Tại huyện Bắc Trà My, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi theo hướng tận dụng ưu thế bản địa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Nuôi cá lồng bè trên thủy điện Sông Tranh cho thu nhập cao. Ảnh: H.Y |
Để giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, từ năm 2010, huyện Bắc Trà My đã vận động người dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai mô hình trồng chuối mốc. Từ đó đến nay, cây chuối đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, tạo nên sự thay đổi lớn cho nhiều vùng nông thôn. Hiện toàn huyện có khoảng hơn 1.000ha chuối. Xã trồng nhiều nhất là Trà Tân, Trà Dương, Trà Giang, đặc biệt là Trà Bui, đây là xã tái định cư, chính nhờ cây chuối mà người dân dần thoát cảnh đói nghèo. Đứng trước vườn chuối mốc đang cho thu hoạch, ông Hồ Văn Năm (xã Trà Dương) phấn khởi chia sẻ: “Mấy năm nay, nhờ chính sách của huyện cho chuyển đổi đất vườn, hỗ trợ bà con giống chuối mốc để trồng tăng thu nhập mà kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Ngoài diện tích trồng keo 5 năm mới cho thu hoạch, cây chuối trở thành cây ngắn ngày giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Với diện tích 3 sào, mỗi ngày gia đình thu nhập khoảng 150 nghìn đồng từ việc bán chuối”. Hiện tại đầu ra cho chuối khá ổn định, thị trường chủ yếu là Đà Nẵng, Huế và một phần nguyên liệu chuối sấy khô xuất khẩu.
Từ nguồn vốn của nhiều chương trình như 135, chương trình giảm nghèo…, thời gian qua huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ 650.000 cây keo tai tượng cho người dân, phục vụ cho kế hoạch trồng rừng 2014 dự án WB3 là 330ha, hỗ trợ hơn 40 tấn lúa giống phục vụ cho vụ đông xuân 2014 – 2015. Ngoài ra, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo 40 con bò giống theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ 14 nghìn cây giống chuối mốc, 11 nghìn cây cam giống, 18.500 cây quế, 2.000 con cá giống và hơn 200kg giống rau màu cho các xã Trà Dương, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Ka, Trà Bui… |
Tại xã Trà Tân, Trà Dương, huyện Bắc Trà My có chủ trương cho nông dân chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ và tận dụng cỏ tự nhiên để chăn nuôi bò theo hướng thâm canh, khép kín, không chăn dắt như truyền thống, nhờ thế đàn bò tăng lên đáng kể. Đến nay, tổng đàn bò trên toàn huyện đạt 6.592 con. Chuyển đổi mạnh về cây trồng phải nói đến cây keo lá tràm và cây cao su. Triển khai từ năm 2005, đến nay diện tích trồng keo nguyên liệu giấy trên địa bàn huyện có hơn 9.000ha, bình quân mỗi năm trồng 1.000ha. Trong đó, diện tích theo quy hoạch là 6.000ha, người dân thấy hiệu quả kinh tế cao đã trồng thêm 3.000ha từ diện tích đất rẫy sản xuất kém hiệu quả. Lượng gỗ keo khai thác bán ra hằng năm khá cao, tính từ năm 2010 đến nay, mỗi năm đạt trên 70.000m3 (bình quân 1m3 bán được 1 triệu đồng). Nhiều hộ dân khá, giàu lên từ trồng keo. Mặc dù giá cao su đang xuống thấp nhưng theo chủ trương của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển cây cao su. Song song với việc phát triển cao su đại điền (1.600ha), huyện cũng hỗ trợ người dân trồng cao su tiểu điền, diện tích ước đạt 150ha. Đây là mô hình kinh tế mang tính lâu dài cho sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Ngoài trồng chuối, chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng, huyện Bắc Trà My đã và đang có chính sách khuyến khích cán bộ, đồng bào miền núi đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo quy mô gia đình nhằm cải thiện đời sống và tạo sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe con người. Nhờ thế nguồn rau tăng lên đáng kể, rau bản địa như dớn, lủi phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định. Tại trung tâm huyện, phần lớn người dân chủ động được nguồn rau ăn và có để bán. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Những năm qua nhờ có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý mà bộ mặt kinh tế nông nghiệp của địa phương có những chuyển biến rất tích cực. Từ phương thức canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, góp phần ổn định việc định canh, định cư”. Hiện nay Bắc Trà My có tổng diện tích phát triển kinh tế vườn rừng rất lớn, cơ cấu cây trồng chủ yếu là cây keo, cao su, chuối và một số loại rau màu. Nhận thức của người dân ở đây bắt đầu được nâng cao. Theo kế hoạch, từ nay đến 2015, Bắc Trà My tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Kinh tế vườn, rừng được xác định rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông hộ nên huyện đã vận động và khuyến khích người dân tiếp tục phát triển, tiến hành trồng khảo nghiệm một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện Bắc Trà My cũng phấn đấu nâng cao giá trị mỗi héc ta vườn từ 20 lên 25 triệu đồng/năm; kinh tế rừng 40 - 45 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 6 - 7%...
HOÀNG YÊN