Từ khi tái lập tỉnh đến nay, trải qua 5 kỳ đại hội, với khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đã vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới, tạo bước chuyển đột phá trong cơ cấu kinh tế, trở thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần so với năm đầu tái lập.
Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh hơn 102,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 trong 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; tốc độ tăng GRDP bình quân 1997 - 2021 đạt 9,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tăng từ 52,3% năm 1997 lên 85,92% năm 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 68 triệu đồng, gấp 31 lần so với năm 1997. Doanh nghiệp phát triển nhanh và thu hút được nhiều dự án đầu tư...
Thành tựu này là nhờ lựa chọn đúng mô hình phát triển, thực hiện các chủ trương của Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và định hướng phát triển chung của cả nước.
Thiết kế hạ tầng phát triển
Trong những năm đầu tái lập tỉnh (1997 - 2000), phải tập trung ổn định hệ thống chính trị, vừa chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, vừa phải hứng chịu thiên tai liên tiếp xảy ra nên Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh tập trung khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, phát huy nội lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giai đoạn này kinh tế nông nghiệp vẫn còn giữ vai trò trọng yếu, vẫn là hướng ưu tiên trong đầu tư phát triển nhằm ổn định kinh tế - xã hội. Ngoài ra, đã tập trung thu hút nguồn lực đầu tư đáng kể để tăng năng lực sản xuất và phát triển công nghiệp, lúc này các ngành công nghiệp, dịch vụ mới bước vào giai đoạn đầu của sự hình thành.
Cơ cấu theo thành phần kinh tế cũng có những thay đổi nhất định, khu vực kinh tế nhà nước và FDI bước đầu có đóng góp một phần trong giá trị GRDP của tỉnh. Tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước từ 21% năm 1996 lên 25% năm 2000; khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 73%, khu vực kinh tế có vốn FDI chiếm gần 2% nền kinh tế của tỉnh.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ này cũng diễn ra khá nhanh theo xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, từ 50% năm 1996 xuống còn 41,5% năm 2000 và tăng tỷ trọng phi nông nghiệp 50% lên 58,5%.
Giai đoạn 10 năm tiếp theo (2001 - 2010), đã có bước chuyển cơ bản, khá rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GRDP tăng từ 58,47% năm 2000 lên 81,82% năm 2010; nông nghiệp giảm từ 41,53% xuống còn 18,18%.
Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch khá, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 75,16%/ năm 2000 xuống còn 59,2% năm 2010; lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 24,84% lên 40,8%.
Đây là thời kỳ tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, GRDP trung bình giai đoạn 2001 - 2010 tăng 11,6%/năm, trong đó thời kỳ 2001 - 2005 tăng 10,4%/ năm, 2006 - 2010 tăng 12,9%/ năm; phát triển công nghiệp và du lịch có bước bứt phá, Quảng Nam trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.
Đến năm 2010, Quảng Nam xếp loại trung bình khá trong cả nước, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp xếp vị thứ 25, du lịch về khách lưu trú thứ 11, kim ngạch xuất khẩu thứ 28, thu ngân sách trên địa bàn gia nhập tốp 20 tỉnh thành có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng.
Tạo đột phá
Giai đoạn 2011 - 2020 tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Giai đoạn này kinh tế phát triển toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng, quy mô, tiềm lực nền kinh tế tiếp tục được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, do năm 2020 bắt đầu xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, tác động tiêu cực như cạnh tranh ngày càng gay gắt, đại dịch Covid-19, thiên tai liên tiếp xảy ra... làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Tăng trưởng kinh tế năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng, âm 5,5%. Đây là lần đầu tiên kinh tế Quảng Nam tăng trưởng âm kể từ khi tái lập tỉnh, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 7,9% (trong đó 2011 - 2015 đạt 10%, 2016 - 2020 đạt 5,8%).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2019 khu vực nông - lâm - thủy sản còn 12,7% GRDP, năm 2020 chiếm 14,45% do các ngành công nghiệp, dịch vụ ảnh hưởng của dịch bệnh; khu vực phi nông nghiệp chiếm 85,55%. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,04%, chưa đạt kế hoạch năm 2021 đề ra (6,5 - 7%). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng rất đáng mừng trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19; là một trong những tỉnh thành có mức tăng trưởng khá của cả nước.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng vẫn luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 3,6% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng có sự đột phá, phục hồi với mức tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%; khu vực thương mại - dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng, chưa hồi phục có mức tăng 0,3% so với cùng kỳ; lĩnh vực thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) có dấu hiệu tăng trưởng do nhiều hoạt động sản xuất tăng trở lại, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.017 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,8%, trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,5%.
Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 30.258 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Nhìn lại chặng đường 25 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 1.1997), gần đây là giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế mới trong bản đồ phát triển chung của khu vực và cả nước.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh 25 năm qua và những thành tựu đã đạt được có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hướng đến mục tiêu đưa Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.