Chuyện cựu chiến binh Mười Thiên

QUỐC TUẤN 08/01/2016 09:24

Rời quân ngũ, ông Mười Thiên trở về quê sống lặng thầm giữa đời thường. Ít người biết rằng, cựu chiến binh này đã từng nhiều năm lăn lộn ở chiến trường quê hương với bao chiến công lẫy lừng trong chống Mỹ.

Chiến sĩ gan dạ, tài ba

Cựu chiến binh Mười Thiên tên thật là Hà Phước Thắng, quê ở Điện Phương, Điện Bàn. Cũng như bao trai tráng sinh ra và lớn lên trong thời khói lửa chiến tranh, ý chí cách mạng đã sớm nung nấu trong ông Mười Thiên. Tháng 3.1965, ông tham gia du kích xã và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của phong trào du kích ở xã Điện Thành (xã Điện Phương ngày nay, gồm 2 xã Điện Thành và Điện Châu khi xưa).

Lúc bấy giờ, trên địa bàn Điện Thành có trung đoàn ngụy với hơn 2.000 quân đóng quân kìm kẹp. Nhận được sự đồng ý chi viện của Huyện đội Điện Bàn, chỉ với 3 tiểu đoàn không đủ quân số, ông Mười Thiên và các đồng đội đã kiên trì đánh tiêu hao sinh lực địch ròng rã trong 51 ngày khiến đối phương hoang mang, phải rút đi nơi khác. Tuy nhiên, một trung đội Mỹ có xe tăng yểm trợ đã thế chân tiếp quản địa bàn này. Đầu mùa khô năm 1966, trước sự tàn bạo của lính Mỹ với phong trào cách mạng địa phương, ông Mười Thiên quyết định xin cấp trên cho tấn công tiêu diệt cứ điểm của địch để gây thanh thế và phát triển phong trào cách mạng ở Điện Thành. Sau 2 tuần cất công mày mò thu thập và vẽ sơ đồ phòng binh bố trận của trung đội Mỹ, được sự tăng cường của Tiểu đội Đặc công Đà Nẵng, Trung đội Quyết tử của huyện và Trung đội du kích Cẩm Sa kết hợp với lực lượng tại chỗ, quyết định tiêu diệt cứ điểm của quân Mỹ đóng tại Trường Tiểu học Triêm Trung (thôn Triêm Trung, xã Điện Phương hiện nay) đã được đưa ra. Do phía Mỹ chủ quan, khinh địch, cộng với thế trận tấn công phủ đầu chớp nhoáng của ta, trung đội Mỹ không kịp trở tay, bị tiêu diệt gần như toàn bộ. Trong khi đó, lực lượng của ta có hai đồng chí hy sinh.

Cựu chiến binh Mười Thiên vân vê chiếc áo lính và những huân chương gợi nhớ một thời oanh liệt của mình. Ảnh: QUỐC TUẤN
Cựu chiến binh Mười Thiên vân vê chiếc áo lính và những huân chương gợi nhớ một thời oanh liệt của mình. Ảnh: QUỐC TUẤN

Cũng từ trận đánh đó, Mười Thiên nhận được sự tín nhiệm của cấp trên. Đến tháng 6.1966, Huyện đội Điện Bàn điều chiến sĩ trẻ Mười Thiên sang gầy dựng phong trào ở xã Điện Châu, một địa bàn ác liệt và gần như “trắng” cách mạng bởi sự kìm kẹp của Mỹ ngụy. Cựu chiến binh Mười Thiên kể: “Lúc đó, cầm trên tay tờ quyết định về Điện Châu ai cũng nói tôi như cầm tờ giấy báo tử, bởi nhiều người đi trước đến đó đều đã hy sinh. Nhưng tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng, ngày nào quê hương chưa giải phóng là vẫn còn phải chiến đấu dù có ở bất cứ đâu”. Gần hai năm miệt mài hoạt động, ông Mười Thiên đã vận động được cả Phó Chủ tịch phụ trách an ninh của xã Điện Châu quay về với cách mạng, qua đó làm phong trào ở đây dâng lên rất cao.

