Chuyện cứu hộ chim yến

HOÀNG ĐẠO 05/02/2022 12:59

(QNO) - Xót xa trước cảnh hàng nghìn chim yến non thiệt mạng khi rơi xuống vách đá hoặc lòng biển, Kỹ sư Huỳnh Ty và Tiến sĩ Võ Tấn Phong (Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm) tìm cách cứu hộ chim yến non không may rơi khỏi tổ, góp phần khôi phục đàn chim yến đang suy giảm ở Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, TP.Hội An).

 
Vùng sinh sống tự nhiên với các đảo nổi tại Cù Lao Chàm. Ảnh: H.Đ
Vùng sinh sống tự nhiên với các đảo nổi tại Cù Lao Chàm. Ảnh: H.Đ

Đàn chim yến trú ngụ ở Cù Lao Chàm có khoảng 100 nghìn con. Việc khai thác yến tự nhiên mang lại doanh thu từ 50 đến 70 tỷ đồng mỗi năm cho TP.Hội An. Tuy vậy, khoảng 5 năm gần đây, sản lượng yến khai thác hằng năm sụt giảm từ 5 đến 10%, nhất là vụ khai thác tháng 3.2021 sụt giảm đến 30%.

[CLIP] - Hang yến ở Cù Lao Chàm:

“Hiện tượng giảm số lượng tổ yến và số lượng cá thể ở các hang trên đảo Cù Lao Chàm theo từng năm do các yếu tố tác động từ thiên nhiên, suy giảm hệ sinh thái và vùng kiếm ăn qua mỗi năm là điều đáng lo ngại, nguồn kiếm ăn bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, số lượng đàn chim yến nuôi cạnh tranh nguồn thức ăn nên hiệu quả sinh sản kém, chất lượng chim non kém, rời tổ giảm, chim non phân ly đàn theo các đàn nuôi trong đất liền…” - Kỹ sư Huỳnh Ty, Phó Giám đốc Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm cho biết.

Trước thực trạng này, bên cạnh việc áp dụng các kinh nghiệm dân gian trong bảo tồn đàn yến như cơi nới hang ở, giữ ấm cho hang yến thì việc dẫn dụ chim yến về các hang mới cũng được tính đến.

 

Tại hang Hòn Lao, ông Huỳnh Ty và các đồng nghiệp phải mất 5 năm để dẫn dụ khoảng 100 cá thể chim yến về đây làm tổ. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ áp dụng thành công ở đây nhưng thất bại ở các hang yến khác do vị trí không thuận lợi cho chim yến về.

Ròng rã nhiều năm qua, Kỹ sư Ty, Tiến sĩ Phong đã dành nhiều thời gian ở lại các đảo nghiên cứu và ghi nhận sau mỗi kỳ sinh sản, khai thác tổ yến thường có khoảng 150 đến 200 chim non rơi khỏi tổ bị chết. Lý do là thời tiết nắng nóng, gió Tây Nam mạnh nên chim con trong tổ di chuyển ra ngoài không may rơi xuống đáy hang, thiệt mạng do va đập vào đá. Một số khác rơi vào lòng biển làm mồi cho cá biển và các loài thiên địch như ong vò vẽ, kiến…

Chim yến non trên các vách đá cheo leo thường rơi khỏi tổ. Ảnh: H.Đ
Chim yến non trên các vách đá cheo leo thường rơi khỏi tổ. Ảnh: H.Đ

Đồng thời việc phát triển hang yến mới cho tỷ lệ tăng đàn không cao nên ý tưởng nghiên cứu để cứu hộ chim yến non và ấp nở nhân tạo chim yến do ông Huỳnh Ty và tiến sĩ Võ Tấn Phong chủ trì nhằm tăng số lượng cá thể và đàn yến đảo Cù Lao Chàm ra đời.

 

Nhiều khó khăn, trở ngại nhưng không chịu bỏ cuộc. Ông Ty cùng cộng sự là tiến sĩ Phong tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu phương thức cứu hộ mới. Họ đúc kết rằng nguồn thức ăn cho yến con chưa phù hợp và cách thức nuôi dưỡng chưa đúng. Rất may mắn khi họ tiếp cận được kỹ thuật của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Và năm 2018, ông Ty đề xuất đề tài “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm tại hang Mũi Dứa” và được Sở Khoa học - công nghệ Quảng Nam chấp thuận, cấp kinh phí để triển khai.

Các hòn đảo có chim yến sinh sống thường có địa hình phức tạp, đá cheo leo. Ảnh: H.Đ
Các hòn đảo có chim yến sinh sống thường có địa hình phức tạp, đá cheo leo. Ảnh: H.Đ

Một trung tâm cứu hộ được hình thành tại hang Mũi Dứa, thuộc Hòn La, nơi tập trung rất nhiều cây dứa dại nằm treo trên các mũi đá. Tổ chim yến nhân tạo được làm từ bằng nhựa cùng một lớp vải lót giống như tổ yến. Mỗi ngày, yến non không may rơi xuống từ các hang yến được nhặt đưa lên về đây chăm sóc nuôi dưỡng.

Yến non rơi khỏi tổ đều bị thương nên quá trình cứu sống rất khó khăn, thêm vào đó, thức ăn cho chim yến non không hề đơn giản. Thức ăn ban đầu là châu chấu bắt trên đảo nhưng châu chấu càng ngày khan hiếm nên thức ăn cho chim yến phải mang từ đất liền ra.

“Sau nhiều lần thất bại chúng tôi có được kinh nghiệm về dinh dưỡng nuôi chim yến con. Khẩu phần ăn được thiết kế khá công phu, chim yến được cho ăn 3 bữa trong ngày. Buổi sáng và chiều có bột ngũ cốc, dế, trứng gà, vitamin, kháng sinh trộn đều xay nhỏ, khẩu phần buổi trưa bắt buộc có trứng kiến vàng, một yến con ăn hết 14gram” – Tiến sĩ Võ Tấn Phong nói.

Công việc cứu hộ và chăm sóc chim non thường được ví như việc chăm con mọn. Bởi việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho chim yến được diễn ra từ 5 giờ sáng, các nhân viên cứu hộ gắp từng mẫu thức ăn nhỏ đút mớm cho chim non kỳ công, cần mẫn như mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh.

[CLIP] - Cho chim yến non tập ăn:

Khi đằng đông chưa hừng sáng, ông Huỳnh Hốt - nhân viên Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An đóng trên đảo Hòn Khô thức dậy. Ông đến nhà cứu hộ chim yến rộng 20m2 nằm bên vách đá chênh vênh bên biển bắt đầu công việc của mình. Ông thoăn thoắt xay nhuyễn dế bằng máy xay sinh tố, đổ vào thau nhựa trộn đều cùng với bột tổng hợp theo tỷ lệ 50 - 50 tạo thành hỗn hợp dẻo sền sệt rồi cho vào túi bóng. Dưới đáy túi, ông Hốt xé một lỗ nhỏ giống bình bú sữa và dùng tay ấn mạnh để bột chảy ra ngoài.

Kỳ công chăm sóc chim yến tại đảo. Ảnh: H.Đ
Kỳ công chăm sóc chim yến tại đảo. Ảnh: H.Đ

Lần lượt đến từng chiếc giàn nuôi, ở đó gần 100 con yến non mình đỏ hoe chưa mọc lông, mở mắt, hoặc những con lớn hơn vừa lún phún vài chùm lông đang ríu rít. Nghe tiếng động của con người, từng con yến non vươn đầu lên cao há miệng chờ đút thức ăn.

“Chim non từ 1 đến 15 ngày tuổi chưa mở mắt dễ chăm sóc vì chúng nghe tiếng người nhầm tưởng chim yến mẹ thì tự há miệng đón thức ăn, còn chim con trên 15 ngày tuổi mở mắt thì khó khăn vô vàn vì chúng không chịu đớp thức ăn. Mình phải dùng nhiều cách mớm bằng được thức ăn cho yến mới thôi” – ông Hốt kể về chuyện chăm “con mọn”.

 
Đi cứu hộ chim yến con bị rơi khỏi tổ. Ảnh: H.Đ
Đi cứu hộ chim yến con bị rơi khỏi tổ. Ảnh: H.Đ

Tầm tháng 7 - 8, chim yến đang sinh sản, trong hang đá hàng ngàn tổ yến san sát, bám cheo leo trên vách dựng đứng. Mỗi tổ yến có hai con non nằm phía trong, còn bố mẹ chúng đang đi tìm thức ăn trong đất liền. Chiếc tổ nhỏ chật chội, thời tiết nắng nóng nên yến con tìm cách ra ngoài tổ và rơi xuống. Do đó để cứu hộ chim yến non các nhân viên sắp đặt một hệ thống lưới bảo vệ dưới các hang để đón lõng chim con rơi xuống nhằm hạn chế chấn thương và có cơ hội sống sót.

Họ cẩn thận nhặt chim yến con bị rơi ở các mảnh lưới và đưa lên nhà cứu hộ chăm sóc. Sau 40 ngày nuôi dưỡng, chim yến được ra hang, ở đây chúng bắt đầu tập bay và sau 5 ngày sẽ theo mẹ ra môi trường tự nhiên.

 

[CLIP] – Lượm chim non bị rơi về chăm sóc:

Để hạn chế nắng nóng ảnh hưởng đến yến con thì có hệ thống phun sương tạo độ ẩm, các cánh cửa khép kín thời điểm trưa oi bức, chỉ chừa lỗ nhỏ thông khí. “Đêm xuống nóng thì mở cửa sổ thoáng mát, trời lạnh thì thắp bóng điện giữ ấm. Trong nhà cứu hộ sẽ cắt cử người theo dõi diễn biến sức khỏe từng con, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, canh giữ ngăn chuột, rắn, kiến vào ăn yến con” - ông Huỳnh Ty cho biết.

Năm 2018, ông Ty cùng cộng sự triển khai mô hình cứu hộ 500 chim non rơi khỏi tổ, kết quả hơn 400 con được cứu sống và thả về tự nhiên. Tiếp tục, năm 2019 và 2020, trung tâm cứu hộ hang Mũi Dứa thả về tự nhiên 650 chim, tỷ lệ cứu sống 80-90%.

