Chuyện cũ trong lòng phố cổ

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN 07/01/2018 08:03

Một Hội An lành hiền của những ngày cũ. Một Hội An đang “chịu đựng” rất nhiều sức ép của thời hiện tại. Mối giằng co giữa bảo tồn và phát triển đang đặt vùng đất này ở tư thế buộc phải tìm kiếm cho mình những cách ứng xử phù hợp…

Hạ tầng giao thông đang là bài toán nan giải cho đô thị cổ những năm gần đây.Ảnh: T.C
Hạ tầng giao thông đang là bài toán nan giải cho đô thị cổ những năm gần đây.Ảnh: T.C

GÓP MỘT BÀN TAY

Một bàn tay, nhỏ nhoi thế, mà tôi nhớ đã có người dùng để ví von phố cổ Hội An. Chính xác hơn là vùng lõi phố, bằng một lòng bàn tay. Bây giờ, phố cổ đã khác, không còn chật hẹp khi đã là một đô thị di sản của nhân loại. Một bàn tay cũng khác, là sự chung sức của từng người dân, điều kiện cần cho phố cổ khi phía trước là muôn ngàn áp lực…

1. Mười lăm năm trước, tôi có quãng đời phổ thông nơi phố cổ. Hội An trong ký ức, chỉ vừa mới chạm vào giấc mơ du lịch. Du khách còn thưa thớt, đại đa số dân phố cổ là dân gốc. Những gót chân lướt qua lòng phố nhẹ và thưa, đúng cái cách cổ điển mà người Hội An đã sống trong những ngày ấy, thật chậm, thật an bình. Du lịch có rồi, nhưng những xao xác xô bồ thì chưa chạm đến phần sâu kín trong hồn phố. Hoặc giả, chỉ mới chạm rất nhẹ, rất mỏng vào đời sống và ứng xử người ở phố. Những hẻm nhỏ rêu xanh thưa người. Tấm vải điều nơi con mắt cửa nhạt như màu giấy in thủ công thời trước. Một phố cổ đủ để đẹp và dĩ nhiên, đủ để cổ kính như danh xưng của phố. Khi ấy, Hội An đã là di sản thế giới.

Kể lại, để nhắc nhớ rằng Hội An đã từng có một quãng thời gian bình yên và thâm trầm như thế. Lẽ dĩ nhiên, từ khi là di sản, cuộc sống và số phận của phố cổ đã khác lắm. Một giấc mơ được đánh thức, bằng du lịch, bằng dịch vụ, bằng cơn lốc du khách đến thăm phố cổ nhỏ bé ngả bóng bên bờ sông Hoài. Hội An chuyển mình trong giấc mơ ấy. Dân phố cổ đổi đời. Dân vùng lân cận cũng rục rịch xoay chuyển theo dòng chảy của du lịch và dịch vụ. Người Hội An đi lâu, hoặc người nơi khác lâu ngày ghé lại, chắc không dễ để nhận ra hình hài của phố mà mình từng nhớ. Giấc mơ ấy, là khao khát, là đích đến, cũng là ước vọng của cả chính quyền và người dân. Chạm đến rồi, nên niềm vui cũng đầy theo từng ngày, từng tháng, từng năm. Từ thu nhập, từ những đổi thay trong chính nếp nhà, chính cuộc sống cư dân ở phố. Cơ hội mở cửa cho tất cả. Bạn tôi, nhà trong phố cổ, ngày xưa chỉ có tiệm tạp hóa nhỏ bán nước giải khát ướp lạnh, thuốc lá cho khách, sống một cuộc sống vừa đủ. Bây giờ, chỉ tính riêng tiền cho thuê mặt bằng, cũng gấp mười lần mức lương trung bình của một công chức. Tiệm bánh mỳ Phượng ngày đó còn kê tủ kính bán ở vỉa hè, cạnh giếng chợ Hội An, nay mở hẳn một cửa hàng phục vụ khách Tây khách ta nườm nượp từ sáng đến tối. Có nhà ở trong khu phố cổ, thì chắc không có cơ hội để… nghèo. Dịch vụ bủa vây, hái ra tiền từ chính những điều nhỏ nhặt nhất. Nắng, mưa, đến… lũ lụt, cũng kiếm được tiền. Vậy đó. Di sản đã mở cánh cổng cho cuộc đổi đời. Nhưng cũng từng đó, dần dần, Hội An không còn và không thể là nơi sống chậm…

Du lịch đang là nguồn sống cho cư dân phố cổ Hội An. Ảnh: T.C
Du lịch đang là nguồn sống cho cư dân phố cổ Hội An. Ảnh: T.C

2. Phát triển cũng đồng hành với thách thức. Nhưng chính giữa cuộc trở mình tưởng chừng xô bồ rối ren ấy, dân phố cổ chừng như vẫn giữ được vốn quý của chính mình, một thứ tài sản để Hội An không bị nhạt nhòa ngay trong “bão” dịch vụ. Là văn hóa. Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói, từ trước khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới, người dân Hội An đã ý thức rất cao về vốn quý văn hóa của vùng đất mình. Đó chính là sức mạnh để Hội An vượt qua mọi khắc nghiệt của thời gian và sự xô đẩy của cuộc thương mại hóa. Vẫn còn nguyên những dãy phố cũ, những không gian đậm đặc truyền thống ngay giữa lòng phố. Để hiểu, việc bảo tồn, rõ ràng không chỉ đến từ Nhà nước hay nhà quản lý. Chính người dân đã tự tham gia cuộc bảo tồn, bằng cách giữ lấy nếp nhà mình, giữ lấy văn hóa và ứng xử mang đặc trưng của vùng đất. Họ hưởng lợi từ phát triển du lịch, từ không gian truyền thống, và họ hiểu điều đó. Nhận thức ấy, trở thành cách để họ yêu quý hơn vốn liếng của tổ tiên để lại, và tự tìm cách gìn giữ cho chính mình. “Tương lai của di sản sẽ đi về đâu, phụ thuộc vào những con người đương đại, những chủ nhân di tích hiện nay. Ứng xử với giá trị lịch sử, với giá trị văn hóa tiền nhân để lại cần phải tỉnh táo và tiếp tục vun trồng thêm nhiều giá trị mới. Phố cổ nhưng phải có sinh khí. Sinh khí đó chính là nếp sống của người dân Hội An” - ông Sự nói.

Bạn bè tôi, những người đã rất háo hức trong lần đầu đến thăm phố cổ, khi ra về, đều bày tỏ sự yêu mến một “phong thái” rất Hội An mà họ đã nghe, đã thấy và gặp, từ người dân ở phố. Đó cũng chính là thứ sinh khí riêng có cho đô thị di sản giữa những guồng quay du lịch. Sự giúp đỡ từ bên ngoài là quan trọng, nhưng yếu tố quyết định, chính là tự thân, mà hiện hữu, là tính cộng đồng vẫn đang tồn tại. Hội An đã sản sinh ra những người gắn bó với phố, giữ hồn cho phố. Cùng với đó, là bao tâm huyết đổ xuống, dấu ấn của nhiều cá nhân cho phố cổ này, trong hình hài một đô thị di sản. Ngay cả thiết chế văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, ở nơi này, cũng thật đặc biệt. Không làm mới để đạt yêu cầu như nơi khác, Hội An chọn cách trùng tu và phục dựng từ hạ tầng thiết chế đến tinh thần. Những mái đình từng phủ bụi, bây giờ trở thành nơi sinh hoạt, nơi để con dân tự hào về vốn liếng cũ. Cái hay của câu chuyện bảo tồn ở Hội An, có lẽ cũng từ đặc điểm đó. Giữ di sản, có lẽ không khó bằng điều mà Hội An đang giữ: tính cố kết trong cộng đồng…

3. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An - nói với tôi, rằng bản thân Hội An luôn có một nguồn nội lực dồi dào, từ trong chính người dân. Nhưng cũng không thể quên rằng bản thân Hội An có tố chất, để được chú ý và tìm đến. “Chỗ anh tốt, tôi mới tìm đến làm bạn. Đồng thời đó cũng là chỗ để tôi tự giới thiệu mình, bởi ở đó có nhiều cơ hội tiếp xúc. Không phải ngẫu nhiên, mà 15 năm liên tục Hội An trở thành địa điểm tổ chức lễ hội Việt - Nhật. Hàn Quốc cũng bắt đầu tìm đến và tổ chức lễ hội. Trong tổng số 6 lần, thì hết 5 lần hội thi hợp xướng quốc tế được tổ chức tại Hội An, và số lượng tham dự chưa bao giờ dưới 20 đoàn. Sự chú ý ấy, càng làm cho chính quyền và người dân ý thức hơn về việc giữ gìn “chất Hội An” của mình. Làm cho mình tốt lên, cũng chính là đang tạo và giữ cơ hội cho chính mình” - ông Phùng chia sẻ.

Tôi chợt nhớ đến Rudy van Bork - chủ nhân của chuỗi quán café Hoian Roastery. Quyết định dừng chân và định cư ở Hội An, Rudy nói tinh thần truyền thống, cách sống giản dị, gần gũi của cư dân nơi này đã níu anh ở lại. Một người ngoại quốc khác, Federico Barrocco - chàng chuyên gia khảo cổ học người Ý, lập gia đình cùng một cô gái Việt, và định cư tại Hội An. Họ, bằng những sự kiện văn hóa, cộng đồng mà mình khởi xướng, đã và đang làm giàu thêm vốn liếng văn hóa cho vùng đất này. Hội An không mất đi “chất” của phố, mà trái lại, còn giàu thêm, từ chính những đóng góp lặng thầm của cư dân, kể cả những người đã đến và trót say, trót yêu và ở lại…

Tôi lang thang qua những con hẻm nhỏ lọt giữa lòng phố cổ. Hẻm Hội An, luôn đặc biệt, rất ít hẻm cụt. Người trở về tìm lại mảng ký ức xanh rêu nào đó, người mới đến thì góp nhặt những câu chuyện cho mình, trong những con hẻm nhỏ. Bây giờ, hẻm cũng không còn thâm trầm nữa, khi đi đâu cũng chạm khách. Quán cà phê nép mình trong hẻm cũng lao xao tiếng bước chân ngoài cửa, những thong dong có lẽ hẹp lại dần. Nhưng trong những trầm lặng và dung dị của con người, Hội An sẽ vẫn sẽ sống đời của phố, bằng những đóng góp nho nhỏ của cư dân, bằng “một bàn tay”. Mong là vậy, để Hội An vẫn thật riêng, lưu dấu và truyền đời…

ÁP LỰC PHÁT TRIỂN

Hội An vẫn đang đứng trước rất nhiều sức ép trước tốc độ phát triển mỗi ngày một mạnh mẽ…

Sức ép phát triển đô thị, nhất là hạ tầng gây ra áp lực rất lớn cho Hội An trong những năm gần đây. Ảnh: Hà Nguyễn
Sức ép phát triển đô thị, nhất là hạ tầng gây ra áp lực rất lớn cho Hội An trong những năm gần đây. Ảnh: Hà Nguyễn

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, người gắn bó với nhiều câu chuyện của phố cổ, cho biết, với Hội An, những việc chưa làm được còn rất nhiều. “Chuyện rất khó trong việc trùng tu, đặc biệt là các di tích sở hữu của Nhà nước, sở hữu tư nhân, di tích đồng sở hữu. Đó là những điều thường trực phải giải quyết của Hội An. Kế đến là vấn đề vật liệu trùng tu, phương pháp trùng tu. Có cái làm được và có cái phải thực hiện theo lộ trình lâu dài mới đạt được đến độ căn cơ của nó. Hiện nay, điều mà những ai quan tâm đến di tích đều quan ngại là tốc độ phát triển của vùng nông thôn, vùng đệm, vùng ngoại ô. Những di tích nằm ở các khu vực như vậy vẫn chưa được quy hoạch về không gian cụ thể” - ông Phùng Tấn Đông nói.

Đây là điều cần sự vào cuộc không chỉ của cộng đồng cư dân mà cả chính quyền. Những ngôi mộ cổ, di tích cổ nằm ngoài phạm vi khu vực I – khu vực phố cổ thì thường do cộng đồng, các ban trị sự... quản lý. Các di tích ở những khu vực này vẫn được quan tâm duy tu hằng năm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo nhiều người, ngoài bản thân di tích, thì cảnh quan di tích thường ít được quan tâm. “Từ mộ cổ, miếu Thần Nông, những di tích đình miếu… ở vùng ngoại ô bị xâm lấn về không gian, những nhà cao tầng mọc lên và không ai biết di tích thì ở chỗ nào. Nó bị bóng đổ của kiến trúc xây dựng mới che hết, gần như lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bị biến dạng, mất mát. Như miếu Thần Nông ở Cẩm Phô chẳng hạn, cũng gặp phải tình trạng này. Những ngôi mộ cổ ở Tân An bị nhà dân và các công trình công cộng che lấp, rất khó để nhận diện ra các di tích cổ. Tình trạng đó dẫn đến việc bảo dưỡng duy tu di tích gặp khó khăn. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, các vùng nông thôn cần phải có quy hoạch về kiến trúc, không gian. Tôi nghĩ đã đến lúc phải có quy hoạch về cảnh quan cho tất cả kiến trúc ở những vùng này” - ông Phùng Tấn Đông chia sẻ thêm.

Ngoài ra, sức ép phát triển đô thị, nhất là hạ tầng gây ra áp lực rất lớn cho Hội An trong những năm gần đây. Hội An đã có bữa kẹt xe. Đường lên Thanh Hà - làng gốm cả năm chưa xong. Nay lại có thêm hiện tượng, để tránh trạm thu phí, cường độ xe chạy đường tỉnh lộ Vĩnh Điện - Hội An quá nhiều. Đường vô làng gốm Thanh Hà gần như tan nát hết. Lượng du khách quá lớn, hạ tầng thì không thay đổi. Ông Nguyễn Minh Tâm - một cư dân phố cổ Hội An cho rằng: “Sắp tới, nếu đường dẫn Cửa Đại không mở, thì áp lực cũng sẽ đè nặng lên tuyến đường Cửa Đại phía Hội An. Cũng như vậy, khi cầu Cẩm Kim lưu thông, với lưu lượng xe cộ và hàng hóa từ phía Duy Xuyên sang Hội An và ngược lại, thì hạ tầng Hội An có nguy cơ quá tải từ nhiều hướng”. Kể một câu chuyện về lưu thông phố cổ, ông Famio Kato, Trưởng Đại diện Tổ chức JICA tại Việt Nam phàn nàn rằng, trong một dịp lễ hội, từ TP. Đà Nẵng về đến trung tâm phố cổ Hội An, ông đã mất gần 2 giờ đồng hồ vì bị kẹt xe. “Trước khi làm gì, chúng ta phải tính đến giao thông. Tôi phải nói rằng, các bạn sẽ dễ bị bỏ lại trên con đường phát triển của đô thị hóa và xu hướng giao thông chuyển sang ô tô. Hội An sẽ bị rơi vào một điểm, một ngõ khuất và bị bỏ quên ở đó nếu như cứ tiếp tục vậy. Sẽ có nhiều khách bỏ qua Hội An hoặc “bị” hạn chế đến Hội An vì hạ tầng giao thông như hiện nay của các bạn. Các bạn phải tính đến việc kết nối với các phương tiện giao thông khác nhau, sự tiện lợi của du khách, rồi mới nói đến chuyện phát triển Hội An như thế nào” - ông Famio Kato nói.

CẦN MỘT CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT

Liệu có cách thức nào để giải tỏa những áp lực mà đô thị cổ này đang gặp phải?

Hội thảo quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản được tổ chức tại Hội An vào tháng 6.2017.Ảnh: T.C
Hội thảo quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản được tổ chức tại Hội An vào tháng 6.2017.Ảnh: T.C

Giáo sư Michael Turner đến từ Học viện Nghệ thuật và thiết kế Bezalel, Tây Ban Nha, cho rằng, bảo tồn đô thị di sản là đề tài tranh cãi của tất cả trung tâm đô thị trên thế giới, bởi sự đụng độ giữa xưa và nay. “Trong một thế giới hội nhập, biến đổi liên tục như hiện nay, việc gìn giữ những di sản cho thế hệ tương lai là một quan niệm rộng với tầm nhìn xa hơn. Khi nói đến cảnh quan đô thị không phải người ta đề cập một di sản hay một công trình kiến trúc cụ thể mà đó là dự án tổng thể cho cả đô thị” - GS. Michael Turner nói. Tranh cãi và cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và văn hóa vẫn chưa có hồi kết. Theo ông, trên thế giới, những cuộc xung đột vẫn đang xảy ra quyết liệt, chưa có ai nắm được quyền quyết định cuối cùng: những nhà bảo tồn hay nhà đầu tư. Cân bằng được điều này quả là không dễ. Trong khi đó, bằng một sự quan sát lâu dài, ông Phùng Tấn Đông cho rằng, để giải tỏa những sức ép đang đặt lên Hội An, phải cho Hội An một cơ chế đặc biệt. “Một đô thị cổ, quần thể di tích cổ nếu không có cơ chế đặc biệt thì chính quyền rất khó trong việc quản lý. Thành phố nào cũng vậy, thành phố di sản thì càng cần có cơ chế, lộ trình thoát khỏi dần áp lực của hạ tầng giao thông, kiến trúc xây dựng… Việc này đòi hỏi một chính quyền đô thị như Hội An phải mạnh lên, phải có những cơ chế đặc biệt để thể hiện quyền lực chế tài của mình trong các hoạt động” - ông Phùng Tấn Đông nói. Ngoài ra, chính quyền đô thị này cũng đang tính đến việc hạn chế, điều tiết lưu lượng khách đến phố cổ bằng việc phân tuyến thời gian và lộ trình. Việc hạn chế và điều tiết du khách nằm trong tầm nhìn của chính quyền quản lý đô thị. Chính quyền đô thị phải biết đặt ra thời điểm, lộ trình và khéo kéo tự điều tiết cho hợp lý để giải tỏa bớt áp lực của du lịch, xây dựng, áp lực của đời sống…

Ứng xử với di sản như thế nào để cư dân hưởng lợi từ điều này, bởi, theo GS-TS. Trương Quốc Bình, di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng. Theo ông: “Sự hiện diện của di sản là thông điệp của cộng đồng gửi đến cho thế hệ sau, của một đô thị gửi đến cho du khách, có di sản còn là biểu tượng của một thành phố; rồi tính khoa học, vì di sản được thừa nhận thường có giá trị lớn về mặt lịch sử hoặc nghệ thuật; di sản còn gắn với giá trị kinh tế và khi mất đi, nó có thể gây nên tổn thất cho các nghề truyền thống, dịch vụ du lịch và văn hóa nghệ thuật… của cộng đồng. Các di sản của Quảng Nam, đặc biệt là Hội An đã được phát huy hiệu quả, đóng vai trò không nhỏ trong cơ cấu kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Nam. Cho nên việc bảo vệ và phát huy các di sản phải được đề cao và xác định là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên sức đề kháng những độc tố từ sự xâm lăng về văn hóa của các thế lực từ bên ngoài…”.

Theo các chuyên gia quốc tế, bảo tồn bản sắc văn hóa và kiến trúc đô thị cổ cần chiến lược dài hơi, cân nhắc gìn giữ những vốn quý mà Hội An đang có.Ảnh: T.C
Theo các chuyên gia quốc tế, bảo tồn bản sắc văn hóa và kiến trúc đô thị cổ cần chiến lược dài hơi, cân nhắc gìn giữ những vốn quý mà Hội An đang có.Ảnh: T.C

Ở một góc nhìn khác, GS. William Logan từ Trường Đại học Deakin, Melbourne (Úc), cho rằng, đô thị di sản có ngành công nghiệp du lịch phát triển mạnh cũng tạo ra sự đồng hóa văn hóa, tác động trực tiếp đến cảnh quan và văn hóa tín ngưỡng địa phương. “Toàn cầu hóa cũng là một yếu tố làm biến mất dần những bản sắc truyền thống. Tại một số thành phố người dân đã từng đấu tranh nhằm giữ gìn những bản sắc văn hóa riêng của họ. Hội An là một đô thị mang nhiều tầng nấc di sản, lịch sử và là thành phố có giá trị toàn cầu. Việc quy hoạch phát triển phải được đặt ra ở những chiến lược có tâm, trong đó cần cân nhắc kỹ đến những di sản quý mà Hội An hiện có” - GS. William Logan nói.  

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, sự tăng trưởng của thành phố là điều tất yếu. Vấn đề là phải nhận diện được những áp lực đang đặt lên địa phương này, để tìm một giải pháp có tính đồng bộ, căn cơ. “Hội An đang tiến hành rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các đồ án quy hoạch đô thị trong tương lai. Cùng với một số giải pháp như phân luồng xe vào các giờ trong ngày và đi theo tuyến cố định hay mở rộng không gian phố đi bộ..., thành phố cũng đã kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng. Tuy nhiên khó nhất chính là cơ chế chưa rõ ràng, vẫn chưa biết theo hình thức nào (giao đất, cho thuê đất hay công tư…). Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển thêm một số điểm du lịch mới như Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, các làng rau… để giãn khách” - ông Sơn nói.

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện cũ trong lòng phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO