Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, thời gian qua ngành nông nghiệp Quế Sơn đã hỗ trợ nông dân chuyển nhiều đất lúa sang thâm canh đậu phụng mang lại hiệu quả khá cao…
Ông Nguyễn Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho biết, nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, vụ đông xuân vừa qua, địa phương cùng các đơn vị liên quan tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không chủ động nước tưới tại một số nơi. Sau khi khảo sát thực tế, lựa chọn những vùng phù hợp với điều kiện sản xuất, các cơ quan có trách nhiệm của xã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn 207 hộ dân trên địa bàn 4 thôn gồm Trung Vĩnh, Dưỡng Mông Đông, Thạnh Hòa, Dưỡng Xuân triển khai chuyển 9,5ha đất lúa sang trồng giống đậu phụng. Ông Ngọc nói: “Bên cạnh việc chú trọng chuyển giao quy trình thâm canh và phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, xã Quế Xuân 1 cũng có cơ chế hỗ trợ một số khâu trọng yếu nhằm giúp nhà nông có điều kiện đầu tư thực hiện mô hình. Theo đó, chính quyền địa phương hỗ trợ 100% lượng hạt giống cho người dân với định mức 10kg đậu phụng giống vỏ/sào. Đồng thời hỗ trợ 30% tiền mua các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật”.
Theo tìm hiểu, 9,5ha đất lúa thực hiện mô hình chuyển đổi tại 4 thôn được trồng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên. Nhiều nông dân tham gia mô hình cho biết, trong vụ thời tiết diễn biến khá bất lợi, các loại dịch hại nguy hiểm như nấm mốc, bệnh chết ẻo… bùng phát mạnh trên diện rộng. Tuy nhiên, nhờ đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện và lực lượng khuyến nông viên cơ sở tích cực bám sát đồng ruộng, tận tình hướng dẫn nhà nông thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng trừ hữu hiệu nên các ruộng đậu phụng của mô hình không bị sâu bệnh gây hại nặng như những ruộng đậu sản xuất đại trà. Nhờ vậy, năng suất đậu phụng bình quân của các mô hình chuyển đổi đạt 125kg khô/sào, bán với giá 27 nghìn đồng/kg, giá trị thu về đạt gần 3,4 triệu đồng/sào. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả công làm đất bằng máy xới và một số khoản khác chỉ tốn chừng 920 nghìn đồng/sào. Như vậy, bình quân mỗi sào đậu phụng trồng trên đất lúa lãi 2,5 triệu đồng, tăng hơn 1,2 triệu đồng so với sản xuất lúa thương phẩm.
Ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện cùng 14 xã, thị trấn triển khai xây dựng bài bản các phương án và tích cực hỗ trợ nông dân hình thành nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả. Theo ông Sửu, riêng vụ đông xuân 2017 - 2018, các đơn vị liên quan đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân 5 xã gồm Phú Thọ, Quế Phong, Quế Long, Quế Xuân 1, Hương An chuyển gần 35ha đất lúa bấp bênh nước tưới sang thâm canh đậu phụng đạt năng suất 22 - 25 tạ/ha, quy ra giá trị đạt 60 - 68 triệu đồng/ha, tăng 26 - 33 triệu đồng/ha so với gieo sạ lúa. “Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện và các xã tập trung khảo sát, thực hiện tốt khâu quy hoạch, chuyển giao quy trình kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu trọng yếu để nông dân mạnh dạn nhân rộng mô hình thâm canh đậu phụng trên đất lúa nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đây được xem là hướng mở trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp” - ông Sửu nói.
VĂN SỰ