“Ngoài trung tâm cứu hộ ban đầu ở hang Mũi Dứa, Ban quản lý đã tập huấn kỹ thuật cho nhân viên ở các Hang Khô, Tò Vò, Hang Cả để tham gia cứu hộ” - ông Ty nói. Theo ông Ty, cứu yến rơi khỏi tổ đã bị thương là quá trình không hề đơn giản. Thức ăn không thể thiếu cho chim non là trứng kiến vàng phải mua từ nơi khác mang về.

“Dù khó khăn thế nào, chúng tôi cố gắng cứu hộ hết chim yến gặp nạn. Đây là một việc làm hết sức cần thiết để bảo tồn loại chim quý này và cũng vì chúng đã nuôi sống chúng tôi” - Kỹ sư Huỳnh Ty bộc bạch.

 
Công đoạn ấp và nuôi chim yến nhân tạo. Ảnh: H.Đ
Công đoạn ấp và nuôi chim yến nhân tạo. Ảnh: H.Đ

Từ những kết quả trên Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm tiếp tục được cơ quan chức năng cho phép triển khai tiếp đề tài ấp nở và nuôi chim yến đảo nhân tạo trong hai năm 2021 và 2022. Hy vọng đề tài này mang lại kết quả tốt đẹp và sẽ là phương án khả thi sớm phục hồi đàn yến đảo Cù Lao Chàm, có thể nhân rộng mô hình cho các tỉnh duyên hải miền Trung có điều kiện phát triển đàn yến. 

“Việc thu trứng tại đảo là khó khăn do địa hình rất phức tạp, thường là dễ dẫn đến bể vỡ nên chúng tôi phải hết sức cẩn thận khi thu và vận chuyển trứng. Tỷ lệ nở cao hay thấp là phụ thuộc vào khâu này” – Tiến sĩ Võ Tấn Phong chia sẻ. Sau khi thu hoạch đưa vào đất liền để ấp nở phản đối nhân tạo tại trung tâm nghiên cứu được xây dựng gần cảng Cửa Đại.

Tại đây, trứng chim yến sẽ được phân loại theo ngày tuổi để cho vào máy ấp nhân tạo. Mỗi trứng thường ấp nở trong 24 ngày; được thăm khám thường xuyên hàng ngày để đảm bảo luôn đủ ấm và giúp phát hiện những chú chim non chào đời để đưa ra nuôi ấp ở các vị trí khác để tranh rơi, bị thương trong lò ấp.

Chim non khi chào đời sẽ được đưa ra các giá đỡ nhân tạo giống như hình những chiếc tổ chim yến ngoài tự nhiên. Lúc đầu chim non được giữ ấm cẩn thận, khi chim lớn sẽ chuyển ra các giá đỡ bên ngoài để chim làm quen với môi trường và không gian lớn hơn.

[CLIP] - Ấp trứng và chăm sóc yến non trong đất liền:

“Vất vả nhất vẫn là khi chim mới nở, các nhân viên phải dành gần 4 tiếng đồng hồ để bón cho chim non ăn. Chim càng lớn, khẩu phần ăn càng nhiều, thời gian bón cho chim ăn cũng lâu hơn khi khiến ai cũng rã rời đôi tay” – ông Ty tiếp nối chuyện nuôi ấp nhân tạo chim yến.

Sau khoảng 30 ngày ấp nở, tập bay trong nhà nuôi trong đất liền, chim yến đủ sức khỏe sẽ được chuyển ra đảo tiếp tục nuôi dưỡng, tập bay, tập cách tìm kiếm thức ăn và làm quen với thời tiết ở đảo. Tiếp cận với thổ nhưỡng, môi trường ở đảo trong khoảng 10 ngày, sau đó chim yến được thả vào nhà lưới để tiếp tục tập bay và khi chim yến đã làm quen được với môi trường, khí hậu trên đảo và có thể tự kiếm ăn sẽ ra tự nhiên và nhập đàn.

 

“Chúng tôi không có thiết bị để giám sát quá trình trưởng thành của chim yến sau khi hòa nhập tự nhiên để đánh giá số lượng chim yến sống sót, di cư vào đất liền, cũng như quay lại đảo. Cũng do khó khăn về kinh phí nên quy mô để ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến ở Cù Lao Chàm chỉ dừng lại mỗi đợt khoảng 500 đến 600 trứng, kết quả này chưa thật hài lòng” – ông Ty tâm sự.

Việc triển khai thành công ấp nuôi chim yến nhân tạo sẽ là kinh nghiệm quý để áp dụng ở nhiều địa phương duyên hải miền Trung. Những con người đang cần mẫn, dành hết tâm huyết ngày đêm cứu hộ chim yến này đang mong ước được đầu tư xứng đáng về kinh phí, kỹ thuật đồng bộ để thực hiện quy trình ấp trứng nuôi chim yến nhân tạo ngay tại Cù Lao Chàm nhằm tăng tỷ lệ sinh sống và bảo tồn loài chim quý đã tạo ra “vàng trắng” cho Hội An, Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện cứu hộ chim yến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO