Chuyện cô Năm quân y

VĂN MẾN - NGỌC TRÂM 22/02/2018 11:34

Về khối phố Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn tìm gặp cựu chiến binh Phan Thị Năm (67 tuổi) chúng tôi có dịp được nghe những câu chuyện về thời hoa lửa với sự hy sinh thầm lặng của những người lính quân y.

Cô Phan Thị Năm vẫn không quên ký ức về đồng đội.
Cô Phan Thị Năm vẫn không quên ký ức về đồng đội.

Cô Phan Thị Năm tham gia làm du kích xã Điện Bình (nay là phường Điện Ngọc, Điện Bàn) từ năm 1968. Nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc, cô Năm được cắt cử làm giao liên cho Tiểu đoàn Tên lửa 577 thuộc Mặt trận 4 Quảng Đà. Đến năm 1973, cô Năm tiếp tục được đưa đi học 4 tháng y tá tại Trường Sơn và trở thành quân y phục vụ cho đến hết cuộc kháng chiến. Trung đội cô Năm công tác gồm 30 người nhưng chỉ có cô và chị nuôi quân là nữ. Tham gia những trận hiệp đồng tác chiến cùng đơn vị bộ binh D1, D3 của mặt trận Quảng Đà, cô phải theo sát đồng đội trong các trận đánh để yểm trợ bất cứ lúc nào.

Trong suốt quãng thời gian làm quân y, kỷ niệm cố gắng cứu đồng đội trọng thương vào năm 1974 là ký ức cô Năm không thể nào quên. Năm 1974, đơn vị cô nhận nhiệm vụ đánh vào xã Điện Hòa, ngay ngày đầu tiên đã có một chiến sĩ hy sinh và một chiến sĩ bị thương. Cô Năm ngay tức khắc đưa đồng đội còn sống sót đi sơ cứu, anh này bị thương ở ngực do trúng đạn thẳng, mất máu khá nhiều. Sau khi cầm máu và trấn an đồng đội cô tìm cách liên lạc đưa anh về đội phẫu thuật. Thế nhưng, khi quay trở lại hầm, đồng đội của mình bỗng dưng biến mất khiến cô vô cùng hoảng loạn. Địch lúc này chỉ cách hầm khoảng 200m, vừa lo đồng đội đã bị giặc phát hiện và giết chết, vừa lo cho căn hầm duy nhất ở đây bị địch tìm ra, cô nhanh nhẹn men theo lối bí mật tìm đồng đội. May thay, khi lẻn vào nhà dân, cô phát hiện anh đang ẩn nấp ở đấy, hỏi ra mới biết vì quá khát nước nên anh này gắng sức ra khỏi hầm đi tìm nước uống.

Chưa dừng lại ở đó, ngày hôm sau, đơn vị cô tiếp tục rút về Điện Xuân. Do bom Mỹ quá dữ dội, trung đội của cô bị thương và hy sinh nhiều. Cả đơn vị gần như mất hết sức chiến đấu thế nhưng cô Năm vẫn kiên cường làm chỗ dựa tinh thần cho anh em. Khi trung đội rút về Hàng Tầu để củng cố lực lượng chiến đấu, cô nhận được ca bệnh khó. Chiến sĩ của một đơn vị khác bị trọng thương, cánh tay phải sắp đứt lìa, những phần cơ thể khác đều trong tình trạng nguy kịch. Lúc này, chiến sĩ la hét dữ dội do quá đau đớn. Cô Năm phải ra sức trấn an đồng chí trọng thương đồng thời quyết định cắt bỏ cánh tay đã “hỏng” để sơ cứu những bộ phận khác, duy trì sức lực và sự sống của đồng đội trước lưỡi hái tử thần. Chuyển đồng đội về tiền phương điều trị, cô Năm lặng lẽ mang cánh tay đi chôn, trong lòng chỉ cầu mong đồng đội mau chóng bình phục. Vậy mà, hung tin đến ngay ngày hôm sau, chiến sĩ kia đã hy sinh trong lúc điều trị.

Chiến tranh là mất mát, hy sinh nhưng bất cứ sự ra đi nào cũng xót xa cho người ở lại. Cô Phan Thị Năm là một trong hàng ngàn quân y từng vào sinh ra tử trên chiến trường. Giữa mưa bom bão đạn, khi mà giặc ra sức cướp đi mạng sống của quân ta thì những người như cô Năm vẫn giữ vững tinh thần “thép” giành giật sự sống cho đồng đội.

VĂN MẾN - NGỌC TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện cô Năm quân y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO