Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phú Ninh

H.LIÊN - M. PHƯỜNG 06/06/2017 08:18

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã giúp huyện Phú Ninh có ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định.

Theo ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN & PTNT huyện, Phú Ninh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tập trung mạnh ở vùng đất lúa và đất gò đồi. Vùng trồng lúa kém hiệu quả được định hướng chuyển qua trồng dưa, trồng rau màu; đối với vùng gò đồi, chuyển từ trồng cây keo sang cây tiêu, cây nghệ theo hướng bao tiêu sản phẩm với mức hỗ trợ mỗi héc ta trồng cây dược liệu là 25 triệu đồng. Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả được hỗ trợ 50% chi phí giống cây ăn quả. Mô hình trồng cây nghệ đỏ cũng được triển khai tại một số nơi theo hướng liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân. Toàn huyện có gần 3.500ha đất lúa, trong đó đã chuyển đổi sang trồng cây trồng cạn như cây dưa, cây rau màu các loại gần 100ha và dự kiến sẽ chuyển đổi thêm 300ha lúa kém hiệu quả và thiếu nước tưới sang trồng cây trồng cạn. Trong đó, diện tích trồng dưa hấu hơn 400ha, bắp 177ha, cây lang 243ha, đậu phụng 587ha, rau các loại 267ha, đậu các loại 146 ha. Phú Ninh cũng đã quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu trên tổng diện tích 12 héc ta, phân bố tại nhiều địa phương như: Tam Đại, Tam Lộc, Tam Dân, Tam Vinh, Tam Thành…

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa, cây màu trên cánh đồng xã Tam Phước, Phú Ninh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa, cây màu trên cánh đồng xã Tam Phước, Phú Ninh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chủ trương của huyện là từ nay đến năm 2020 tập trung chuyển đổi thêm 300ha lúa và một số cây hoa màu khác sang những cây trồng hiệu quả, giá trị cao. Một số diện tích cây trồng kém hiệu quả, có năng suất thấp như cây keo cũng được chuyển sang trồng cây dược liệu, cây hồ tiêu kết hợp chăn nuôi công nghệ cao cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Vùng sản xuất tập trung dưa hấu Kỳ Lý, tiêu Phú Thịnh, rau an toàn Tam An được duy trì và phát triển, hướng tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường. Trên đất Phú Ninh, vùng sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã hình thành trên cánh đồng Phú Điền - Phú Xuân, xã Tam Phước với diện tích 30ha trồng lúa giống, dưa hấu cho năng suất và hiệu quả cao. Hầu hết nông dân canh tác trên cánh đồng này được Sở NN&PTNT hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón trong vòng 3 năm, được hỗ trợ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất trong vòng 4 năm. Vùng sản xuất lúa giống hàng hóa được quy hoạch tại các xã Tam An, Tam Phước, Tam Thành, Tam Đàn, Tam Lộc với diện tích 400 - 500ha, sử dụng giống chất lượng cao, sản xuất gạo an toàn trên cơ sở áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất. Vùng sản xuất lúa lai của huyện tiếp tục được duy trì trên tổng diện tích 1.500ha trên cơ sở liên kết với 4 - 5 năm công ty.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư, cải thiện, từng bước đáp ứng mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 19 công trình thủy lợi hóa đất màu (kéo dài kênh dẫn, xây dựng hệ thống điện hạ thế, đào giếng, xây máng dẫn), phục vụ tưới cho 294ha đất sản xuất màu, xây dựng 28 công trình thủy lợi nhỏ, phục vụ tưới ổn định cho 755ha đất sản xuất trên địa bàn, lúa 689ha, màu 66ha... Tuy nhiên, theo ông Anh, bên cạnh thành quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn cũng đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khâu thủy lợi hóa đất màu. Vị trí kéo điện, nước tưới không thuận lợi với vùng chuyên canh, nhất là khó khăn trong cấp nước tưới từ hồ Phú Ninh nên chỉ mới đạt 30%. Việc liên kết, liên doanh với các công ty còn gặp khó, sản phẩm đầu ra chưa thuận lợi. Khâu tích tụ ruộng đất còn gặp khó…

Để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, các xã Tam Phước, Tam An… phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi thời vụ, lựa chọn cây trồng thế mạnh để đầu tư sản xuất như chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, đậu phụng, rau diếp cá… thu nhập cao hơn hẳn trồng lúa. Ông Nguyễn Điểu - Trưởng thôn An Điền cho biết, toàn thôn có 38 hộ trồng rau diếp cá trên 6ha. Hiện rau diếp cá là một trong những loại rau mang lại thu nhập cao nhất so với các loại cây trồng khác. Nhiều hộ dân “phất” lên nhờ chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây diếp cá. Điển hình là hộ anh Nguyễn Văn Viết trồng đến 8 sào rau trong đó có 5 sào rau diếp cá, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang.

H.LIÊN - M. PHƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phú Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO