật dụng không thể thiếu của cư dân miền biển. Họ dùng để chứa nước và muối cá, làm mắm. Mỗi gia đình có ít nhất năm bảy cái chum. Chum chứa nước để dưới bếp lấy nước nấu ăn. Có nhà còn dùng cái ảng thay cho cái chum. Nước múc từ giếng lên đổ vào chum, ảng để lắng cặn rồi múc nấu ăn, đun nước uống. Trên miệng chum, miệng ảng thường đặt một cái gáo dừa để múc nước. Người đi làm về khát nước có thể lấy gáo dừa múc nước từ chum uống luôn, không cần phải “đun sôi để nguội”. Cư dân miền biển còn dùng chum vại để muối cá làm nước mắm. Mắm để ăn thì chứa trong cái hũ nhỏ, còn gọi là cái tỉn, mắm để bán thì chứa trong các chum, vại lớn. Những hộ chuyên làm mắm thì họ phải sắm đến hàng chục cái chum. Chum nhiều làm chật nhà nên thường đặt ở ngoài sân, có mái che tạm hoặc không cần mái che để trời nắng ấm làm cho mắm đựng bên trong mau chín rục. Chum thường có nắp đậy cẩn thận để bảo vệ khỏi bị ruồi nhặng, giữ mùi vị và giúp mắm mau chín.
Lúc đầu, chum vại thường được làm bằng đất nung gọi là chum sành. Một số được tráng men, điểm xuyết hoa văn gọi là chum sứ. Những làng gốm miền Trung như Châu Ổ, Quảng Đức... một thời chuyên sản xuất chum vại, hũ. Về sau khi nhu cầu vật dụng làm mắm của ngư dân làng biển tăng lên thì loại chum đúc bằng xi măng thay thế cho chum sành. Có nơi còn sử dụng chum vại làm bằng nhựa.
Đối với cư dân sinh sống ở những hòn đảo thì chum vại là vật dụng thiết yếu. Ngoài việc dùng để muối mắm họ còn sử dụng để chứa nước ngọt. Vì nước ngọt ở đảo luôn quý hiếm. Những chiếc chum vào mùa nắng hạn thường được bỏ không, chờ đến mùa mưa mới mở nắp để hứng nước.
Đến đồ trang trí
Hiện nay, nhiều gia đình ở nông thôn, bãi ngang đã có nước máy, giếng khoan nên không dùng nước trữ từ chum vại như xưa. Nhiều hộ ở làng biển không còn làm nước mắm dạng “tự cung tự cấp” như ngày nào mà chỉ có những hộ chuyên sản xuất nước mắm. Do vậy, chum vại các loại ít dùng nữa, vứt lăn lóc quanh vườn. Một số chum sành đẹp thì gia đình mang cất làm “kỷ niệm” hoặc dùng vào những việc khác như đựng gạo, khoai khô...
Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ săn tìm các loại chum để về trưng bày như một thú chơi cổ ngoạn bên cạnh những hiện vật gắn với đời sống dân gian khác. Những khu resort cũng tích cực tìm chum vại để bố trí những nơi thích hợp như tiền sảnh, các lối đi, vườn hoa nhằm gợi lại sắc màu dân gian trong không gian ngập tràn những thiết bị hiện đại. Một số người sành điệu biến chum vại thành ao sen, hồ súng mini. Loại hoa này trồng trong chum vẫn cho hoa đẹp như sống ở đầm lầy. Gần đây, người dân Thượng Thanh, xã Tam Thanh (Tam Kỳ) không bỏ phí các loại chum vại nữa mà đã biến chúng thành những đồ vật hữu dụng. Chum vại ngày xưa để muối mắm, đựng nước thì ngày nay thành vật trong trí cảnh quan, làm đẹp cho ngôi nhà thân yêu của mình. Đến làng nghệ thuật cộng đồng du khách sẽ thấy những bình hoa khổng lồ đặt trước cổng nhà, hàng rào, sân vườn được làm từ những chum, vại, lu. Chum trồng hoa giấy và các loại hoa, cây cảnh góp phần tạo nên đường nét, sắc màu mộc mạc, giản dị, tô điểm cho những bức tranh của làng bích họa. Các họa sĩ thì tìm thấy ở những chiếc chum một bề mặt thích hợp cho hội họa ứng dụng.
Bên cạnh chiếc thuyền thúng, thuyền nan, cái chum, cái vại của người dân miền biển được biến thành không gian của hội họa. Từ cái chum bị bỏ phế, qua bàn tay tài hoa của các họa sĩ, chúng đã được hồi sinh. Những sắc màu, bức vẽ trên chum, vại miêu tả cuộc sống, cảnh sắc miền biển. Đây là một sự sáng tạo đáng trân trọng vì không những tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà còn tái sử dụng đồ vật dân gian như một di sản sống động của cộng đồng cư dân miền biển. Những cái chum sắp đặt dưới gốc dương liễu, vững chãi trên bờ cát trắng ở “Con đường thuyền thúng”, trong khuôn viên, cổng ngõ ở làng bích họa Tam Thanh chính là một “bảo tàng ngoài trời”, khắc họa một bức tranh tươi đẹp của đời sống dân gian miền biển.