Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Đại Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả, không chủ động nguồn nước tưới sang canh tác rau màu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích.
Mô hình trồng giống đậu phụng LDH.01 trên đất lúa chuyển đổi do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc phối hợp với UBND xã Đại Cường triển khai được xem là hướng đi mới ở một địa phương có thế mạnh nông nghiệp với đối tượng chính là cây lúa. Theo đó, 40 hộ dân tham gia trồng đậu phụng trên tổng diện tích 4ha đất lúa chuyển đổi tại thôn Quảng Đại 2 bước đầu cho năng suất, sản lượng cao. Mô hình áp dụng trên giống đậu phộng LDH.01, vốn là giống mới, bên cạnh cho năng suất, chất lượng cao còn có tác dụng cải tạo đất, tạo độ tơi xốp và tăng lượng đạm trong đất sau canh tác. Giống đậu phụng LDH.01 do Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ chọn lọc, cây có thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày ở vụ đông xuân và 90 - 95 ngày ở vụ hè thu. Giống có khả năng chống chịu tốt trước điều kiện khô hạn, khả năng chống chịu của bệnh gỉ sắt, đốm nâu, héo xanh cao hơn giống đậu phụng sẻ địa phương lâu nay bà con vẫn thường canh tác. Qua khảo nghiệm, tỷ lệ hạt gieo nảy mầm và tỷ lệ đậu sai quả cũng cao hơn so với giống đậu phụng sẻ đối chứng.
Vụ đông xuân 2014 - 2015, các hộ dân thôn Quảng Đại 2 khi tham gia mô hình đã nhận được hỗ trợ 100% chi phí giống, 30% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các hộ dân còn được cán bộ khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao gồm kỹ thuật trồng, chăm sóc đậu phụng trên đất lúa chuyển đổi; cách phát hiện và diệt trừ sâu bệnh trên cây đậu phụng; phòng và trừ bệnh chết ẻo… Qua thực nghiệm, 100% diện tích đất trồng đậu phụng của các hộ trên đều phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 120kg/500m2, tương đương 2,4 tấn/ha. Với giá bán đậu phụng thương phẩm trên địa bàn dao động 20 - 25 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu vào, người dân sẽ thu lãi 25 - 30 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với với trồng lúa trên cùng chân đất cũng như năng suất và giá trị đậu thương phẩm cao hơn so với giống đậu phụng sẻ đối chứng.
Đào ao nuôi cá nước ngọt trên đất lúa kém hiệu quả. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Chia sẻ về mô hình, ông Lê Phước Cư (thôn Quảng Đại 2), một hộ dân trồng đậu phụng trên 5 sào đất lúa chuyển đổi cho biết, so với cây lúa thì trồng đậu phụng cao hơn nhiều, người dân có thể tận dụng được nguồn công lao động bởi so với làm lúa thì chi phí nhân công sản xuất đậu phụng thấp hơn. Mỗi năm, sau vụ đậu phụng đông xuân, bà con trong vùng có thể trồng cây màu, cây bắp vụ xuân hè và hè thu. Ông Lương Đức Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Cường thông tin thêm, qua khảo nghiệm, giống đậu phụng LDH.01 được trồng trên đất lúa chuyển đổi có hạt to, nặng hơn so với giống đậu phụng sẻ bản địa. Điểm ưu việt của giống này là sau thu hoạch có thể lựa chọn làm giống trồng cho vụ sau, điều này sẽ giúp giảm chi phí và tăng sự chủ động về giống cho nông dân. Có thể nói, mô hình là một hướng đi mới cho ngành sản xuất nông nghiệp Đại Cường, góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành nông nghiệp địa phương…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc thông tin, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu áp dụng đối với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả là hướng đi được ngành nông nghiệp huyện hướng tới. Theo kế hoạch, Đại Lộc sẽ tiến hành chuyển đổi khoảng 100ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang sản xuất hoa màu các loại và tại mỗi địa phương, sẽ bố trí đối tượng cây trồng hợp lý. Ngoài mô hình trên, trước mắt, huyện đã quy hoạch và đưa vào chuyển đổi 7ha thuộc khu vực đồng thấp, xã Đại Cường sang trồng hoa màu như bắp, đậu xanh, đậu phụng; chuyển đổi 15ha trồng lúa khu Tây An (thị trấn Ái Nghĩa), khu vực thường xuyên thiếu nước tưới trầm trọng vụ hè thu sang trồng hoa màu như bắp hoặc đậu xanh vụ xuân hè và hè thu, riêng vụ đông xuân vẫn giữ nguyên trồng lúa. Cánh đồng lúa thôn 9 (Đại Lãnh) hơn 3ha đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng hoa màu hoàn toàn. Trên cánh đồng này, vụ đông xuân bà con có thể trồng thuốc lá, vụ xuân hè có thể trồng đậu xanh và hè thu có thể trồng bắp ngắn ngày vụ 3, nhằm tận dụng, không để đất ngơi nghỉ. Ở Đại Tân, trên một số diện tích sản xuất lúa một vụ tận dụng nước trời kém hiệu quả, địa phương cũng đã vận động bà con cải tạo để trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò hay đào ao thả cá nhằm cải thiện thu nhập, tránh tình trạng bỏ đất hoang hóa.
Cũng theo ông Mẫn, những năm qua, Đại Đồng cũng là địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất mạnh, toàn xã hiện đã chuyển đổi hơn 20ha trồng lúa, đất vườn kém hiệu quả sang chuyên canh cây sả, vốn là cây trồng chịu hạn… Nhìn chung, xu hướng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả đều mang lại năng suất và nguồn thu cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống. Đó là một thực tế tại nhiều địa phương ở Đại Lộc.
T.NHAN - N.DUY