Bước ngoặt đời binh nghiệp

Thời điểm đó, được gia nhập bộ đội chính quy là ước muốn của bất kỳ du kích địa phương nào. Tháng 3.1968, sau khi hoàn thành đợt 2 chiến dịch Khe Sanh, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 Bộ Quốc phòng di chuyển vào mặt trận Quảng Đà để hỗ trợ cho trận tuyến đang hết sức nóng bỏng này. Trận đánh vào cơ quan đầu não quận lỵ Điện Bàn khi đó do Trung đoàn 36 tổ chức, có sự chỉ dẫn và hỗ trợ của ông Mười Thiên và du kích xã Điện Châu đã gây tiếng vang lớn trong vùng. Cũng từ trận đánh này, ông Mười Thiên lọt vào “mắt xanh” của Ban Chỉ huy Trung đoàn 36. Và ông quyết định gia nhập bộ đội chủ lực trong sự tiếc nuối của Tỉnh đội, Huyện đội. Trong thời gian này, cuộc đời binh nghiệp của ông Mười Thiên đã có nhiều bước ngoặt lớn khi tham mưu tổ chức nhiều trận đánh lẫy lừng ngay trên quê hương mà sau thời gian phôi phai ông không thể nhớ hết. Nhưng đến bây giờ người lính già ấy vẫn còn ấn tượng đặc biệt với một số trận đánh để đời của ông và đồng đội.

Tháng 3.1969, ông Mười Thiên được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 12 xung kích đóng ở Gò Đinh. Có lần, đơn vị ông bị địch vây ráp. Khi bị dồn vào khu vực Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (Triêm Đông, Điện Phương ngày nay) ông vẫn bình tĩnh chỉ huy toàn đơn vị chờ địch áp sát trong tầm lựu đạn mới cho bung hỏa lực tiêu diệt hơn 80 tên, đánh bật chúng trở ra. Địch tiếp tục dùng xe tăng đổ bộ càn quét trở lại. Toàn đơn vị lúc bấy giờ chỉ còn 3 quả pháo cối nhưng địch lại có 4 xe tăng áp đến từ 2 phía. Vẫn không chút lo lắng, Đại đội trưởng Mười Thiên đanh thép ra lệnh: “Chưa có lệnh, chưa được nổ súng!”. Ông bảo với đồng đội, cứ chờ xe tăng địch áp thật sát để đảm bảo độ chính xác, chỉ cần bắn cháy 2 chiếc, tự khắc địch phải tháo chạy”. Chưa cần tới dự tính của ông, khi một chiếc xe tăng bị ta bắn bốc cháy địch đã hoảng hốt tháo lui.

Tháng 2.1974, lúc này thế ta rất mạnh, Mỹ đã rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam. Ngụy quân đang điên cuồng đánh phá để phá vỡ Hiệp định Paris đồng thời thiết lập vành đai bảo vệ Đà Nẵng, đô thị quan trọng nhất miền Trung của chính quyền Sài Gòn. Lúc này, Mười Thiên đang thuộc biên chế Tiểu đoàn R20 Mặt trận 4 - Quảng Đà. Một lần nữa, chiến sĩ Mười Thiên nức tiếng với trận đánh cường tập xung hỏa lực kết hợp, có thể xem là trận đánh chính quy đầu tiên trên đất Quảng Nam.

Sau khi xin chi viện từ đại đội bạn được 2 súng cối 82mm, 1 cối 60mm, 2 đại liên 12 ly 8 và lực lượng, Mười Thiên tham mưu với Mặt trận Quảng Đà tổ chức tấn công căn cứ địch đóng tại đồi Bông Lau (xã Đại Thắng, Đại Lộc ngày nay). Lúc đó, Trung tướng Phan Hoan - Chỉ huy trưởng Mặt trận Quảng Đà đã hỏi ông cần thêm những gì thì Mười Thiên chỉ xin cho trận địa pháo 130mm của tỉnh bắn yểm trợ vào Cẩm Hà, Núi Quế, Bàng Thùng để kìm chân không cho địch chi viện. Đúng như kế hoạch, sau hàng chục loạt đạn từ súng cối 82mm và tiếng nổ của hai quả mìn quét sạch vật cản hai ngõ vào, Mười Thiên và đồng đội đã đồng loạt xung phong dưới làn đạn đại liên 12 ly 8 bắn hỗ trợ. Đúng như dự tính của Mười Thiên, do thời điểm tấn công đã chập choạng tối, địch không kịp trở tay chi viện, thương vong hàng loạt, bị bắt giữ tù binh vô số.

Lặng lẽ giữa đời thường

Do nhiều lần bị thương, mảnh đạn còn găm trong cơ thể, tháng 8.1970, chiến sĩ trẻ Mười Thiên được đưa đi an dưỡng tại Đoàn 581 Nam Hà thuộc Quân khu Hữu ngạn. Ông còn nằm trong diện được đưa đi học tại Trường Văn hóa Hòa Bình để sau đó nhập học ở Học viện Quân sự Ninh Bình. Nhưng nhìn về quê nhà đang đau đáu chờ ngày thống nhất, ông chẳng cầm lòng ở lại, đành xếp bút nghiên quay vào Nam. Và rồi đến tháng 8.1974, ông bị thương khá nặng, cấp trên phải buộc đưa đi phẫu thuật tại Bệnh viện 108. Nhưng trong thời gian chờ mổ, ông tìm gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng một mực xin quyết định trở lại chiến trường đánh giặc lần cuối, bởi linh tính quê hương sắp được giải phóng. Đề nghị của ông được chấp thuận. Và đúng như ông nghĩ, sau đó không lâu, đất nước đã sạch bóng quân thù. Đầu năm 1979, khi biên giới Tây Nam bị giặc ngoại xâm uy hiếp, Mười Thiên lại năm lần bảy lượt viết giấy xin tòng quân dù đã xuất ngũ. Chỉ đến khi vết thương quá nặng, đến mức trong một cơn ho ông khạc ra cả mảnh đạn lâu nay vẫn nằm trong phổi thì mới chịu thôi.

Thời gian đầu sau giải phóng, do không có một chế độ hỗ trợ nào nên nhiều đồng đội được phong “dũng sĩ” như ông sống khắc khoải, phải bán cả hoa màu, gia súc để ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin chế độ trợ cấp. Nhóm đồng đội của ông sau chuyến đi ấy đã được hỗ trợ và thông tin lại, khuyên ông làm giấy tờ để được hưởng chế độ, nhưng di chứng bởi 8 lần bị thương quá nặng khiến ông không thể thực hiện được. Lần khác, một cán bộ làm ở Ty Thương binh Quảng Đà biết chuyện ông còn thiếu nửa năm thời gian phục vụ trong quân đội nên không được cấp sổ hưu, đã hướng dẫn ông về làm đăng ký đi dân quân thêm 6 tháng để đúng với quy định. Tuy nhiên, do sức khỏe quá yếu nên ông đành chịu. Rồi một lần khác, đồng đội của ông ở Hà Nội nhắn gửi giấy tờ để xem xét làm chế độ. Giấy tờ gửi ra xong, có thư phản hồi, ở ngoài bì ghi rằng đang xem xét hồ sơ. Ông chờ mãi hàng năm trời đến khi thất vọng bỏ cuộc thì tình cờ giở ra bìa sau mới thấy dòng chữ “Mời đồng chí ra Hà Nội để giải quyết chế độ”. Lúc này lại đang trong thời gian sáp nhập tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà nên thủ tục, giấy tờ rối rắm, ông lại bỏ lỡ.

Hai mươi năm qua, người lính già ấy vẫn là đầu tàu của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh ở địa phương, vẫn hết lòng với sự nghiệp của đất nước, vẫn hàng ngày thủy chung chăm sóc người vợ bị tàn tật không thể đi lại. Còn với những tháng ngày dông bão, thăng trầm đã qua, cựu chiến binh Mười Thiên chẳng còn bận tâm. Ông chỉ còn những hạnh phúc và tự hào về tuổi thanh xuân đã toàn tâm tận lực cống hiến cho quê hương, đất nước.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện cựu chiến binh Mười Thiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO