Chuyện dài lý luận, phê bình

BẢO ANH 10/01/2021 03:59

Một cuộc tọa đàm chuyên đề được tổ chức đầu năm mới 2021 góp phần hé mở cơ hội và tạo động lực để những người làm văn học ở Quảng Nam tiếp tục hy vọng và chờ đợi vào hoạt động lý luận, phê bình. Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ có vậy vì phía trước vẫn còn là một câu chuyện dài...

Tổ chức nhiều hơn và nâng cao chất lượng các cuộc tọa đàm, hội thảo, ra mắt, giới thiệu sách... là cách để hoạt động lý luận, phê bình văn học phát triển. Anh: B.A
Tổ chức nhiều hơn và nâng cao chất lượng các cuộc tọa đàm, hội thảo, ra mắt, giới thiệu sách... là cách để hoạt động lý luận, phê bình văn học phát triển. Anh: B.A

Một cuộc tọa đàm “hẹp”

Cuối tuần này, Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT tỉnh tổ chức tọa đàm chuyên đề về thơ của các tác giả nữ Quảng Nam. Lẽ ra cuộc tọa đàm này được thực hiện từ tháng 10 năm trước, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, nhưng do “dư chấn” của Covid-19, rồi thiên tai bão lũ liên miên, nên phải dời lại cho đến hôm nay.

Cuộc tọa đàm chỉ bàn về thơ nữ Quảng Nam - một phạm vi khá hẹp và thậm chí là rất “hẹp” khi mà trong số hơn 60 tác giả thơ là hội viên Hội VHNT tỉnh hiện chỉ có chưa đầy 10 tác giả nữ. Đó là những gương mặt đã rất quen thuộc lâu nay như Mai Thanh Vinh, Lê Thị Điểm, Nguyễn Phương Dung, Ngô Thị Thục Trang, Đỗ Thị Kết, Lê Thị Kiều Chinh và vài gương mặt mới sau này như Hải Điểu, Nguyễn Thị Minh Thùy, Vương Thi, Hồ Loan...

Tuy nhiên, những gì mà buổi tọa đàm đặt ra thì không đến nỗi hẹp. Bởi ở đó, một loạt vấn đề hết sức nghiêm túc về nghề, từ tâm thế sáng tác, nội dung, đề tài đến hiện trạng đội ngũ, tiềm năng và triển vọng của thơ nữ Quảng Nam trong tương lai... được đem ra mổ xẻ, phân tích. Qua đó, một lần nữa cuộc tọa đàm tiếp tục khẳng định thơ của các tác giả nữ là một phần không thể thiếu, rất quan trọng, góp phần làm nên gương mặt đa diện cho văn học Quảng Nam nói chung và thơ Quảng Nam nói riêng.

Theo nhà thơ - nhà phê bình văn học Nguyễn Tấn Ái, thơ nữ Quảng Nam cần tiếp tục được nhìn nhận, ghi nhận bằng sự đồng cảm, đồng điệu, sẻ chia chứ không phải “thông cảm” bởi các lý do giới tính, để nhìn thấy rõ hơn ở họ tâm lực, tâm thế và tâm thức sáng tạo. Trong đó, chỉ đơn cử như vấn đề “thiên tính nữ” trong thơ của họ cũng đã là một sự giàu có, đủ để làm nên những cuộc luận bàn sôi nổi, hấp dẫn. Còn nhà thơ Mai Thanh Vinh - một trong những tác giả là “đối tượng” của tọa đàm lần này, cho biết: “Không biết anh em sẽ khen chê thơ mình như thế nào nhưng vẫn mừng và hy vọng. Vì từ đây mình có thêm những bài học và một tâm thế rõ ràng hơn cho sáng tác”.

Và chuyện dài lý luận, phê bình

Theo nhà văn Lê Trâm, sắp tới lý luận, phê bình cũng sẽ được xem là một trong các hoạt động được ưu tiên, khuyến khích của Chi hội Văn học. Và trong khi còn phải bàn bạc, xem xét sẽ khuyến khích như thế nào, dựa vào nguồn lực nào, thì hướng đi trước mắt có lẽ là cố gắng tổ chức nhiều hơn các tọa đàm, hội thảo về những vấn đề khác nhau của văn học Quảng Nam trong đời sống chung của văn học đất nước; hoặc chí ít là tổ chức ra mắt, giới thiệu sách theo hướng tăng thẩm bình, phản biện, giảm khen tụng, “vỗ về” nhau...

Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, ngoài những ý nghĩa trên, cần phải ghi nhận một đóng góp khác nữa của cuộc tọa đàm về thơ nữ Quảng Nam, đó là việc tiếp tục kích hoạt cho hoạt động lý luận, phê bình vốn thưa vắng lâu nay. Nhiều năm qua, bình quân mỗi năm Chi hội Văn học Quảng Nam chỉ tổ chức được một, nhiều lắm là hai cuộc tọa đàm, hội thảo; sách chuyên về lý luận, phê bình được xuất bản luôn thuộc loại hiếm. Gần đây nhất là năm 2020, các hội viên Văn học xuất bản được hơn 15 đầu sách nhưng lại thiếu hẳn những cuộc trao đổi “bàn tròn” hay những buổi ra mắt, giới thiệu. Thưa vắng hoạt động này, các hội viên vẫn sáng tác, vẫn ra sách, nhưng họ khó có thể biết được mình đang ở đâu, tác phẩm của mình hay - dở, mạnh - yếu chỗ nào và thậm chí, khó tìm được tiếng nói tri âm, đồng cảm, sẻ chia giữa những người cầm bút với nhau - vốn được xem là một trong những động lực quan trọng cho sáng tạo...

Hiện tại, đội ngũ những người làm lý luận, phê bình văn học ở Quảng Nam rất mỏng - không quá 10 người; trong đó chỉ có vài người thật sự chuyên chú cho việc này. Có vài cuộc tọa đàm, hội thảo phải nhiều lần lùi thời điểm tổ chức, thậm chí không thể tổ chức được, do không có đủ số tham luận tối thiểu. Ngoài lý do bận công việc chuyên môn hoặc yêu cầu của ban tổ chức đặt ra không nằm trong phạm vi, sở trường nghiên cứu của mình, việc một số người làm lý luận văn học ở Quảng Nam khước từ tham gia các hội thảo, tọa đàm, theo nhà phê bình Phùng Tấn Đông, còn vì đây là một công việc “nhọc lòng” và một phần khác, có thể do họ “ngại va chạm”...

Từ nhận định này, một nhà nghiên cứu, phê bình khác nói thêm: Cũng như nhiều nơi khác, trong hoạt động lý luận, phê bình ở Quảng Nam, hiện tượng ngợi khen, tâng bốc một chiều, thiếu hẳn việc phân tích, chỉ ra những chỗ chưa hay, những hạn chế trên nhiều khía cạnh của tác phẩm hiện vẫn là “căn bệnh” chưa có thuốc chữa. Ngoài ra, ở phía ngược lại, có một số tác giả sáng tác “sợ” tác phẩm của mình được các nhà phê bình đem ra phân tích, mổ xẻ - cả khen lẫn “chê”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện dài lý luận, phê bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO