Một động thái được báo chí và mạng xã hội chú ý nhiều là mới đây UBND TP.Hội An ra thông báo triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh hoạt động ghe bơi du lịch trên sông Hoài.
Căn nguyên chuyện này là do tình trạng bát nháo từ việc loạn giá vì cò mồi trong hoạt động của ghe chở khách du lịch. Từng có một đoạn video clip dài hơn 2 phút lan truyền trên TikTok và Facebook, cao điểm thu hút hơn 136 nghìn lượt tương tác, hơn 1.600 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận đa chiều về hình ảnh chuyến du lịch của một du khách đến Hội An bị “chặt chém” khi đi ghe bơi du lịch.
Bồi thêm hình ảnh xấu xí của du lịch Hội An khi có du khách cho biết đã phải trả 250.000 đồng/lần đi ghe dù trước đó người này đã được một “cò” ghe chào mời với giá chỉ hơn 100.000 đồng. Một nhóm du khách khác từ Sài Gòn ra cũng chia sẻ bức xúc khi bị thu tiền đi ghe khác với giá thỏa thuận ban đầu…
Bên cạnh đó, do đông đúc số lượng ghe bơi trên sông Hoài chuyên chở khách dọc sông ngắm phố cổ (khoảng 300 ghe) nên có lúc quây mũi chật ních và chào mời bát nháo, có khi dùng loa ồn ào để lôi kéo sự chú ý của khách.
Không phủ nhận là Hội An càng nổi tiếng với thương hiệu toàn cầu khi liên tục được tôn vinh điểm đến du lịch hấp dẫn. Nhưng chỉ những hành động vô ý thức dù nhỏ cũng có thể làm hỏng những nỗ lực của cả cộng đồng, nhất là khi lan truyền hình ảnh, câu chuyện không hay trên báo chí và mạng xã hội.
Hội An đã không ít lần chứng dự “khủng hoảng truyền thông” chỉ vì một bức ảnh khoe thân lõa lồ trên phố cổ, hay hình ảnh hóa trang “đám ăn mày” khi dịch Covid bùng phát. Trước đó nữa, ở rừng dừa Bảy Mẫu từng chứng kiến các vụ tranh giành khách, dùng loa kẹo kéo với tiếng ồn dữ dội.
Gần đây lại thêm những hình ảnh chẳng hay ho khi biển Cửa Đại bị lật ca nô tang tóc, hay cầu Cửa Đại có nguy cơ biến thành… “cầu tử thần” khi quá nhiều người chọn làm nơi kết thúc cuộc đời. Qua đó cho thấy điều chiêm nghiệm luôn đúng rằng xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng đất con người đã khó, thì việc chăm sóc, gìn giữ hình ảnh đẹp càng khó hơn trong mọi lúc, mọi nơi.
Trở lại câu chuyện ghe bơi du lịch, việc chấn chỉnh tình trạng tranh khách, loạn giá và đưa vào quản lý có trật tự là hết sức cần thiết. Hội An đã có Phương án quản lý ghe bơi vận chuyển khách du lịch trên sông Hoài, xây dựng quy chế hoạt động và kiện toàn Nghiệp đoàn ghe bơi với 272 thành viên.
Và trên cơ sở hiệp thương thống nhất của nghiệp đoàn này, quyết định mức giá dịch vụ bằng hình thức phát hành phiếu, ticket. Cụ thể, ghe chở từ 4-5 khách/chuyến giá vé 200.000 đồng; từ 1-3 khách/chuyến giá 150.000 đồng.
Lộ trình thực hiện khép kín, từ vị trí đón đến vị trí trả khách, thời gian 1 chuyến tham quan là 20 phút (trừ trường hợp khách có yêu cầu rút ngắn thời gian nhưng không được ít hơn 15 phút). Việc phát hành, kiểm soát, tổng hợp phiếu, phân chia thu nhập được tiến hành công khai, minh bạch, đúng thỏa thuận…
Rõ ràng, việc chở khách du lịch của ghe bơi, trước hết là giải quyết công ăn việc làm cho những người hoạt động dịch vụ để có sinh kế. Vì thế, ngoài việc chuyên chở khách du ngoạn, có thể nghiên cứu thêm các hình thức dịch vụ để tăng thu nhập như tổ chức hoạt động đua ghe bơi, kéo co bằng ghe bơi cho du khách,…
Nhưng “bơi theo tiền” dĩ nhiên phải có mức độ, giới hạn cho phép, không thể vô lối, lộn xộn làm ảnh hưởng hình ảnh du lịch nói chung. Đặc biệt đáng ghi nhận là định hướng biến ghe bơi du lịch thành sản phẩm văn hóa đặc trưng, hấp dẫn.
Nghĩa là “bơi theo văn hóa” làm cho không gian sông Hoài được bồi đắp thêm hình ảnh đẹp. Chỉ có chuyên chở văn hóa, du lịch mới trở thành bản sắc và lưu dấu kỷ niệm đáng nhớ về vùng đất con người.