Áp lực trên vai y tế cơ sở

XUÂN HIỀN 29/11/2021 05:43

Covid-19 đang mỗi lúc thêm phức tạp, các địa phương trong tỉnh đã hình thành khu thu dung, điều trị F0 tại chỗ. Giảm tải áp lực cho y tế tuyến trên là điều đã rõ. Nhưng áp lực lại đặt lên vai y tế cơ sở, vốn đã thiếu thốn nhân lực, trang thiết bị...

Nhân viên y tế cơ sở hiện nay đang gồng gánh rất nhiều việc.
Nhân viên y tế cơ sở hiện nay đang gồng gánh rất nhiều việc.

Kim Chi - nhân viên Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ đã 21 ngày chưa được về nhà. Cô sửa soạn đổi nhiệm vụ từ nhân viên y tế khu cách ly tập trung sang vai trò người chăm sóc F0 khi nơi này chuyển đổi công năng thành khu thu dung, điều trị F0 của TP.Tam Kỳ.

Những hoàn cảnh như Chi không phải là số ít hiện nay. Đến ngày 25.11, Quảng Nam đã vận hành 18 cơ sở điều trị Covid-19 tại các địa phương với khoảng hơn 1.400 giường bệnh. Điều này đồng nghĩa nhân viên y tế tuyến cơ sở sẽ phải đảm nhiệm thêm việc chăm sóc cho số bệnh nhân đang điều trị tại những cơ sở dã chiến này.

Thời gian qua, hầu hết nhân lực từ trạm y tế đến trung tâm y tế được trưng dụng cho công tác truy vết, lấy mẫu mỗi khi địa phương xuất hiện ca mắc cộng đồng. Họ có đang bị vắt kiệt sức?

Theo quy định của UBND tỉnh, mỗi khu điều trị F0 thể nhẹ ở cấp huyện cần ít nhất 6 nhân viên y tế, kể cả y bác sĩ. Chưa kể, sắp tới khi số lượng F0 dự kiến còn tăng, các trạm y tế lưu động đã được tính toán trong kế hoạch thành lập để đưa phương án F0 điều trị tại nhà vào thực tế. Công việc này sẽ phải để nhân viên y tế gánh vác.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay tại tuyến huyện, ở hệ điều trị, nguồn nhân lực có 1.485 người, trong đó chỉ có 328 bác sĩ và 51 dược sĩ đại học. Theo quy định, trung tâm y tế huyện thực hiện đa chức năng của y tế cơ sở, bao gồm công tác y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh và công tác dân số...

Và để đáp ứng nhu cầu của người dân, một người gánh nhiều công việc khác nhau. Ngay thời điểm này, số F0 trên địa bàn ngày càng tăng, lực lượng y tế cơ sở đảm nhiệm từ việc đưa F0 đi điều trị, truy vết, rồi triển khai tiêm vắc xin đến từng xã, phường...

Lực lượng mỏng nhưng phải đảm trách rất nhiều việc. Ở các địa phương đồng bằng, việc huy động cơ sở y tế tư nhân cùng góp sức trong công tác phòng chống dịch là giải pháp để phần nào giảm tải bớt số lượng công việc lên vai nhân viên y tế cơ sở.

Nhưng đối với các địa bàn miền núi, tăng cường nguồn lực y tế trong thời điểm dịch giã hoàn toàn phải chờ vào sự giúp sức của tuyến trên. Do đó ngành y tế cần yêu cầu các đơn vị tuyến tỉnh hỗ trợ về mọi mặt cho các trung tâm y tế theo mô hình “bệnh viện chị em” mà một số tỉnh thành đang áp dụng.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng yêu cầu sự giúp sức từ lực lượng y tế tư nhân cũng như nhân lực từ các trường học y dược. Nhưng hẳn đây chỉ là phương án tạm thời trong thời điểm dịch giã.

Cần phải có một cách nhìn khác để thay đổi quan điểm và đầu tư vào y tế cơ sở. Trong thế kiềng ba chân mà ngành y tế được ví von, bao gồm điều trị - cung ứng - dự phòng, thì lẽ ra dự phòng là nền tảng cơ bản cần được chú tâm nhiều nhất.

Ngược lại, từ trước khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, điều trị được xem là mũi nhọn và ưu tiên đầu tư nhiều hơn. Cho đến khi dịch bệnh bùng phát, y tế cơ sở mới phát huy vai trò nền tảng của mình và mới thật sự được nhìn nhận đúng vị trí.

Đây là sự lệch pha cần phải có sự can thiệp quyết liệt từ những người làm chính sách. Làm sao cho y tế dự phòng phát triển theo đòi hỏi của cuộc sống, để lực lượng y bác sĩ không phải gồng gánh quá nhiều áp lực như hiện nay...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực trên vai y tế cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO