Việc thay thế diện tích trồng lúa không đủ nước tưới bằng các cây trồng cạn trên địa bàn huyện Nông Sơn đã thu được những kết quả bước đầu. Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian đến, thích ứng với khô hạn.
Ổn định sản xuất
Tháng 11.2015, gia đình ông Hồ Đinh (thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, Nông Sơn) lần đầu tiên triển khai trồng xen canh cây đậu phụng với cây sắn KM 94 trên 3.500m2 đất lúa. Đến đầu tháng 3.2016, ông Đinh thu hoạch được tổng cộng 14 tạ đậu phụng, bán được gần 1 triệu đồng. Tiếp tục chăm sóc sắn, đến tháng 9.2016, ông thu hoạch và bán được hơn 2 triệu đồng. “Trước đây, với diện tích đó, chúng tôi canh tác lúa. Nhưng do mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, chủ yếu lấy công làm lời. Trồng sắn xen canh với đậu phụng cho hiệu quả kinh tế hơn” - ông Đinh nói. Theo ông Đinh, cây đậu phụng rất phù hợp với điều kiện canh tác không có nguồn nước dồi dào. Trồng đậu phụng gia đình tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi bò và heo vì loài cây này rất ưa phân chuồng. “Sau khi thu hoạch đậu phụng, chúng tôi lấy thân cây đó làm phân bón cho sắn, giúp cây sắn phát triển nhanh và hạn chế thoái hóa đất. Giống sắn KM 94 mà chúng tôi được hỗ trợ trồng có nhiều ưu điểm, đặc biệt là thích ứng với nắng hạn kéo dài nên cho hiệu quả khả quan” - ông Đinh nói.
Thu hoạch sắn tại cánh đồng Khe Canh. Ảnh: V.QUANG |
Giống như gia đình ông Đinh, 39 hộ nông dân khác thuộc xã Quế Lộc cũng đầu tư xen canh trồng sắn với đậu phụng hoặc mè trong thời gian từ tháng 11.2015 đến tháng 9.2016 ở cánh đồng Khe Canh của xã. Bà Mai Thị Hân (thôn Lộc Tây 1, xã Quế Lộc) cho biết, gia đình được ngành chức năng hỗ trợ 2.400 gốc sắn KM 94 để trồng trên tổng diện tích là 2.000m2. Cây sắn có sức chống chọi tốt với thời tiết, ít bị bệnh và không cần nhiều nước tưới đã phát triển tốt. Tháng 9.2016, gia đình bà Hân thu được 1 tấn sắn, bán được 1,5 triệu đồng. Trước đó, từ tháng 3.2016, bà Hân đã thu hoạch mè và bán được xấp xỉ 500 nghìn đồng. “Chúng tôi quen canh tác lúa 1 vụ ở cánh đồng Khe Canh từ hàng chục năm nay rồi. Gần đây, thấy thời tiết quá khô hạn, sản xuất chỉ phụ thuộc vào nước trời nên chúng tôi được ngành chức năng hỗ trợ chuyển đổi sản xuất. Trồng xen canh sắn với mè cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây” - bà Hân cho biết.
Theo Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Nông Sơn, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, ngành chức năng đã phối hợp với UBND xã Quế Lộc triển khai mô hình thâm canh trồng sắn KM 94, thay thế độc canh cây lúa phụ thuộc vào nước trời trước đây ở cánh đồng Khe Canh. Quy mô của mô hình là 10,55ha, trong đó tỉnh hỗ trợ giống sắn, thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi 8ha, còn lại là huyện hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp. Các nông hộ đã linh hoạt trồng xen canh với mè, đậu phụng để tăng thêm thu nhập.
Tiếp tục nhân rộng
Ông Trần Văn Lưu, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư Nông Sơn cho rằng, tính trên 1 sào thì trồng sắn theo mô hình đem lại lãi ròng cho nông hộ là gần 700 nghìn đồng, tính thêm xen canh với mè hay đậu phụng sẽ tăng lên gần 1 triệu đồng. So sánh với trồng lúa chỉ dựa vào nước trời, mô hình đem lại thu nhập cho nông hộ cao hơn 6 lần. “Dĩ nhiên, giá trị kinh tế đem lại là chưa cao lắm khi so sánh lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích với các mô hình trồng hoa hay nuôi thủy sản thành công. Nhưng, các diện tích nói trên nếu không trồng thâm canh sắn hay xen canh với mè, đậu phụng thì cũng bỏ hoang do thiên nhiên khắc nghiệt. Đây là hướng đi quan trọng của địa phương, tránh hoang hóa đồng ruộng trong bối cảnh khô hạn, biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt” - ông Lưu nói.
Theo ngành khuyến ngư huyện Nông Sơn, ngoài lợi ích về kinh tế, mô hình cũng đã góp phần thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp của người dân địa phương. Theo đó, nông dân sẽ thay đổi tâm lý sản xuất được chăng hay chớ bằng lao động nền nếp, sản xuất hàng hóa cung ứng ra thị trường. “Khi triển khai mô hình, chúng tôi đã kêu gọi sự đồng hành và nhận được hưởng ứng của Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam khi đơn vị hỗ trợ phân vi sinh và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đầu ra sản phẩm ổn định là cơ sở để chúng tôi tiếp tục tập huấn, giúp người dân tiếp cận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trong thời gian đến. Cùng với đó sẽ tập trung ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất” - ông Lưu cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đình Sử - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn, trên địa bàn huyện vẫn còn 470ha đất sản xuất nông nghiệp không chủ động được nước tưới. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình trồng sắn xen canh với mè, đậu phụng, huyện sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không thể chỉ sản xuất độc canh lúa. Các đối tượng sắn, đậu phụng, mè, bắp… sẽ được đầu tư sản xuất rộng hơn ở các cánh đồng khô hạn trên địa bàn. Hiện Nông Sơn có 6 hợp tác xã và 14 tổ hợp tác chuyên thực hiện các dịch vụ, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đây sẽ là cầu nối, thực hiện vai trò “bà đỡ” để người dân thực hiện tốt định hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong thời gian đến.
VIỆT QUANG