Tiền khéo, tiền khôn

TRƯỜNG ĐỒNG 18/10/2021 05:44

Cùng với nỗ lực đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang loay hoay vì sự bất thường “có tiền nhưng không biết tiêu làm sao” trong đầu tư công.

Với vốn đầu tư công, đồng tiền chưa tiêu là sự lãng phí, tiêu mà không khéo lại càng lãng phí.

Quảng Nam đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Mục tiêu này gắn liền với yêu cầu phải có nguồn vốn đầu tư lớn và đẩy mạnh giải ngân kịp thời đưa vốn ngân sách nhà nước vào nền kinh tế là một trong những yếu tố then chốt phát huy tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội địa phương.

Tạo động lực ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, đầu năm 2021 UBND tỉnh có Quyết định số 587/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với nhiều nội dung trọng tâm, sâu sát. Ngay khi nhận thấy tình hình không mấy khả quan, ngày 27.8.2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 15 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Đến ngày 15.9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6166 đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15, thậm chí UBND tỉnh thành lập các tổ công tác, đề cao trách nhiệm người đứng đầu để đốc thúc... nhưng đến nay tình hình giải ngân vốn đầu tư vẫn ì ạch.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến ngày 30.9 kế hoạch vốn năm 2021 giải ngân hơn 2.522 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài giải ngân hơn 1.320 tỷ đồng, đạt 57,6% (vẫn còn khoảng 57 dự án cấp tỉnh đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 60%). Trong khi tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch giao từ đầu năm (đến hết quý 3 giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch).

Giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra cụ thể, tuy nhiên hiệu quả thực hiện phụ thuộc vào ý chí quyết tâm, năng lực cùng tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi vị trí, mắc xích liên quan trong quy trình thực hiện, dù là dự án có quy mô lớn hay nhỏ.

Do đó, trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, không thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, không hoàn ứng, thanh quyết toán dự án đúng thời gian quy định, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu.

Thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 các chương trình, dự án quản lý theo phân cấp.

Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm suy giảm động lực tăng trưởng từ các nguồn vốn khác, nay thêm tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

Bởi vậy, nhận diện đúng, xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp hay gián tiếp, khách quan và chủ quan, mới và cũ sẽ quyết định tiến độ giải ngân, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công…

Quyết tâm triển khai đạt kết quả là sự cấp thiết hiện nay để đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Đầu tư công là yếu tố phát huy và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền kinh tế, góp phần cho tăng trưởng GRDP hàng năm. Cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký ban hành Công văn số 7271 yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, địa phương liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiền khéo, tiền khôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO