Bán hàng cho “khách qua đường”

HÀ QUANG 06/02/2023 06:55

Mẫu mã, chất lượng hàng hóa tại các điểm đến du lịch thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, nhưng sức tiêu thụ vẫn chưa cao, một phần do tâm lý e dè của người mua.

Tôi mua được vài món hàng lưu niệm ưng ý từ những chuyến du xuân vừa qua. Món hàng mà tôi mua được là chiếc chuông gió, một chiếc đèn lồng và vài thứ bánh mứt - những loại hàng hóa được xem là đặc trưng của địa phương, với phương thức sản xuất chủ yếu thủ công.

Để làm hài lòng một khách hàng có phần khó tính như tôi, với trước hết là giá cả, chị chủ hàng đã đưa ra cách so sánh và những thông tin thị trường có thể tin được. Tuy vậy vẫn có thể nhận thấy sự luống cuống của chị bởi thông tin thị trường, đặc biệt về giá cả với những loại hàng hóa đặc trưng này, vẫn chưa nhiều và khó so sánh.

Nhưng điều khiến tôi thay đổi tâm lý rằng, việc mua bán hàng hóa ở các điểm đến du lịch đã bớt đi không khí dịch vụ “khách qua đường”, có lẽ đến từ sự chân thành của người bán và khả năng về “người tiêu dùng thông minh” của mình.

Quảng Nam được biết đến là địa phương có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, và sản phẩm đặc trưng truyền thống phát triển mạnh trong thị trường dịch vụ du lịch. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm này đã có thêm những kết quả đáng kể khi các chủ thể sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, từ nỗ lực của các địa phương trong việc định hình thương hiệu sản phẩm lưu niệm du lịch, hỗ trợ điều kiện sản xuất, quảng bá sản phẩm làng nghề..., cũng góp sức để nhiều sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh, tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, nhìn chung thị trường hàng hóa tại các điểm đến vẫn chưa thoát khỏi cảnh bấp bênh, e dè. Hoạt động của nhiều làng nghề nổi tiếng lâm vào cảnh lao đao bởi giảm sút nguồn tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở dịch vụ ở các điểm đến du lịch.

Thời gian qua, ở những trung tâm du lịch nổi tiếng, lâu lâu lại rộ lên tình trạng “chặt chém”, lừa đảo du khách khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch, đã làm tan biến nhanh chóng những ấn tượng tốt đẹp về điểm đến mà địa phương gầy công tạo dựng.

Đặc biệt, những cú “hố hàng” khi du khách mua sản phẩm đặc trưng địa phương đã được truyền tải rất nhanh, khiến không khí mua bán ở không khi cơ sở dịch vụ lâm vào cảnh nguội lạnh, thậm chí ảnh hưởng đến cả môi trường du lịch địa phương.

Trên địa bàn tỉnh thời điểm này không khí du xuân đang tưng bừng, nhưng khảo sát sơ qua ở vài điểm đến, việc tiêu thụ sản phẩm lưu niệm vẫn chưa mấy khả quan. Nhiều chủ cơ sở cho biết, hàng hóa lưu niệm chủ yếu là những món đơn giản, có giá thấp, lâu nay tiêu thụ mạnh nhờ du khách nội địa, nhưng tình hình bán mua không mấy thuận lợi do việc chi tiêu đã được du khách “cân nhắc” hơn.

Cản ngại lớn nhất về việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm lưu niệm ở những điểm đến du lịch, trước hết có lẽ xuất phát từ tâm lý “qua đường” của người bán và người mua.

Lâu nay, không ít người bán có tâm lý bán một lần rồi thôi, bởi khách du lịch ít có cơ hội quay trở lại. Còn người mua cũng mang nặng tâm lý hoài nghi về chất lượng, giá cả hàng hóa ở những điểm đến du lịch, bởi họ không có nhiều cơ hội để “định lượng” và không sẵn sàng cho việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Đó là chưa kể thái độ phục vụ. Tình trạng chèo kéo, tranh giành diễn ra ở các điểm bán hàng cũng gây ấn tượng không tốt cho người tiêu dùng... Vì vậy, để khai thông thị trường ở những điểm bán hàng này, đầu tiên nên khai mở tâm lý cho cả người bán lẫn người mua. Làm sao để đôi bên trước hết có được sự tin cậy, sau đó mới tính đến việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bán hàng cho “khách qua đường”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO