Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp ở Hiệp Đức

TRẦN HỮU 15/08/2014 10:50

Các mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp, hình thành vùng chuyên canh cây trồng quy mô theo hướng thị trường hàng hóa… đã tạo ra diện mạo mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Đức.

Sản xuất giỏi từ hộ nghèo

Con đường dẫn lên trang trại của ông Nguyễn Văn Nghĩa, đồng bào dân tộc M’nông (thôn 1, xã Sông Trà, Hiệp Đức) ngoằn ngoèo, ngun ngút rừng xanh. Trước năm 2010, nhà ông Nghĩa là hộ nghèo tiêu biểu của xã. Quyết tâm thoát nghèo, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng trồng hơn 10ha keo nguyên liệu, nuôi bò lai và 2ha trồng cao su tiểu điền. Ông Nghĩa không bỏ vốn đầu tư cùng một lúc mà thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Mô hình nuôi bò lai sinh lợi hàng năm, ông bán lấy tiền trồng, thuê nhân công chăm sóc keo; rồi thu hoạch keo xong sẽ đầu tư trồng cao su. Ông Nghĩa cho biết, bình quân mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng. Giai đoạn 2011-2013, ông được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (SX-KDG). Còn ông Nguyễn Văn Sáu (thôn 5, xã Bình Sơn, Hiệp Đức) thì thành công nhờ trang trại chăn nuôi. Với hơn 500 con gà đẻ lấy trứng, hàng chục con bò và heo nái sinh sản, mỗi năm ông Sáu thu gần 200 triệu đồng. Trong khi đó, ông Phan Phước Nhường (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) thì làm giàu bằng việc nuôi 30 con bò lai siêu thịt chất lượng cao, trồng 40ha rừng và kinh doanh dịch vụ xe múc, thường xuyên sử dụng hơn 10 lao động vào vụ sản xuất chính. Trừ mọi chi phí, mỗi năm ông Nhường lãi gần 200 triệu đồng…

Mô hình trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh ở Hiệp Đức.                           Ảnh: T.HỮU
Mô hình trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh ở Hiệp Đức. Ảnh: T.HỮU

Hơn 3 năm trước, việc phát động phong trào thi đua nông dân SX-KDG ở Hiệp Đức gặp “chướng ngại vật” lớn là hiện trạng nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ hẹp, chưa kết nối với thị trường lớn. Hạn chế chủ yếu là giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với nông dân chưa thể liên doanh, liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Sự đòi hỏi khắt khe của thị trường khiến nông dân chưa đáp ứng kịp. Tuy nhiên, bằng cơ chế khuyến khích, phát triển tam nông đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhiều tấm gương nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành nông dân SX-KDG cấp huyện. Tại hội nghị tuyên dương phong trào nông dân thi đua SX-KDG huyện Hiệp Đức giai đoạn 2012 - 2014 vừa diễn ra, có gần 70 hộ tiêu biểu xuất sắc đại diện cho các xã khó khăn, trong số đó có không ít đối tượng trước đây là hộ nghèo. Theo Hội Nông dân huyện, mỗi hộ làm giàu có mô hình kinh tế riêng, nhưng có điểm chung khi thoát khỏi hộ nghèo là họ luôn giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn và cho hộ nông dân khác vay vốn không lấy lãi. Phần lớn các mô hình đều vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng hóa cạnh tranh được trên thị trường…

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trong số hàng nghìn hộ nông dân của huyện Hiệp Đức có 214 hộ nông dân SX-KDG cấp huyện, đề nghị công nhận 42 hộ nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh. Toàn huyện có 211 trang trại với gần 3.000ha, 4.200 vườn đã cải tạo.

Đột phá lớn trong kinh tế nông nghiệp Hiệp Đức thời gian qua là chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Thế mạnh của địa phương là phát huy lợi thế chăn nuôi bò lai sinh sản, bò thịt, heo hướng nạc, gà thả vườn. Tỷ lệ bò lai tăng từ gần 63% (năm 2011) lên gần 78% tính đến tháng 6.2014. Từ việc “trắng” nhà đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đến nay trên địa bàn đã có 3 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ ngành sản xuất nông nghiệp. Theo ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức, kinh tế nông nghiệp có bước đột phá là nhờ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng xã và hướng dẫn nông dân về quy trình đầu tư thâm canh, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi.

Dựa vào lợi thế và tiềm năng của từng địa phương, ngành nông nghiệp đã quy hoạch phát triển đặc thù vùng phù hợp. Đến nay, trên địa bàn hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp với gần 20 nghìn héc ta cây nguyên liệu, hơn 4.500ha cây cao su; xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Qua khảo sát, rà soát, địa phương đã sắp xếp lại 211 trang trại với quy mô gần 3.000ha. Trên đồng ruộng, nhiều nơi đã ứng dụng thành công vào sản xuất các chương trình IPM, ICM, SRI, bón phân viên dúi sâu…, do vậy, năng suất lúa năm 2013 đạt bình quân 50 tạ/ha, bắp 44 tạ/ha. “Chủ trương của huyện là tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xem phát triển trang trại lâm nghiệp là kinh tế mũi nhọn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế trên 100 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất; chuyển đổi mạnh diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi bò” - ông Viên khẳng định.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp ở Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO