Chuyện dệt ở Ninh Thuận

NGUYỄN THIÊN TRUNG 28/04/2016 11:12

Nghề dệt truyền thống được hình thành ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 12km về hướng đông nam. Tên Chăm của làng là Caklainy. Nghề đã có tự đời nào không biết mà đến nay, vẫn không xác định được lai lịch vị tổ khai sinh nghề. Giờ đây, làng có khoảng 500 hộ dân với khoảng 3.000 người, nhà nào cũng có khung dệt.

Thổ cẩm Mỹ Nghiệp được dệt trên hai loại khung: khung dệt Indonesia (Danưng akhan aban) cho khổ rộng 1 - 1,5m, dài 2 - 3m và khung dệt bản địa Jihdalah dệt khổ 0,02m - 0,3m, dài có thể đến 70m.

Hoa văn trên thổ cẩm Mỹ Nghiệp gồm những đường nét hình học: đường thẳng, đường gấp khúc, hình tứ giác, tam giác và những đường lượn cong với một số tên gọi như mắt gà (mưta mưnuk), dây leo (haraik), con rồng (inư girai), răng cưa (mưta kagaik). Các hoa văn này phần lớn được cách điệu hóa, mô tả những động vật và thực vật trong đời sống xã hội và đời sống tinh thần của người Chăm. Nguồn nguyên liệu sợi hiện nay đã giải phóng được sức lực của người làm nghề dệt rất nhiều. Ngày xưa, người thợ phải tốn rất nhiều công sức trong các công đoạn, phơi bong, tách hạt, bắn cho tơi, cuốn thành con bong, kéo sợi, ngâm, giặt, hồ sợi, phơi, chải, nhuộm. Riêng khâu nhuộm sợi, trước đây hơn thế kỷ, người Chăm nhuộm với bốn màu: đỏ (mariah), trắng (patih), vàng (kanhik), nâu đen (hătn). Bốn màu này tương ứng với quan niệm về bốn loại máu trong cơ thể con người. Nguyên liệu nhuộm là các loại cỏ cây, như cây vang (hapang) cho màu vàng nghệ, cây chàm (amauw) cho màu xanh đen, cây dừng nhựa (lanung patak) cho màu đỏ thắm.

Trước kia, phần lớn thổ cẩm làm ra những sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh. Ngày nay, có thêm nhiều loại mang dáng vẻ mới như khăn bàn, vải trải giường, túi xách… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Là một mặt hàng độc đáo, đã “lên ngôi” trong nhiều “mốt” thời trang, nhưng thu nhập của người làm ra thổ cẩm vẫn còn quá thấp. Hỏi thăm, thì một cô gái trẻ đang ngồi trên khung dệt không cho biết cụ thể nhưng chỉ cười buồn buồn: Dệt loại khung khổ hẹp, với kích cỡ 16cm, mỗi ngày chị dệt được 3 mét nhưng “không đủ sống”. Một người khác có tay nghề cao hơn, dệt khung khổ rộng, cũng chỉ đạt mức “tạm qua ngày”. Tuy nhiên, cũng có một số người Chăm của Mỹ Nghiệp sống khá hơn. Ấy là những người biết buôn bán những sản phẩm của những đ̣ồng bào của họ: một dạng tiểu thương, tiểu chủ mới. Và, một số người Chăm vào Sài Gòn làm thuê với mức thu nhập cao hơn!

Những năm gần đây, số lượng lượt du khách đến vùng đất  Pandugraga này tăng dần lên, nghề dệt thổ cẩm cũng theo đó mà “đổi sắc”: đã có những biện pháp duy trì và vực dậy nghề truyền thống này, nhằm gìn giữ một nét văn hóa đặc trưng của Ninh Thuận.

NGUYỄN THIÊN TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện dệt ở Ninh Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO