Chuyện của người điêu khắc gỗ

BẢO ANH 26/05/2018 12:19

Trong chuyên ngành mỹ thuật của Quảng Nam, số người làm điêu khắc gỗ rất ít. Ít, nhưng họ luôn biết cách làm cho những thớ gỗ vô tri cất tiếng, qua đó đóng góp một phần không nhỏ vào thành quả chung của mỹ thuật quê hương.

“Ngày mới” (tranh khắc gỗ của Hà Châu).
“Ngày mới” (tranh khắc gỗ của Hà Châu).

Những chuyến đi  “hậu thực tế”

Xưa nay nhiều người vẫn mặc định rằng, không ai đi thực tế sáng tác nhiều như mấy ông nhà văn. Thế nhưng, trong thực tế, giành ngôi quán quân trong chuyện đi này dường như lại là những người làm điêu khắc gỗ. Với một sự kiện, một đề tài nào đó, những người cầm bút (và kể cả nhà hội họa, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ...) chỉ cần đi thực tế một vài lần, ghi chép, chụp ảnh, lập phác thảo, ký họa... xong thì về nằm nhà sáng tác từ những “dữ liệu” có sẵn. Trong khi đó, việc phải làm sau mỗi chuyến đi thực tế của các nhà điêu khắc gỗ không phải là nằm nhà sáng tác mà phải... đi tiếp. Trên cơ sở phác thảo có được từ thực tế, người làm điêu khắc gỗ phải lặn lội về các vùng quê tìm gỗ nguyên liệu. Gỗ thì không đến nỗi hiếm, nhưng để có được khối gỗ như ý, có khả năng chuyển hóa thành tác phẩm đúng ý đồ nghệ thuật và theo như phác thảo đã có thì nhiều khi anh em điêu khắc phải mất cả tháng trời, thậm chí là nhiều hơn.

Vất vả, nhưng theo nhà điêu khắc Trần Đức, việc cất công chạy ngược chạy xuôi về các vùng quê, các bản làng vùng cao, lùng sục vào các xưởng cưa xẻ gỗ tìm gỗ nguyên liệu phục vụ cho việc sáng tác cũng là một trải nghiệm thú vị. Anh kể, có lúc bỏ ra cả tháng trời để săn lùng, đến khi tìm được khúc gỗ ưng ý thì người ta lại... không chịu bán hoặc chỉ đồng ý bán nếu người mua chịu mua cả cây gỗ. Thành ra, để có được khúc gỗ mình cần, nhiều lúc anh em làm điêu khắc gỗ phải bấm bụng dốc túi ra mua cả một cây to. Nhưng thú vị hơn cả là khi đi tìm nguyên liệu cho phác thảo A lại tình cờ phát hiện được những khối gỗ có hình thù mang tính gợi mở, gợi ý rất phù hợp để phát triển phác thảo A thành A’, thậm chí là thành... B. Ngoài ra, trong những cuộc săn lùng thường rất tốn công và... cô đơn ấy, đôi lúc còn bắt gặp được những khối gỗ rất “có tứ”, giúp cho mình hình thành những ý tưởng sáng tạo hoàn toàn mới.

Những “nét khắc” ấn tượng

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm, trong việc đi săn gỗ nguyên liệu để sáng tác, bảo rằng cực nhọc thì cũng đúng, mà bảo là... sướng có lẽ cũng không sai. Bởi lẽ, trong sáng tạo nghệ thuật, không phải ai cũng có cơ hội đi tìm cái này nhưng lại được cái kia hoặc đi tìm một nhưng lại được hai, thậm chí là được những 5 - 7 cái mới như những người làm điêu khắc gỗ. Có lẽ nhờ sự tác động bởi những yếu tố này, cộng với niềm đam mê nên với một lực lượng rất mỏng - 5 người, nhưng điêu khắc gỗ Quảng Nam vẫn giữ được phong độ và hơn thế, còn tạo được nhiều dấu ấn. Ít nhất là trong 10 năm trở lại đây, các kỳ Triển lãm mỹ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - sân chơi mỹ thuật thường niên quan trọng nhất trong khu vực, điêu khắc gỗ Quảng Nam chưa bao giờ vắng mặt. Trong các liên hoan, triển lãm chuyên ngành điêu khắc các cấp và kể cả mấy kỳ triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia, điêu khắc gỗ Quảng Nam cũng luôn dự phần và nhiều lần có giải. Qua thời gian, một loạt tác phẩm tượng gỗ tròn của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm như “Vào hội”, “Mạch sống”, “Âm vang”, “Xiếc”...; của Nguyễn Văn Huy như “Hai thế hệ”, “Hồn núi Cơ Tu”; của Trần Đức như “Phía thượng nguồn”, “Lời ru trên lưng”, “Sau cơn bão biển”, “Cái chữ vùng cao”... đã có tên trong “danh bạ” nghệ thuật của mỹ thuật khu vực (một số trường hợp ở tầm quốc gia).

Cùng với nhóm các tác giả chuyên về tượng tròn, các tác giả chuyên về tranh khắc gỗ của Quảng Nam cũng có được những thành quả khá ấn tượng. Cách đây chừng 20 năm, Nguyễn Văn Tin là người duy nhất làm tranh khắc gỗ ở Quảng Nam. Lẻ loi nhưng bền bỉ, năm nào anh cũng có tác phẩm trình làng. Trong đó, “Mưa đầu mùa” và “Ký ức tuổi thơ” là hai trong số những tác phẩm góp phần “khắc” tên anh vào trí nhớ nghệ thuật quê hương. Tiếp nối Nguyễn Văn Tin, sau này Quảng Nam có thêm mấy gương mặt nữa, như Trần Công Thiệm, Ngô Văn Phúc, Hà Châu. Trong đó, Trần Công Thiệm từng 5 lần có tác phẩm lọt vào vòng trưng bày của Triển lãm mỹ thuật khu vực. Với bước đi mang tính đột phá bằng nghệ thuật khắc gỗ màu, khắc gỗ liên hoàn, cả Hà Châu và Ngô Văn Phúc cũng đều đã được xướng danh ở tầm quốc gia với các giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện của người điêu khắc gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO