"Băn khoăn" chuyện sáp nhập

HÀ QUANG 07/11/2022 06:22

Chủ trương sáp nhập 2 huyện Phú Ninh, Núi Thành vào Tam Kỳ sau một thời gian được tuyên truyền rộng rãi đã thu hút sự quan tâm của người dân. Câu chuyện tách nhập đang được bàn thảo lần này có vẻ theo chiều hướng thực tế hơn, bởi người dân đã biết dự lường về sự tác động, đổi thay cụ thể đối với cuộc sống của chính họ.

Trang facebook “Tam Kỳ” vừa đăng một dòng tút mấy chục từ về chủ trương sáp nhập này đã thu hút gần 1.300 lượt bình luận, cho thấy chủ trương này rất được nhiều người quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, sẽ tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội khi “gã khổng lồ” Tam Kỳ có đầy đủ cảng biển, sân bay và hệ thống giao thông hoàn thiện, có cảnh quan phát triển du lịch sinh thái…

Giấc mơ trở thành dân đô thị cũng được nhiều người bày tỏ với mong muốn đô thị loại 1 Tam Kỳ trong tương lai sẽ là đầu mối chăm lo cho sự phát triển của các cộng đồng dân cư bằng những nguồn lực đầu tư lớn hơn về hạ tầng, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, nhiều lượt ý kiến khác cũng băn khoăn về những ảnh hưởng khi họ trở thành công dân đô thị, nhất là các khoản thuế phí, dịch vụ công ích có thể thay đổi, tăng cao hơn; hay nhiều loại thủ tục có thể sẽ “mất công” hơn; và thậm chí một số người lo ngại nhiều khu vực có thể bị “bỏ quên”, hoặc bị “thụt lùi” trong nỗ lực thực hiện các tiêu chí của một đô thị có quy mô lớn về dân số, diện tích…

Và điều được nhiều quan tâm là sự “cân đối” nguồn lực đầu tư hạ tầng để tạo động lực phát triển ở từng khu vực. Thời gian qua, TP.Tam Kỳ đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng, tạo ra diện mạo khang trang cho đô thị, nhưng cũng có thể “rà soát” lại, đâu đó trong khu vực đô thị nhiều nơi hạ tầng vẫn còn sơ sài, dở dang, bất cập…, gây nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân.

Điều dễ thấy là tình trạng ngập úng gần đây, nhiều người cho rằng cũng do một phần lỗi trong quy hoạch, xây dựng đô thị, nhất là tình trạng đầu tư không đồng bộ. Ví dụ đoạn đường Bạch Đằng qua phường Phước Hòa chỉ mới được đầu tư một nửa, nhiều năm qua hàng nghìn người dân phải sống trong khu vực thấp trũng, chỉ một trận mưa lớn là nước và rác rếnh từ chợ Tam Kỳ tràn vào nhà.

Tại hội nghị Tỉnh ủy vừa qua, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và mong muốn việc sáp nhập 2 địa phương Núi Thành, Phú Ninh vào Tam Kỳ cần đánh giá kỹ lưỡng những tác động với một lộ trình chặt chẽ.

Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói, với một địa bàn rộng lớn sau khi sáp nhập, bên cạnh quản trị kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng, khả năng phục vụ nhân dân sẽ như thế nào, trong bối cảnh cải cách hành chính, giải quyết thủ tục trực tuyến vẫn còn một số hạn chế? Nhiều ngành như tòa án, viện kiểm sát nhân dân, công an sẽ được tổ chức ra sao, việc quản trị về quy hoạch, tài nguyên, dự án đều phải tính toán.

Chỉ tính riêng các trường học từ cấp mẫu giáo đến THCS, sau sáp nhập sẽ có hơn 100 trường, với số lượng lớn như vậy, khả năng quản trị của một phòng GD-ĐT liệu có đáp ứng tốt không?...

Trước một chủ trương có tính đột phá, bước ngoặt như việc sáp nhập 2 địa phương vào Tam Kỳ, những câu hỏi đặt ra từ các nhà quản lý và cả người dân, nên được xem là một kênh tham khảo quan trọng bởi chính họ sẽ là người vận hành và thụ hưởng hay bị ảnh hưởng.

Tất nhiên sẽ còn rất nhiều bước nữa, nhất là sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà chuyên môn để Tam Kỳ trở thành “gã khổng lồ” với mục đích cuối cùng là có thể tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển xã hội, như lời ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ: nhập lại ở đây không phải là câu chuyện nhập địa giới hành chính mà là để đủ điều kiện hình thành được một đô thị động lực của tỉnh và cả vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Băn khoăn" chuyện sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO