Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Làm gì để tạo đà cho tương lai?

QUANG VIỆT (thực hiện) 15/10/2020 10:23

Trong 5 năm đến, Quảng Nam chọn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp và dịch vụ; trong đó, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý về cơ sở, căn cứ và giải pháp để đến năm 2030 Quảng Nam là tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khảo sát mô hình hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh ngày 26.3.2017. Ảnh: TTHCC
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khảo sát mô hình hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh ngày 26.3.2017. Ảnh: TTHCC

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam: tín dụng phát triển du lịch, dịch vụ tăng nhanh

 

Thời gian qua, cả 29 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực đóng góp vào phát triển du lịch, dịch vụ Quảng Nam thông qua việc đầu tư tín dụng, cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, thu đổi ngoại tệ cho du khách trong và ngoài nước, đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán. Cụ thể, 6 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 18 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng nước ngoài và 3 quỹ tín dụng nhân dân đã đầu tư cho du lịch, dịch vụ qua các sản phẩm tín dụng cho công ty du lịch, tín dụng phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương, doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh các sản phẩm địa phương, hộ kinh doanh sản phẩm dịch vụ.

Dư nợ cho vay trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng liên tục qua các năm, tỷ trọng cho vay tăng tương ứng với chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Dư nợ cho vay ngành du lịch, dịch vụ đến ngày 31.8.2020 đạt 10.128 tỷ đồng, chiếm 13,54% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, tăng 1,49% so với đầu năm. Thanh toán, chuyển tiền được triển khai theo hướng tối ưu hóa dịch vụ cho khách hàng. Hệ thống tín dụng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, thanh toán nhanh chóng, thuận tiện của khách hàng. Số bàn thu đổi ngoại tệ tăng trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đổi tiền. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 27 bàn đổi ngoại tệ, 6 đại lý chi trả ngoại tệ đang hoạt động. 

Dù gặp tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 nhưng các tổ chức tín dụng đã tháo gỡ khó khăn cho 636 doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình với dư nợ 22.175 tỷ đồng; trong đó dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hơn 21.445,9 tỷ đồng, dư nợ được miễn, giảm lãi hơn 729,9 tỷ đồng. Dư nợ vay mới đạt 21.377 tỷ đồng cho 2.442 khách hàng đối với các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (hơn 6.468,9 tỷ đồng), các hoạt động dịch vụ khác là 3.217 tỷ đồng và các hoạt động công nghiệp chế biến, vận tải...

Ngành ngân hàng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, DN tham gia dịch vụ, du lịch tiếp cận được vốn vay, đặc biệt là vốn vay ưu đãi để khôi phục hoạt động trên cơ sở kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, cân đối nguồn vốn. Với việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay vốn, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, hệ thống ngân hàng trên địa bàn góp phần tích cực trong hỗ trợ DN du lịch, dịch vụ, thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của tỉnh là ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh nói chung, trong đó có du lịch và dịch vụ.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm đưa vốn tín dụng thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, hệ thống tín dụng Quảng Nam tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận đầy đủ. Chúng tôi tiếp tục triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó là tối ưu hóa các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Đa dạng, phong phú các loại hình du lịch

 

Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung phát triển du lịch theo định hướng về không gian, thị trường và loại hình du lịch. Không gian du lịch Quảng Nam được tổ chức thành 4 khu vực. Khu vực phát triển du lịch các di sản văn hóa - lịch sử bao gồm Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, trong đó trung tâm là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn...

Khu vực phát triển du lịch cộng đồng đã tập trung phát triển các làng quê, làng nghề, làng đồng bào dân tộc thiểu số như Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Bàn), Đại Bình (Nông Sơn), dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), Ta Lang (Tây Giang).

Khu vực phát triển du lịch kết hợp thương mại, vui chơi giải trí tập trung phía đông các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh và Tam Kỳ; qua đó đã thu hút được các dự án khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp đi vào hoạt động như khu Vinpearl Nam Hội An, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khách sạn Sunrise Hội An, Boutique, Mường Thanh...

Khu vực ưu tiên phát triển du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc gồm các huyện miền núi phía tây tỉnh như Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ - Nước Oa (Bắc Trà My), Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước)... Định hướng thị trường khách du lịch là các thị trường khách truyền thống như Australia, châu Âu, Bắc Mỹ, gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ… và phát triển các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thị trường ASEAN. Thị trường khách nội địa cũng được quan tâm, đặc biệt là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Du lịch phát triển đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn, đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hạ tầng phục vụ du lịch được tăng cường đầu tư, nâng cấp. Kinh doanh du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số ngành nghề truyền thống như trồng rau sạch, may mặc, lồng đèn, tranh tre, dừa nước, dệt thổ cẩm…

Tuy vậy, hạn chế là quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành du lịch còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Chủ trương ưu tiên phát triển Cù Lao Chàm (Hội An) thành đảo du lịch tổng hợp cao cấp chưa được triển khai cụ thể. Một số dự án đầu tư du lịch tiến độ triển khai chậm hoặc không triển khai, đặc biệt là các dự án du lịch có quy mô lớn ven biển. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện chưa triệt để, làm cho các dự án đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc đầu tư hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhiều hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch còn thiếu như cầu cảng phục vụ du lịch, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà đón tiếp khách, trung tâm thông tin du lịch ở các thị trường trọng điểm...

Hướng phát triển du lịch trong 5 năm tới là lập quy hoạch, nạo vét sông Trường Giang; đầu tư, mở rộng tuyến đường 604 từ địa phận Đà Nẵng kết nối đường Hồ Chí Minh để phát triển du lịch phía tây của tỉnh; thực hiện các dự án chống sạt lở ven biển Cửa Đại - Hội An; tăng ngân sách hoạt động sự nghiệp du lịch, ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch sau dịch Covid -19 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nâng cấp sân bay Chu Lai theo quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư các cảng biển quy mô lớn để phát triển du lịch tàu biển... Quảng Nam cần xây dựng cơ chế đặc thù nhằm kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch đảo Cù Lao Chàm và thí điểm thực hiện hợp tác công tư trong quản lý, phát triển du lịch tại khu di tích Mỹ Sơn.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Đào tạo nghề nghiệp theo định hướng phát triển của tỉnh

 

Quy mô đào tạo nghề nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ của tỉnh đạt bình quân 28 nghìn người/năm trong 5 năm qua, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 50,06% vào năm 2016 lên 62,01% vào năm 2019, ước đạt 65% vào cuối năm 2020, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Kết quả này đã góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong các năm gần đây.

Trong quá trình đào tạo nghề, chúng tôi tổ chức các diễn đàn đối thoại với DN, khảo sát thực tế tại các DN, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động của các DN hoạt động công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Chúng tôi đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết chặt chẽ với các DN công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong xây dựng chương trình đào tạo, mời chuyên gia kỹ thuật của DN trực tiếp tham gia giảng dạy, tổ chức cho người học nghề thực tập tay nghề, thực hành sản xuất tại các DN. 

Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020 là 14.285 người, trong đó học nghề công nghiệp, dịch vụ, du lịch là 5.872 người. Có hơn 80% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm ổn định về kinh doanh, dịch vụ, sản xuất công nghiệp cơ khí, may mặc... Nhiều DN đã tiếp nhận nhiều lao động là người dân tộc thiểu số sau học nghề vào làm việc như Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton, Công ty TNHH MTV Moonchang Vina... với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vậy, nhìn chung các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đầu tư đúng mức, đào tạo lao động trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số lao động được đào tạo. Đội ngũ nhà giáo chưa được kiện toàn, tỷ lệ đạt chuẩn kỹ năng về dịch vụ, du lịch, công nghiệp chưa cao. Trong khi đó, chương trình, giáo trình đào tạo chưa cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực tiễn sản xuất của DN.

Du lịch, dịch vụ sẽ là ngành kinh tế quan trọng của Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Du lịch, dịch vụ sẽ là ngành kinh tế quan trọng của Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có các chính sách quan trọng như đầu tư nghề công nghiệp, du lịch, dịch vụ, hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ đào tạo đối với các em học sinh tốt nghiệp THCS thuộc diện phân luồng… Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm là công nghiệp, du lịch, dịch vụ, từng bước khắc phục tư tưởng phải học để có bằng cấp vào cơ quan nhà nước trong xã hội hiện nay. Việc tuyên truyền phải sâu rộng và cụ thể từng vấn đề, làm thế nào để toàn xã hội nhận thức được rằng thị trường lao động đang rất cần lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề làm việc tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương: Phát huy tính đa dạng, rộng mở của thị trường

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh có mức tăng trưởng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020, mức tăng bình quân là 14,2%/năm, ước đạt 61.911 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Ngành thương mại, dịch vụ trong tỉnh đã có sự thay đổi, góp phần thỏa mãn nhu cầu đa dạng, đòi hỏi ngày càng cao và mang lại nhiều lợi ích khác cho người tiêu dùng. Công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ từng bước được củng cố, kiện toàn; đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp. Công tác bình ổn giá đã và đang được đổi mới phù hợp. Thị trường phân phối được mở ra và bước đầu thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển thương mại, dịch vụ. 

Trên địa bàn TP.Tam Kỳ hiện có siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ, 2 siêu thị chuyên doanh là siêu thị Nguyễn Văn Cừ và siêu thị Gia Lai CTC... Tại TP.Hội An, hệ thống dịch vụ phong phú, đa dạng, ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách trong và ngoài nước. Về dịch vụ xăng dầu, toàn tỉnh hiện có 191 cửa hàng xăng dầu và tàu dầu, các DN thực hiện dịch vụ xăng dầu thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Hệ thống thực hiện dịch vụ khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh là 600 cửa hàng, hoạt động theo hướng liên kết, xâu chuỗi và đảm bảo khả năng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng theo hướng hiện đại, văn minh, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Có thể nhìn nhận các “điểm nghẽn” là thương mại hàng hóa nội địa và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều nấc trung gian. Thương mại, dịch vụ Quảng Nam còn chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất và lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo những kênh lưu thông hợp lý, ổn định. Đặc biệt, thương mại, dịch vụ vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, thực phẩm để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa còn yếu.

Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, báo cáo, đề xuất giải pháp kiềm chế tăng giá hàng hóa cũng như thông tin đến DN về các chính sách xuất nhập khẩu để thích ứng, vận động, hội nhập, phát triển thương mại, dịch vụ ngày càng hiện đại, đóng góp lớn hơn vào phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Ngành công thương đổi mới xúc tiến thương mại, dịch vụ, giúp DN nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh phát triển thương hiệu cho sản phẩm thông qua chương trình thương hiệu quốc gia. Sở Công Thương duy trì và phát triển sàn thương mại điện tử là cầu nối thông tin, giao dịch mua - bán, xúc tiến đầu tư, thực hiện dịch vụ đối với các DN trong và ngoài nước, khẳng định vị thế và đóng góp cho sự phát triển thị trường. 

Ông Lê Vũ Thương - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai: Các dự án trọng điểm là động lực phát triển kinh tế - xã hội

 

Giai đoạn 2015 - 2020, Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hút và cấp phép đầu tư 90 dự án, tổng vốn đăng ký 96,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD. Trong đó có 45/90 dự án đang hoạt động (15 dự án FDI, tổng vốn là 213 triệu USD) với tổng vốn đầu tư 24 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Lũy kế tổng số dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai là 173 dự án với tổng vốn đầu tư gần 121,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,579 tỷ USD), thu hút 23.500 lao động. 

Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục thu hút đầu tư các nhóm dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch chung của Khu kinh tế mở Chu Lai theo kết luận của Tỉnh ủy. Cụ thể, nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An; nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; nhóm dự án khí - điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; nhóm dự án nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời định hướng điều chỉnh, bổ sung các nhóm dự án trọng điểm, cụ thể là nhóm các dự án đô thị dịch vụ, du lịch ven biển; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; nhóm dự án công nghiệp dệt may, giày da và công nghiệp hỗ trợ đi kèm gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ và Thăng Bình; nhóm dự án công nghiệp công nghệ cao; nhóm dịch vụ hậu cần cảng, logisticc và khu phi thuế quan gắn với cảng biển Chu Lai... 

Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực thực sự, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án đầu tư trọng điểm. Giải pháp quan trọng là tích cực huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nguồn vốn của các tổ chức kinh tế, DN, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, kết nối giao thông thông suốt, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh vùng đất ven biển, thu hút các dự án đầu tư. Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác với TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận để nâng cao hiệu quả liên kết phát triển du lịch, hợp tác khai thác không gian phát triển chung sân bay Chu Lai, hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối, đào tạo nguồn nhân lực...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Làm gì để tạo đà cho tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO