Người mê bài chòi xứ Quảng - Đà dành tặng ông danh hiệu “đệ nhất guitar phím lõm”. Ngày ngày, nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái vẫn góp sức lan tỏa tình yêu bài chòi đến với đông đảo người dân.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái (56 tuổi, trú tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) là nhạc công bài chòi duy nhất ở TP.Đà Nẵng nhận được danh hiệu này.
Đưa âm hưởng bài chòi Hội An vang xa
Trong không gian đậm chất truyền thống ở đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), nữ nghệ nhân cất giọng ca: “Con quạ nó đứng bên sông/ Nó kêu bớ mẹ đừng lấy chồng bỏ con/ Một mâm năm, bảy thứ đồ ngon/ Ông dượng ghẻ ăn hết mà để con nhịn thèm/ Ới bạn mình ơi – là cái ông Đượng ra rồi”.
Lời ca hô con Đượng (1 trong 30 con bài chòi) hòa cùng điệu xuân nữ được nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái gảy lên từ cây đàn guitar phím lõm, êm tai nhưng không kém phần nỉ non.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng, ông Thái lại cùng những nghệ nhân khuấy động không gian lễ hội đình làng Túy Loan bởi hội hô hát bài chòi xứ Quảng.
Nhiều người nói vui rằng, hô hát không người này thì người khác nhưng chơi nhạc hay đến mức khó kiếm người thay thế thì chỉ tay đàn Phạm Hồng Thái.
“Trở về từ hội đình Túy Loan, tôi lại sửa soạn chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư ở một làng biển trên địa bàn. Từ trước, trong và sau tết, gần như ngày nào tôi cũng mang đàn đi biểu diễn, hết lễ hội này đến lễ hội khác”, ông Thái mở đầu câu chuyện.
Để có những ngày đúng nghĩa “chạy show” như hôm nay, một người chuyên đứng sau các nghệ nhân hô hát bài chòi như ông Thái đã trải qua nhiều thăng trầm, năm tháng khổ luyện.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái kể, ông bén duyên với đàn guitar phím lõm từ năm lên 17 tuổi khi bắt đầu tham gia đoàn thông tin lưu động của xã Hòa Phong.
Thời điểm đó, để những người làm công tác văn nghệ cơ sở có thêm kỹ năng, đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã về truyền dạy những làn điệu dân ca.
Ông Thái tham gia lớp học và chỉ trong vòng 7 ngày, ông đã chơi nhuần nhuyễn 4 điệu nhạc chính của bài chòi, gồm: xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng.
Năm 1986, ông khiến nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu tiên tham gia thi nhạc dân ca cấp huyện đã đoạt giải nhất. Ông được chọn vào ban nhạc để đi thi cấp thành phố và tiếp tục đoạt giải nhạc công nhỏ tuổi xuất sắc nhất.
“Cứ mỗi lần gảy lên những làn điệu, lòng tui lại thấy vui đến lạ. Cứ thế, âm nhạc truyền thống đi vào tâm trí tui một cách sâu lắng. Và tui cũng muốn những làn điệu đó tự nhiên đi vào lòng người”, ông Thái tiếp lời: “Từ những làn điệu cơ bản, tôi mày mò học thêm rồi vốn liếng âm nhạc dân gian dày theo năm tháng. Tôi học chơi đàn organ để mưu sinh, lấy đó nuôi niềm yêu âm nhạc bài chòi”.
Thao thức cùng tiếng đàn guitar phím lõm, ông Thái tìm cách đưa bài chòi về xã Hòa Phong một cách bài bản thông qua sự chỉ dạy, hướng dẫn của những nghệ nhân bài chòi từ phố cổ Hội An.
Ông Thái bảo, bài chòi xứ Quảng mỗi vùng mỗi kiểu nhưng ở Hội An, bài chòi có chất gì đó rất riêng. Bởi lý do đó, ông không tiếc công sức trau dồi những kiểu biến tấu trong các làn điệu, mang bài hát, lời ca, cách diễn xướng… về để những nghệ nhân ở địa phương tập luyện. “Nếu để ý kỹ, ngày nay bài chòi ở huyện Hòa Vang có những nét tương đồng với bài chòi Hội An”, ông Thái chia sẻ.
Thắp lửa đam mê
Với tư cách là Phó chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên, nhiều năm qua, ông Phạm Hồng Thái lúc nào cũng bên cạnh các nghệ nhân tham gia những cuộc thi âm nhạc dân gian trên cả nước.
Ban nhạc do ông dẫn dắt đã mang về nhiều thành tích, từ các huy chương vàng, bạc tại những hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền vào các năm 2014, 2018…
Năm 2016, ông Thái được phong tặng nghệ nhân ưu tú và trở thành nhạc công bài chòi duy nhất ở TP.Đà Nẵng nhận được danh hiệu này. Không chỉ khiến đồng nghiệp yêu mến bởi ngón đàn thăng hoa, khả năng chơi nhạc dân gian trên đàn điện tử organ, ông Thái còn khiến nhiều người nể phục nhờ tài dàn dựng, đạo diễn sân khấu bài chòi.
“Không như bây chừ cứ tháo vỏ đàn ra là có tiền, hồi đó đi diễn cả năm mới được vài tạ lúa nuôi con. Những ngày đầu học guitar để đánh cho các nghệ nhân hô hát, nhóm tụi tôi đông lắm nhưng rồi không ai theo nghề này cả. Tôi chông chênh nhưng niềm đam mê lại vực mình dậy.
Nhạc công bài chòi cũng là những người thầm lặng đứng đằng sau những nghệ nhân trình diễn nên ít khi được người ta chú ý. Nhưng tôi tâm niệm rằng, có đánh đàn hay, theo được những quãng cao thấp của mỗi giọng ca thì đó mới là điều đáng quý của đời nhạc công dân gian”, ông Thái trải lòng.
Ông Thái cho biết, nghề này rất khó đào tạo. Nhiều người đã từng xin ông học nghề nhưng rồi bỏ cuộc vì quá khó. Bốn làn điệu cơ bản của bài chòi ai cũng biết nhưng không phải ai học cũng chơi được.
“Bài chòi là loại hình âm nhạc chưa từng có nốt hay có một tờ nhạc lý mà chỉ thông qua truyền khẩu. Người học đàn guitar phím lõm phải đam mê nhịp phách, biết nghe, thẩm các làn điệu để theo kịp các giọng ca. Ví dụ, nghệ sĩ Đỗ Linh có chất hơi pha cải lương còn nghệ sĩ Thanh Bình thì giọng chắc dân ca hơn. Chỉ với 2 giọng ca như thế cũng đủ đòi hỏi nhạc công phải sành cách kiểu chơi nhạc”, ông Thái đúc kết.
Gần 40 năm theo nghề, ông Thái luôn trăn trở tìm người kế tục. Mãi thời gian gần đây, ông mới có chút yên tâm khi có cậu học trò “có tiềm năng”. Với một nhạc công bài chòi như ông, có “truyền nhân” là niềm vui lớn.
Còn trong vai trò là Đội phó Đội Thông tin lưu động huyện Hòa Vang, niềm vui của ông là góp phần xây dựng quê hương yên bình, tươi vui qua những show dân ca ngắn. Từ nhiều năm qua, ông Thái cùng các nghệ nhân về tận các thôn, xóm để biểu diễn những đoạn kịch có nội dung tuyên truyền đường lối chủ trương của đảng, phòng chống bạo lực gia đình, ma túy, kế hoạch hóa gia đình…
“Vui nhất là khoảng 10 năm qua, huyện Hòa Vang đã đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học. Các cháu học sinh cấp 1, cấp 2 hào hứng lắm. Cứ mỗi dịp hè, tui lại vác đàn cùng các nghệ nhân đến trường học, tập trung các cháu có niềm yêu thích để truyền dạy cách hô hát bài chòi cho học sinh. Nhìn các cháu say mê tập luyện, người nhạc công như tui sung sướng vô cùng”, ông Thái kể.
Từ những buổi tập của ông hô hát bài chòi dần dần trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại các trường học ở Hòa Vang. Có những trường mở hội thi thố bài chòi, có trường coi bài chòi là hoạt động không thể thiếu trong các dịp khai giảng, kỷ niệm… Thù lao mỗi buổi dạy bài chòi như thế không nhiều và cũng không còn quan trọng đối với ông Thái nữa.
“Điều khiến tôi hạnh phúc là khi trên sân khấu, tôi được sống hết mình với cây guitar. Còn khi đưa bài chòi vào trường học, tôi nhận được sự chăm chú, yêu thích của các cháu. Bài chòi là của dân gian. Nó phải sống đời sống của nó trong lòng người dân. Làm được như thế thì mới đáng tự hào…”, ông Thái tâm sự.