Rủi ro, cán bộ trồng sâm

HÀ QUANG 23/08/2021 06:08

Tôi tình cờ được rủ đi thăm vườn sâm của một người bạn. Anh là cán bộ nhà nước, trú Tam Kỳ, đầu tư trồng sâm ở xã Trà Nam (Nam Trà My) cách đây 3 năm. Mùa này mỗi tuần anh phải lên vườn sâm một vài lần để canh phòng… chuột.

Đường đến “rừng sâm” Trà Nam dù quanh co, ngược dốc liên tục nhưng mùa này dễ đi. Khu vực trồng sâm của anh thuộc thôn 3 (xã Trà Nam), đi một đoạn ngắn nữa là đến đất Kon Tum. Anh nói khu vực này được “quy hoạch” chủ yếu dành cho cán bộ có nhu cầu thuê môi trường rừng trồng sâm.

Nhìn ven đường, cách một đoạn lại có khoảnh đất được san ủi để xây dựng lán trại, có thể đoán được phong trào cán bộ trồng sâm ở vùng này đang lan tỏa nhộn nhịp. Vườn sâm của bạn tôi chỉ cách đường vài chục bước chân, sát đường có nhà kho chất vật dụng và ga ra xe hơi, lán trại nằm ven con suối, được xây dựng bằng gỗ kiên cố. Hôm lên đây, anh còn chở theo chiếc tủ lạnh để lại lán trại sử dụng; giường nệm, vật dụng thiết yếu đã có sẵn…, nơi này cứ như là chỗ nghỉ mát giữa rừng.

Phong trào cán bộ trồng sâm, có thể ngẫu hứng như nhiều người nghĩ, bởi sự đầu tư bài bản nơi ăn chốn ở của họ tại vườn sâm, nhưng lại lơ là trong cách chăm sóc, có khi cho ta cảm giác chỉ làm cho vui. Nhưng hình như không hoàn toàn như vậy, mỗi mô hình trồng sâm phải đầu tư hàng tỷ đồng, nếu chỉ làm cho vui thì nên xem lại. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nguồn lực từ cán bộ dưới xuôi lên đầu tư trồng sâm tại Nam Trà My chắc không phải là nhỏ.

Nguồn lực này là thứ tài sản không dễ kê khai, ước tính, bởi mỗi mô hình, mỗi chủ vườn lại có cách đầu tư khác nhau, điều kiện đầu tư mỗi khu vực mỗi khác, không rõ ràng như đầu tư một lô đất…, nên bài toán về hiệu quả kinh tế của việc người dưới xuôi lên núi trồng sâm là không dễ tính. Chưa nói, đa số cán bộ phải giao những cây sâm có giá hàng triệu đồng để người khác trông coi, sự hao hụt là khó tránh khỏi…

 Trong khi đó, việc trồng sâm không “dễ ăn” như lời than thở của bạn tôi, rằng đang đối mặt với nhiều rủi ro. Hôm chúng tôi lên đây, phải đi thu gom những xác cây nát vụn vì chuột cắn phá. Có hơn 60 cây sâm 3 năm tuổi bị chuột phá chỉ trong một đêm, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Kể luôn những lần gần đây, anh nói thiệt hại đến vài trăm triệu đồng vì chuột.

Dù đã đặt bẫy, giăng lưới, nhưng theo anh, chuột ở đây không dễ trị, chúng leo từ cây xuống chứ không phải dưới đất chui lên. Dịch bệnh trên cây sâm cũng là điều đáng lo. Rỉ sắt và lở cổ rễ là hai loại bệnh thường gặp trên cây sâm Ngọc Linh, nhưng việc chữa trị hiện rất khó khăn…

Một rủi ro khác, không phải đối với người trồng sâm mà là môi trường rừng. Rừng vùng sâm Ngọc Linh đang được giữ gìn rất tốt, trong đó việc cho thuê môi trường rừng đã góp phần đáng kể. Thế nhưng, hiện dưới những gốc rừng dịu mát là cả mớ lộn xộn lưới B40, các loại lưới nhựa…, và đặc biệt là tôn. Nhiều chủ vườn đã quây kín tôn lút đầu người cả khu vực mình thuê đất. Môi trường rừng đầu nguồn có thêm những loại vật dụng như thế, trước hết là không mỹ quan chút nào.

Sâm Ngọc Linh đang có giá rất cao, từ củ đến lá. Nhiều người dân bản địa cũng khó ngờ thứ lá mình có thể cắt nấu nước uống hằng ngày bây giờ có giá đến 12 triệu đồng/kg. Đã có những nghi ngại, sâm Ngọc Linh đang bị thổi giá so với giá trị thực của nó.

Điều đáng nói, nhiều người còn xem rượu sâm và các sản phẩm từ sâm là thứ biệt dược thần thánh, sử dụng càng nhiều càng tốt mà bỏ qua những lời khuyến cáo về sự tương thích của mỗi cơ thể. Rồi việc trồng sâm ào ạt dẫn đến nguồn giống khan hiếm. Hiện lãnh đạo huyện Nam Trà My đã đưa ra những biện pháp ngăn chặn loại giống giả từ bên ngoài đưa vào địa bàn…

Tất cả những yếu tố này, có thể dẫn đến rủi ro: khi thị trường sâm “bình ổn” và cây sâm trở về với giá trị thực của nó, lúc đó những gói đầu tư hàng tỷ đồng trồng sâm từ dưới xuôi, có thể rơi vào cảnh chới với. Bởi vậy, những người xuôi (đặc biệt là cán bộ) muốn trồng sâm, không phải có tiền mà được!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rủi ro, cán bộ trồng sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO