Thủ thế với bão lụt

PHAN HOÀNG 20/09/2021 10:12

Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X, dự kiến khai mạc vào ngày 24.9 tới. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất đề nghị Thường trực HĐND tỉnh bổ sung Đề án hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 vào chương trình kỳ họp.

Theo đề án, khoảng 10.000 hộ sẽ được hưởng lợi. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà và địa phương kết hợp từ các nguồn xã hội hóa và từ các nguồn hợp pháp khác. Với La Nina, dự báo mưa lũ năm nay tiếp tục phức tạp, diễn biến khó lường nên việc đưa đề án thời điểm này là cần thiết, dù hơi muộn. Bởi, với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phòng tránh thiên tai thì cách tốt nhất là “xã sơ tán tại chỗ trong xã, làng sơ tán tại chỗ trong làng”.

Từ đề án này, lại nghĩ đến những công trình quan trọng ở vùng lũ; các tuyến đường cứu hộ cứu nạn ven biển. Những công trình đó, bao giờ cũng đặt mục tiêu vừa phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vừa có công năng cứu hộ, cứu nạn phòng chống thiên tai cho người dân trong vùng.

Là người ở vùng thường xuyên ngập lụt, nên tôi khá quan tâm đến các dự án được HĐND tỉnh phê duyệt trong trung hạn 2021 - 2025 như: cầu Vân Ly, Đường vành đai phía bắc Quảng Nam, Đường nối từ QL14H đến ĐT609C, đến QL14B. Các dự án này có tính chất kết nối liên vùng, ngoài mục tiêu chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng thì còn mục tiêu hết sức quan trọng là cứu hộ cứu nạn trong mùa bão lũ, đặc biệt với vùng nhạy cảm thường xuyên ngập lụt là Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... Khi những cơn lụt lớn về, các tuyến đường xung yếu hiện tại bị ngập thì các công trình này như là nơi trú tránh của người dân để bảo vệ tính mạng và tài sản của họ.

Cho nên bất kỳ phương án nào được cân nhắc khi đưa ra quyết định đều phải tính tới chức năng cứu hộ cứu nạn để cẩn trọng lựa chọn. Các sở ngành được giao nhiệm vụ lập phương án cần có cách tư duy và cách làm mới với tầm nhìn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng cực đoan. Cần loại bỏ các phương án đáp ứng quá thấp yêu cầu, mục tiêu của dự án; chưa được như mong mỏi của nhân dân vùng ngập lụt. Đối với vùng rốn lũ, thì bất kỳ công trình nào, cũng cần đặt song song mục tiêu vừa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế theo quy định vừa có thể là nơi tránh trú lũ lớn bất thường, giữ được tính mạng và tài sản của người dân.

Thiệt hại từ các trận bão lụt lớn, liên hoàn hồi tháng 10, 11 năm ngoái đến nay vẫn còn nhiều nơi chưa khắc phục xong. Đó phải là cơ sở tham khảo cho mọi quyết sách của Quảng Nam về phát triển bền vững.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 20 đến 25.9, một cơn bão mới sẽ vượt qua Philippines vào Biển Đông. Cơn bão có đường đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa rồi đi vào miền Trung vài ngày sau đó. Lại những cơn lũ tràn. Những dòng nước bạc. Mất mát và đau thương mỗi mùa bão lũ dữ dội luôn thường trực và ám ảnh người dân xứ Quảng, chẳng riêng chi ai. Nhất là thời điểm này, người dân, doanh nghiệp đang chống chọi với muôn nghìn thứ đến bởi “từ trường” Covid-19.

Hộ nghèo, không có nhà ở kiên cố, hộ nghèo phát sinh sau bão lũ, sau covid, hộ phụ nữ làm chủ hộ; hộ dân tộc thiểu số; chủ hộ là người khuyết tật hoặc già cả, neo đơn… Đó là đối tượng mà Đề án hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Vậy nên, “mục tiêu kép” trong điều kiện bình thường mới hay trong điều kiện vùng rốn lũ đều cần phải toan tính bằng tầm nhìn dài hạn để các giải pháp ứng phó của chính quyền và người dân bớt lao đao trong những đận ngặt nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủ thế với bão lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO