Đến Đà Nẵng, Ngoan theo Nguyệt về nhà bạn để nương thân. Cô đã thoát. Còn cả cái gia đình thì sao? Câu hỏi đó cứ xoáy sâu đến nghẹt thở.
|
Đà Nẵng lúc bấy giờ toàn là người, là lính kéo về từ các hướng Quảng Tín, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... Cảnh hỗn loạn diễn ra trên các đường phố. Sau mấy ngày trong cảnh loạn ly, Ngoan trở nên cứng cỏi, liều lĩnh. Cô bươn ra đường đón hỏi đám lính mặc sắc phục không quân. Ngoan hy vọng, anh rể của cô là lính sửa chữa máy bay, giờ phút chót anh có thể đưa cả gia đình cô thoát ra Đà Nẵng bằng đường hàng không. Biết được tin anh rể đang ở trong sân bay, cô liền đón xe ôm đến tìm. Cả gia đình Ngoan tụ họp, tính kế chạy tiếp vào phía Cam Ranh... Nhưng ba Ngoan là người từng trải thời cuộc, ông bàn kín với người con rể: “Đến nước này rồi thì Đà Nẵng cũng sẽ thất thủ, chạy tới đâu cũng không xong, cách tốt nhất là bỏ trại lính ra làm dân”. Thế là Ngoan dẫn cả gia đình chạy bộ trở lại nhà cô Nguyệt xin tá túc.
Ngày 29.3.1975, bộ đội cách mạng tiến vào thành phố. Khắp nơi vang lên tiếng loa kêu gọi nhân dân và binh lính; những chính sách khoan hồng của cách mạng được ban bố. Cả gia đình Ngoan vừa mừng vừa sợ, họ trốn kỹ trong nhà cô Nguyệt. Ngoan lén ba mẹ, xông ra đường phố đón quân giải phóng rồi mừng rỡ chạy về thông báo:
- “Việt cộng” mà nhân dân gọi là bộ đội giải phóng thầy (ba) ơi! Họ đẹp và hiền lắm. Họ khoan hồng thực sự đấy! Họ cho phép người dân và binh lính: “Ai quê ở đâu thì tự do về ở đó”...
Nhưng với kinh nghiệm trận mạc, ba của Ngoan bảo cả gia đình ráng chờ tình hình yên hẳn. Sáng ngày 1.4, ông kéo cả nhà về Tam Kỳ. Ngoan phụ giúp chị gái ẵm đứa con đầu lòng mới sinh trước thời khắc Chu Lai vỡ trận có ba tiếng đồng hồ. Đến tối mịt mọi người mới tới nhà con rể tại đường Nguyễn Thái Học, Tam Kỳ.
Căn cứ quân sự Chu Lai đã được quân đội giải phóng tiếp thu quản lý, ba của Ngoan quyết định tá túc tại nhà con rể, trình diện chính quyền cách mạng và xin định cư luôn tại đây. Ngoan cùng mẹ bắt đầu kiếm kế sinh nhai. Hằng ngày hai mẹ con ra chợ Quán Rường, chợ Kỳ Lý mua khoai lang khô gánh vào chợ Tam Kỳ bán lại kiếm đồng lời ít ỏi, còn ba cô thì đi bửa củi thuê cho quán Bà Tề. Họ bám víu nhau sinh sống trong một cái gia đình sáu miệng ăn không tem phiếu. Sau cuộc chiến, đất nước đang trong giai đoạn phục hồi, dân mình ai cũng nghèo. Nhưng, riêng với gia đình Ngoan thì thật quá khốn khổ. Không nhà, không vốn liếng, không ruộng đất, Ngoan cùng ba mẹ làm chúi mũi mà vẫn đói kém. Bù lại là bình yên và tự do.
Ngoan được tổ chức thanh niên động viên sinh hoạt văn nghệ mỗi đêm. Thay vì hát nhạc “vàng”, cô thả hồn theo những bài hát, bài thơ cách mạng. Cô hát hay, gây được sự chú ý của cán bộ cách mạng ngay từ đầu. Tháng 5.1975, cô được lãnh đạo phường chọn cử đi tập huấn văn nghệ do Đoàn Văn công khu 5 về mở lớp. Khả năng bẩm sinh của Ngoan được các nghệ sĩ chuyên nghiệp phát huy. Cô tập ngâm các bài thơ: Quê hương của Giang Nam; Tre Việt Nam của Nguyễn Duy; tập hát bài Đôi dép Bác Hồ... Sau đó, Ngoan về biểu diễn tại địa phương được nhân dân, cán bộ tán thưởng. Khổ mà vui. Tâm hồn non tơ của một “ca sĩ tâm lý chiến”, giờ đây như có luồng gió mới đầy xuân sắc thổi tới. Hễ nghe có biểu diễn văn nghệ là cô dẹp gánh, dẹp mủng, xin mẹ tham gia.
Giữa tháng 7.1975, một bất ngờ đến với cô, khi ông Đông chủ tịch phường đến nhà, nói: “Con có muốn thoát ly tham gia cách mạng không, chú sẽ bảo lãnh cho đi”. Ngoan không hiểu chi cả, nói hoảng: “Chú nói “thoát ly” là thế nào? Bây giờ đất nước hòa bình, thống nhất rồi mà con phải lên núi làm chi nữa chú?”. Ông ôn tồn giải thích: “Chú thấy con có trình độ văn hóa, có khả năng văn nghệ, có thể tham gia công tác cách mạng được. Con sẽ vào ngành giáo dục để đi dạy cấp I. Đi làm thì có lương và có quyền lợi chính trị nữa...”.
Vài hôm sau, Ngoan được gọi vào ngành giáo dục với cái lý lịch khai rất thật. Cô được đưa đến cơ sở tiếp nhận học sinh miền Nam, khi nước nhà thống nhất họ được giao trả về lại quê nhà. Ở đây, cô nhận quyết định làm cấp dưỡng. Lại một điều bất ngờ đến với Ngoan. Theo cô thì cô có thể theo học một khóa đào tạo cấp tốc để về dạy cấp I như những người khác có cùng trình độ văn hóa. Cô dùng dằng, xin về nhà.
Ông Diệp, Chủ tịch Công đoàn trường nội trú gọi cô lên động viên: “Làm cách mạng thì nhiệm vụ nào hoàn thành tốt cũng đều vinh quang cả. Cháu cố gắng mà yên tâm công tác”. Vì câu nói đó mà Ngoan nhận việc. Chú Đông, chú Diệp tin Ngoan, nhưng người khác thì chưa. Tuần lễ đầu, mỗi khi dọn bữa, Ngoan phải húp một miếng canh, ăn một miếng cơm với thức ăn do cô nấu thì mọi người mới cầm đũa. Nhìn họ, cô rưng rưng ngẫm ra phận mình...
Nằm đêm cô lại nghĩ: “Có cái nguồn gốc xuất thân như mình thì ai mà vội tin cho được”. Và cô yên phận. Cô cố gắng đi chợ, chẻ củi, xách nước, lặt rau... để có cơm nóng, canh ngọt cho cán bộ, học sinh hằng bữa.
Là cấp dưỡng thôi nhưng cô có vóc dáng lại thêm chút tài hoa. Trong đám học sinh nội trú có người đem lòng thương cô. Rồi cũng có cán bộ thoát ly chống Mỹ đến tỏ tình. Nhưng họ là con “cách mạng nòi”, gia đình không cho đến với cô. Những cuộc tình duyên thắm thiết đều không thành. Con gái đến tuổi phải lấy chồng. Cô quyết định lấy một người có “lý lịch đen” như cô. Và cũng từ đó cô càng yên phận với cái công việc đang làm.
Làm cấp dưỡng cho nhiều trường nội trú trên đất Tam Kỳ này đã hơn ba mươi năm, nhưng cái phận người “ca sĩ Bích Hà” tám tháng kia vẫn đeo bám suốt đời Ngoan. Con rể của cô là con nhà “đỏ” rực, công tác nhà nước, được xét để kết nạp đảng. Nhưng cũng vì cái vết xước đời cô mà cậu con rể gặp trở ngại trên bước đường thăng tiến. Ở hiền gặp lành. Các cụ cán bộ về hưu tại phường hiểu thời cuộc và hoàn cảnh lịch sử nên có ý kiến giải được nỗi khúc mắc cho con rể cô.
…
Hiện giờ Ngoan đã năm mươi tám tuổi, về hưu 5 năm rồi mà giọng ngâm thơ vẫn còn khá. Tâm sự với những người bạn văn nghệ, cô vừa trăn trở vừa thỏa mãn: “Thôi thì cái phận của mình là vậy, cái phận đó vô tình bị đóng đinh bởi thời cuộc. Cuối đời rồi mới dám nói rằng, mình đã làm tròn cái phận mà mình đã chọn từ tháng 7.1975. Mình không có lý luận cao xa, nhưng thật sự là mình đã vịn câu thơ mà đứng dậy mỗi khi gặp gian truân, bất hạnh. Thật vậy đấy, mình vướng cái vết “tâm lý chiến” trước 1975 là vì có giọng hát, còn mình trở thành “nhân viên nhà nước” sau 1975 là nhờ có giọng ngâm thơ. Và bây giờ, cái phận như mình mà được hưởng lương hưu của một viên chức thì so với những chiến sĩ đang nằm dưới mồ kia là quá nhiều đấy chứ. Xin cám ơn anh Nho, anh Nhẫn đã giữ lại mạng sống cho tôi; cám ơn chú Đông, chú Diệp đã hiểu và giúp tôi ngay từ những ngày đầu giải phóng”.
Truyện ký của PHẠM THÔNG