Y tế cơ sở cần gỡ khó ngay

TRƯỜNG ĐỒNG 20/02/2023 07:22

Sau đại dịch COVID-19, cơ chế, chính sách dành cho hoạt động y tế bộc lộ những hạn chế nhất định. Và, y tế cơ sở - lá chắn đầu tiên trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân - phải gánh chịu những thiệt thòi, khó khăn…

Nhìn nhận rõ hơn vai trò của y tế cơ sở, cùng trở lại giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Xuyên suốt quá trình ứng phó với đại dịch, mạng lưới y tế cơ sở phát huy được vai trò “cửa ngõ” tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, cũng chính qua thử thách đầy cam go này, hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng đã bộc lộ những điểm yếu - từ đó cho thấy đã đến lúc cần phải khắc phục tư duy “vượt tuyến” vốn đã ăn sâu trong tiềm thức, thói quen của đại bộ phận người dân.

Đồng thời có chính sách đầu tư một cách bài bản nhằm tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống y tế đủ sức chống chọi với dịch bệnh có thể ập tới bất cứ lúc nào, tương tự COVID-19.

Đã từ nhiều năm nay, ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn, trạm y tế xã là tuyến y tế cơ sở gắn bó mật thiết, được người dân tin tưởng và lựa chọn là điểm đến đầu tiên trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mình.

Thế nhưng, thực tế này lại trái ngược với các thành phố lớn và chỉ đến khi đại dịch COVID-19 “càn quét” qua, trạm y tế ở đồng bằng mới được nhìn nhận đúng vị trí của mình. Số công việc và áp lực ở trạm y tế có lẽ gấp nhiều lần so với cơ sở điều trị; hàng loạt công tác về y tế dự phòng buộc phải triển khai ở cộng đồng đã cho thấy tầm quan trọng của tuyến y tế cơ sở.

Tại Quảng Nam, công tác y tế cơ sở luôn được HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả. Trong giai đoạn 2018 - 2022, HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 4 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, người dân trong tỉnh có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã được tiếp cận 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục theo quy định gói dịch vụ cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Nguồn nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm 2.662 biên chế và 292 hợp đồng lao động...

Thẳng thắn nhìn nhận, đầu tư cho y tế cơ sở vẫn chưa thực sự tương xứng với vai trò mà nó đảm nhiệm. Nhân sự mỏng, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa kể khối lượng công việc nhiều nhưng đãi ngộ không xứng đáng khiến cán bộ y tế ở tuyến này không mấy mặn mà với công việc.

Ví dụ dễ thấy: Cùng chế độ như nhân viên y tế, người giữ chức vụ trưởng trạm y tế chỉ được hưởng thêm phụ cấp hệ số 0,2 lương cơ bản, trong khi đó áp lực cũng như khối lượng công việc của vị trí đảm nhiệm lại quá nhiều.

Mừng là Chính phủ vừa có Nghị định số 05 (ngày 15/2/2023) nâng phụ cấp mức 100% cho viên chức làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Nhưng tiếc thay, chính sách này chỉ áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023, sau đó trở lại chính sách cũ. Ngành y tế là một ngành đặc thù, việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động rất đặc biệt nhưng tiền lương thì chưa đặc biệt.

Từ số báo này, Báo Quảng Nam khởi đăng loạt bài “Tổng lực cải thiện y tế cơ sở”, ghi nhận thực trạng và các kiến nghị từ cơ sở về chính sách, cùng các vấn đề được nhìn nhận thông qua cuộc giám sát chuyên đề do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức. Từ mô hình quản lý, câu chuyện nhân lực cho đến cơ chế tài chính cho y tế cơ sở đều bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Những nút thắt ngành y tế đang gặp phải, nhất là y tế cơ sở, cần được nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi chính sách phù hợp thực tế, và cần tháo gỡ ngay theo hướng xây dựng một luật sửa nhiều luật hoặc một nghị định sửa nhiều nghị định thay vì ngồi chờ sửa toàn diện sẽ không kịp yêu cầu từ đời sống.

Lá chắn đầu tiên này cần phải thật sự chắc chắn để đảm bảo khả năng bảo vệ sức khỏe nhân dân!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Y tế cơ sở cần gỡ khó ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO