“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, hay “sự suy tàn của một hình thái dần bị gạt ra ngoài lề xã hội”, như chia sẻ của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm về bộ phim tài liệu dài hơi đầu tay của mình, khiến những ai ngồi lại xem phim, ít nhiều cảm thấy day dứt.
Day dứt, bởi lẽ đâu đó trong cuộc đời này, mình từng gạt họ - những người ở thế giới thứ ba, ra khỏi suy nghĩ, từng coi họ như thể một trò cợt đùa của số phận. Nhưng Thắm không vậy! Xem phim của Thắm, với cuộc đời của những người đồng tính trong cuộc hành trình đi đến từng làng quê xa xôi, với tên gọi “đoàn hội chợ”, nhen lên ước vọng được chấp nhận, được sống như một con người bình thường. Nhưng cuộc đời, vốn dĩ rất buồn, như cái kết mà Thắm buộc phải chọn cho bộ phim của mình.
Bi kịch từ thân phận
Thắm mang phim của mình đi khắp nơi, từ những ngày bắt tay vào công đoạn hậu kỳ, sau hơn 13 tháng với 60 giờ quay, ở tất cả mọi cảnh. Xâm nhập tới mức, như Thắm chia sẻ, nhiều bữa chạy xe từ nơi “đoàn hội chợ” diễn về Sài Gòn, Thắm như mất phương hướng. “Không biết nhà của mình bây giờ ở đâu, là đoàn lô tô hay là thành phố. Sau khi đóng máy, tôi gần như mất 6 tháng để vượt ra khỏi cảm giác ở đoàn hội chợ, với sự gắn bó, đồng cảm, chia sẻ như người trong nhà với mọi người trong đoàn” - Thắm nói. “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là sự phản ánh một cách chân thực cuộc sống của một thế giới đồng bóng – như cách gọi của nhiều người, hiện thân trong một gánh hát “không được chấp nhận”, và sự lẻ loi, bi kịch khi bị gạt bỏ, được đẩy lên đến tận cùng. Mọi cảnh huống, nhân vật đều “sống” trong phim của Thắm, với từng câu thoại đắt giá – bộc phát từ chính cuộc đời nhiều trải nghiệm của họ. Thắm không hề dàn dựng, cũng không chuẩn bị cho mình một kịch bản chỉn chu từ khi bắt đầu đến lúc đóng máy. Sự nhạy cảm và dấn thân của cô gái trẻ sinh năm 1984 này đã cuốn hút và nhận được nhiều đồng cảm từ người xem trong buổi công chiếu vào cuối tuần qua tại Hội An.
Một cảnh trong phim.Ảnh: S.ANH |
Những rung cảm của Thắm thể hiện trong bộ phim đầy tính nhân văn, nhưng cũng không kém phần gai góc. Điện ảnh là một cuộc chơi nghiệt ngã. Xem phim của Thắm, những ngại ngần về một thế hệ trẻ làm phim “mì ăn liền” bị xóa bỏ. Chỉ có sự dấn thân, nhiều tháng trời lăn lộn ăn ở như một thành viên trong đoàn lô tô của chị Phụng – ngay từ khi tiếp cận, Thắm đã xem họ như những người phụ nữ, “hòa nhập tới nỗi sự chia sẻ, đồng cảm hiện lên ngay tức thời”. Chỉ có những thấu hiểu và yêu thương chân thành, mới có những chi tiết đắt giá, những lời thoại chân chất, gan ruột như vậy. Gần như không có một vỏ bọc nào cần phải che giấu, không có một sự đề phòng nào, họ chia sẻ những câu chuyện đời họ, chấp nhận sự miệt thị của người đời – bằng cách tự gọi mình là pê đê bóng gió, chấp nhận thân phận của mình như một “kiếp nạn”, một nghiệp chướng phải trả. Thắm kể câu chuyện cho khán giả nghe, bằng chính lời tự sự của chị Phụng, chị Hằng, của cả đoàn lô tô với mong mỏi được chấp nhận như một người bình thường.
Làm phim bằng bản năng
Bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, dài 85 phút, được quay trong vòng 13 tháng và xử lý hậu kỳ trong 5 năm. Phim ra mắt đầu tiên vào tháng
|
Hơn 30 con người, phần lớn là người đồng tính, dưới sự dẫn dắt của chị Phụng, một người đồng tính nam lớn tuổi, lang bạt qua những tỉnh thành nghèo của miền Trung chạy suốt về tận đất Mũi Cà Mau. Thắm kể bằng ngôn ngữ điện ảnh tự nhiên nhất, với cuộc sống vật vờ tạm bợ, tối đến đắp lên người đủ thứ kim sa hột lựu lấp lánh, những thứ mỹ phẩm rẻ tiền. Họ làm trò mua vui cho những người dân nghèo ở một vùng ven nào đó, một làng chài nghèo xơ xác nào đó. Làng này hết khách, họ lại chất vật dụng lên xe tải, đi qua làng khác ngay trong đêm tối. Số tiền thu được mỗi đêm không nhiều và phải đối mặt với thanh niên địa phương đến xin đểu, rồi bị đánh đập, đốt phá tài sản, chung chi, trả tiền ăn nhậu cho bảo kê, công an địa phương... Số tiền nợ của chị Phụng để duy trì đoàn lô tô lên đến 200 triệu đồng, mỗi tháng trả góp 2 triệu, chị nói đùa “đến khi người ta (tức chủ nợ) chết, chắc mình vẫn chưa trả hết tiền”.
Phim của Thắm, tuy rất buồn, bởi cái buồn là hiện thân của chính cuộc sống những con người này, nhưng lại không hề gây cảm giác bi lụy, thương vay khóc mướn. “Tôi không tận dụng những người đồng tính làm chủ đề chính cho phim của mình. Cảm hứng của tôi, xuất phát từ cái nghèo đằng sau những lấp lánh, hình thái sống của một cộng đồng người thường được gọi là thế giới thứ ba, là hằng đêm nằm ngủ cùng họ để nghe rất nhiều tâm sự, là một cuộc sống bất ổn và luôn linh tính về cái chết cận kề mình” - Thắm chia sẻ. Con người bị đẩy ra ngoài lề xã hội, sống quá lâu trong sự khốn khổ, trong niềm tuyệt vọng nên đành phải xem nó như một trò cười của số phận. Và họ - biến nó thành những tiếng tự trào cho chính cuộc đời của mình.
Ngay khi tiếp cận đoàn hội chợ, nói như Thắm, đó là cái duyên trong cuộc đời dấn thân vào nghề của chị, cảm giác về sự lẻ loi của mỗi cá nhân đã cuốn Thắm đi. Những thước phim chân thật, được quay bằng bản năng, bắt đầu khơi mở. Điều này gây xúc động một cách tự nhiên, không hề gượng gạo, quá lố. Khi Thắm kết thúc phần quay bộ phim và chờ tài trợ để hoàn thành dựng phim, chị Phụng và chị Hằng đã chết vì HIV sau một cơn bệnh quật ngã. Cái tứ của phim, “chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, ra đời ngay sau đó. Khi phim bắt đầu được công chiếu rộng rãi, Thắm – vẫn chưa thể ngăn nỗi buồn của mình, mỗi khi đối diện với những gương mặt làm nên xúc cảm của chị, trong cuộc chơi miệt mài và nghiệt ngã của điện ảnh.
SONG ANH