Nông thôn mới đang cũ

TRƯỜNG ĐỒNG 12/12/2022 07:10

Nếu không liên tục làm mới, nông thôn mới sẽ cũ là điều thực tế đã chứng minh và cũng là chuyện làm nóng nghị trường HĐND trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 vừa diễn ra.

Theo thông tin từ người đứng đầu ngành NN&PTNT tỉnh, cuối năm 2021 Quảng Nam có 118 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 60,8%, thì nay có đến 97 xã rớt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Và nguyên nhân được xác định do bộ tiêu chí mới tăng thêm, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới được quy định cao hơn tiêu chí cũ. Vấn đề là nếu vẫn tính theo tiêu chí cũ, các xã có rớt chuẩn hay không?

Theo tài liệu lưu trữ, từ năm 2011 - 2018 toàn tỉnh có tổng cộng 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2019, qua rà soát của chính quyền các địa phương và những ngành liên quan của tỉnh, có 29 xã bị rớt chuẩn và con số này tăng lên hằng năm.

Ngày 25/8/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 2218 Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, phấn đấu cuối năm 2025 có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời duy trì, nâng chuẩn cho các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020; đó là chưa nói đến các chỉ tiêu NTM nâng cao, kiểu mẫu. Phong trào chưa kịp thi đua thì có đến 97/118 xã đã rớt chuẩn NTM.

Để vừa vực dậy các xã mới rớt chuẩn, vừa hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, dễ hay khó?

Giai đoạn hiện nay rất khó khăn, vì hầu hết xã rớt chuẩn và chưa đạt chuẩn NTM thuộc khu vực miền núi. Trong khi đó, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 được nâng lên cao, nguồn lực từ ngân sách nhà nước giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai.

Đáng lo hơn, xây dựng NTM nhưng chưa thật sự bền vững; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chỉ tạm thời nâng cao so với trước, dễ bị ảnh hưởng trước tác động dù nhỏ.

Do đó, để đạt mục tiêu đề ra cần có sự nỗ lực rất lớn, nhất là ở các địa phương miền núi phải có sự quyết tâm cao nhất; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương phải chủ động kêu gọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tài trợ xây dựng NTM, nhất là phát huy nguồn lực của người Quảng Nam trong và ngoài tỉnh tham gia.

Tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn sau luôn cao hơn trước là điều hiển nhiên, phù hợp với quy luật phát triển. Cũng như đời sống của chúng ta luôn phấn đấu ngày một tốt hơn, đặt ra mục tiêu cao hơn, các kế hoạch phát triển đều năm sau cao hơn năm trước. Điều này đòi hỏi quá trình xây dựng NTM phải liên tục, không được ngơi nghỉ, vì cuộc sống của người dân, vì nông thôn ngày một khang trang.

Như lời Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định trước đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh rằng, xây dựng NTM là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nên không chạy theo thành tích, phải tập trung đầu tư cho số lượng đảm bảo chất lượng theo bộ tiêu chí thay đổi trong từng giai đoạn. Xây dựng NTM phải trực tiếp phục vụ cho người dân, hướng đến cuộc sống người dân tốt hơn về vật chất và tinh thần. Phải làm cho người dân thấy yêu nơi mình đang sống.

Cho nên, NTM phải được xây từ chính sức dân; nền tảng NTM phải từ nội lực của địa phương, không chỉ biết dựa vào kinh phí phân bổ của cấp trên. Chỉ có như vậy, mới hy vọng NTM mới luôn được làm mới, mỗi làng quê thực sự là những miền quê đáng sống; nhân dân - chủ thể của NTM được thụ hưởng thành quả do chính mình tham gia xây dựng.

Phải xác định, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông thôn mới đang cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO