Chuyển đổi cây trồng ở Tam Lộc

PHAN VINH - HẢI CHÂU 08/07/2016 08:47

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh), đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiểu quả kinh tế cho người dân.

Giải pháp cho khô hạn

Tổng diện tích đất trồng trọt của xã Tam Lộc hằng năm luôn trên 980ha, trong đó có 856ha trồng lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất lúa bình quân chỉ đạt khoảng 50tạ/ha, do khô hạn. Trước năm 2012, toàn xã Tam Lộc có đến 170ha đất nông nghiệp không thể sản xuất được trong vụ hè thu do thiếu nước. Trước hình hình đó, Sở NN&PTNT cùng chính quyền huyện Phú Ninh nhiều lần khảo sát địa hình ở xã Tam Lộc để xây dựng công trình bơm chống hạn. Dù vậy, các khu vực này đều có mạch nước ngầm khá sâu, nếu xây công trình phải tốn nguồn kinh phí lớn (hơn 3 tỷ đồng) nên đến nay vẫn chưa thể triển khai. Ông Phan Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết: “Giải quyết vấn đề nước tưới cho 170ha vào mỗi vụ hè thu đã nằm ngoài khả năng của địa phương. Năm 2012, chúng tôi đã quyết định chuyển đổi cây trồng ở những vùng không chủ động được nguồn nước tưới vào vụ hè thu”.

Ruộng bắp CP333 tươi tốt tại thôn Đại Đồng. Ảnh: P.V
Ruộng bắp CP333 tươi tốt tại thôn Đại Đồng. Ảnh: P.V

Tại cánh đồng Nà Trai, thuộc thôn Đại Đồng, 1,5ha diện tích đất lúa bỏ hoang vụ hè thu được chuyển sang trồng giống môn cari. Sau 6 tháng, người dân thu hoạch cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa. Trong khi đó, lượng nước mà giống môn này hấp thu lại thấp hơn cây lúa đến 3 lần. Vụ hè thu năm 2013, 3ha đất lúa tại cánh đồng Eo Gió, thuộc thôn Eo Gió được chuyển đổi sang trồng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên. Giống đậu này ngoài khả năng chịu hạn tốt còn ít dịch bệnh, thời gian thu hoạch ngắn. Sau 3 tháng gieo trồng và thu hoạch, người dân thu nhập được 1,8 triệu đồng/500m2, cao hơn cây lúa 550 nghìn đồng trên cùng đơn vị diện tích. Tiếp theo đó, vào năm 2013, được sự khuyến khích và hỗ trợ về nguồn giống của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Phú Ninh,  xã Tam Lộc đã mạnh dạn mở rộng thêm 3ha diện tích trồng đậu phụng ở cánh đồng Thọ Đức, thuộc thôn Eo Gió. Ngoài cây môn và đậu phụng, xã Tam Lộc còn chuyển đổi được 8ha diện tích đất lúa không chủ động được nguồn nước tưới vụ hè thu sang trồng cây bắp. Với năng suất 52 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 120 nghìn đồng so với cây lúa và lượng nước tưới cũng thấp hơn 4 lần.

Hiệu quả cao

Đến nay, toàn xã Tam Lộc đã chuyển đổi gần 30ha diện tích đất lúa không chủ động được nguồn nước tưới vụ hè thu sang canh tác những loại cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thêm 5,6%. Nếu như những vụ hè thu trước, hơn 11 sào lúa của ông Lê Minh Lâm (40 tuổi, ở tại thôn Eo Gió, xã Tam Lộc) không thể canh tác được vì thiếu nước tưới thì đến nay, ông đã trồng 7 sào đậu phụng và 4 sào bắp. “Mấy năm trước, đất thì nhiều nhưng chỉ trồng lúa được một vụ đông xuân, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Phần lớn thời gian tôi đều đi làm ở ngoài, ai kêu gì thì làm nấy. Nay chuyển qua trồng đậu phụng và bắp tôi thấy hiệu quả hơn hẳn, lo cho con cái ăn học tới nơi tới chốn” - ông Lâm chia sẻ. Không riêng gì ông Lâm, nhiều hộ nông dân ở xã Tam Lộc sau khi chuyển đổi cây lúa sang cây trồng cạn vào vụ hè thu đã có đời sống ổn định.

Theo thông tin từ Ban Nông nghiệp xã Tam Lộc, qua nhiều năm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó tình trạng khô hạn, đến nay, xã đã chọn được nhiều giống cho năng suất cao, phù hợp với địa hình và khí hậu của địa phương. Giống đậu được áp dụng gieo trồng rộng rãi là L23, bắp là giống CP333 và VF36. Tuy đã tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng hiện tại, vẫn còn gần 140ha tại các cánh đồng như Đại Đồng, Cẩm Long, Eo Gió, Tây Lộc, Ma Phan, Quý Lộc... vẫn không thể sản xuất vào vụ hè thu do thiếu nước. Ông Lê Mộng Anh Toàn - Phó Trưởng ban Nông nghiệp xã Tam Lộc cho biết: “Những diện tích đất được chuyển đổi đều do chúng tôi dùng máy bơm để cung cấp nước tưới tiêu. Tuy nhiên, mỗi máy bơm chỉ có bán kính phục vụ nước tưới khoảng 300m tính từ nguồn nước hồ, vì vậy những vùng ở địa hình cao, xa thì việc cung cấp nước tưới trở nên bị động”. “Địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp về việc xin hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng công trình bơm chống hạn tập trung ở các diện tích khả thi. Nhưng vì nguồn kinh phí cho mỗi công trình quá lớn nên các đơn vị cần thêm thời gian để khảo sát, tính toán hợp lý hơn. Công trình bơm chống hạn thực sự là mong mỏi của chính quyền cũng như hàng trăm hộ dân tại xã Tam Lộc hiện nay” - ông Lê Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết.

PHAN VINH - HẢI CHÂU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi cây trồng ở Tam Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO