Ở quê tôi ngày trước, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người ta vẫn hay bảo nhau “(muốn) vào nhà (phải) qua ngõ”. Nói ra cái nguyên lý đúng đến mức không thể cãi được ấy, thoạt nghe thì có vẻ thừa, nhưng thực ra nó lại rất cần, bởi một nguyên do khác.
Bây giờ ở quê hay ở phố, nhà nào cũng có cổng ngõ hiện đại và kiên cố. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Theo nhiều vị cao niên mà tôi có dịp được hầu chuyện, “(muốn) vào nhà (phải) qua ngõ” là một lời răn dạy được người xưa đúc kết và truyền lại cho hậu thế về sống xử ở đời: làm gì cũng phải quang minh chính đại, có trật tự, trước sau, trên dưới, chớ có bươn ngang lách dọc. Ngoài ý nghĩa cao xa kia, khi áp vào đời sống thực, nó cũng rất có tác dụng trong việc ngăn chặn phần nào bước chân tùy tiện của những người đoảng tính ưa đi ngang về tắt trong bối cảnh vườn tược ở quê đất rộng rào thưa...
Cổng xưa
Chưa rõ cách lý giải ấy đúng đến mức nào, chỉ biết rằng đã có một thời gian dài, hiện tượng này rất phổ biến: khi làm nhà, rào giậu chung quanh có thể chưa có, thậm chí cửa nẻo trong nhà còn trống trải nhưng cái cổng ngõ thì không ai không làm. Có cảm giác như, nhà - bất kể to như cái đình hay chỉ là túp lều tranh bé xíu, chỉ thật sự được coi là “nhà” khi có cái... cổng ngõ! Cái cổng ngõ thậm chí quan trọng đến mức, không ít cặp vợ chồng trẻ mới ra riêng, chưa đủ sức dựng nhà thì làm trước... cái cổng, “định vị” cơ ngơi trên khu đất vừa được cha mẹ chia cho. Cái cổng ngõ cứ như là một tiêu chuẩn, một thành tố không thể thiếu trong tổng thể không gian kiến trúc nhà ở vậy!
Tuy nhiên, hình như người ta chỉ gợi ý “phải/nên có cái cổng ngõ” hơn là đưa ra yêu cầu cái cổng ngõ phải như thế nào nên các làng quê (trừ các làng quê “kiểu mẫu” Bắc Bộ), cổng ngõ được dựng lên muôn hình vạn trạng. Nhiều nhà chọn cây cau hoặc dừa trồng hai bên làm thành đôi trụ cổng vừa “đăng đối”, vừa thanh nhã, lại bền. Với những gia đình “có tâm hồn” một chút, cổng ngõ được làm bằng cây bông giấy hoặc các loại hoa dại dạng dây leo. Để bông giấy, hoa dây leo có thể vươn cao mà tạo nên cái cổng ngõ, người ta lấy tre làm choái làm giàn. Đến lúc cái giàn vừa ải mục rơi xuống cũng là lúc dây níu vào dây, đan cài thành vòm vững chãi... Lại có không ít nhà, nhất là ở vùng trung du, hay chọn cây vông hoặc lồng mứt trồng hai bên lối vào để làm trụ, “trang trí” bằng bụi chè tàu được cắt tỉa, tạo hình rất đẹp. Cái cổng ngõ vì thế mà xanh um; sắc xanh nối liền từ bụi chè tàu bên dưới lên tận tán lá của cái cây được chọn làm trụ, mát rượi suốt bốn mùa...
Ngày trước, cổng ngõ ở quê đa số được làm bằng tre. Tre, thường là tre đực gộc, được chôn xuống hai bên đầu lối đi vào nhà để “đánh dấu” cái cổng. Trải qua thời gian, gốc nào bị khô mục thì thay. Nhưng cũng có nhiều gốc bén rễ đâm măng, năm này qua năm khác thành lùm, thành bụi, lên cao rồi chụm đầu vào nhau, ra cái cổng vòm xanh mát... Cái chốn mát rượi thanh bình này chính là nơi trẻ con rủ nhau chơi bắn bi, búng dây thun và nói chuyện... trẻ con. Đó cũng là cái nơi mà người lớn, nhất là các bà các chị, túm tụm chuyện trò khi có dịp. Nhiều câu chuyện, sự việc “cơ mật” của từng gia đình bị lộ lọt ra ngoài, được xếp vào diện “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay”, phải chăng cũng được phát đi từ những cuộc chuyện trò ở chỗ này đây?!...
Tất nhiên, giữa cuộc áo cơm thiếu thốn và khốn khó một thời, rất nhiều gia đình không có tâm trí đâu mà lo cho cái cổng ngõ. Và cái kiểu cổng đơn giản nhất hay được họ chọn là đôi cây gỗ tạp, thường là bạch đàn, gốc ổi, đem cắm xuống hai bên đầu đường vào nhà, thế là ra cái cổng ngõ... Lại nhớ một kiểu cổng ngõ đơn giản khác, ấy là vào những năm đầu sau giải phóng, nhiều nơi người ta rủ nhau làm hàng rào, cổng ngõ bằng những thanh sắt hàng rào ấp chiến lược...
…Và nay
Bây giờ thì ở quê cũng như ở phố, người giàu cũng như người... chưa giàu, hầu như nhà nào cũng có cổng ngõ hiện đại và kiên cố. Và vẫn không theo “quy chuẩn” nào cả, ai thích kiểu gì thì làm kiểu đó, nhưng hình như đa số đều vừa to vừa cao vừa rộng. Nhiều nhất là loại cổng có trụ xây bằng gạch hoặc đổ lõi bê tông, bên ngoài ốp đá hoặc dán gạch men. Có nhà xây trụ cổng cao chót vót, bên trên gắn thanh sắt nhọn hoặc con chim ưng, chả hiểu để làm gì. Có nhà xây cổng có mái che bằng ngói hình chóp hoặc dạng mái tam quan; có nhà làm mái bê tông đổ bằng hoặc dạng vòm. Lại có không ít nhà “sáng tạo” đến lạ: đang có cái cổng bằng cây xanh mướt mát là vậy thì lại chặt đi, thay vào đó bằng cặp cây bê tông giả gỗ, trông vừa nặng nề, vừa thô xấu, vừa... giả! Cánh cổng cũng muôn hình vạn trạng, nhiều nhất là làm bằng thép với đủ loại hoa văn uốn éo dọc ngang; đa số được thiết kế hở, để khi cổng không mở mà kẻ trong ngõ người ngoài đường vẫn có thể nhìn thấy nhau và chuyện trò. Nhưng cũng có không ít cái cổng có bộ cánh dày cộp, kín bưng, kêu không nghe gọi không thấy; trông nặng nề, ngăn cách và có phần... bí hiểm. Rồi màu của cái cổng ngõ nữa, đã hết cái thời màu xanh cây lá tự nhiên làm chủ đạo, thay vào đó là cuộc chơi tùy hứng. Có nhà sơn cổng chỉ một màu và chung thủy với nó từ năm này qua năm khác. Có nhà sơn cổng theo kiểu... “không mất lòng màu nào”, xanh vàng tím đỏ tô hết, trông xốn mắt và diêm dúa...
Hẳn nhiên, đây đó vẫn còn những cái cổng ngõ “thân thiện với môi trường”, hiền lành, chất phác, gần gũi, mềm mại, được tạo hình bằng các loại dây leo. Đây đó, vẫn có những cái cổng ngõ được xây lên không chỉ để cho nhà mình đúng nghĩa là... cái nhà, để định vị cơ ngơi, để bảo vệ ngăn giữ, mà còn để sẻ chia. Ở làng văn hóa Liễu Trì (Bình Nguyên, Thăng Bình), ở làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) và một số làng quê theo chuẩn nông thôn mới khác, kiểu cổng ngõ xây lấn vào đất vườn nhà mình đang được nhiều người áp dụng. Thay vì xây thẳng theo hàng rào, người ta lùi trụ cổng vào phần đất nhà mình độ một vài mét, tạo ra một khoảng không gian thoáng rộng mà theo như chủ nhân của những cái cổng ngõ như thế, là để lấy chỗ cho người ta đứng nghỉ hoặc quay xe, nếu cần. Mà ở nông thôn bây giờ, không chỉ xe máy mà ngay cả ô tô cũng nhiều lắm rồi; có được một chỗ quay xe như thế là quý lắm!...
PHAN CHÍ ANH