Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu: Linh hoạt nhiều giải pháp

NGUYỄN SỰ 04/08/2017 09:06

Tại cuộc hội thảo chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu do Sở NN&PTNT tổ chức vào hôm qua 3.8, các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều giải pháp rất đáng chú ý.

Mô hình trồng đậu phụng trên chân đất lúa chuyển đổi ở xã Bình Đào (Thăng Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình trồng đậu phụng trên chân đất lúa chuyển đổi ở xã Bình Đào (Thăng Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: VĂN SỰ

ÔNG Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hằng năm nông dân trên địa bàn tỉnh gieo trồng 87.300ha lúa, 13.400ha bắp, 12.600ha sắn, 10.000ha đậu phụng và hơn 18.000ha rau đậu các loại. Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8 dương lịch, còn mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết không tuân theo quy luật của nhiều năm trước. Các yếu tố thời tiết cực đoan như mưa trái vụ, lũ lụt, rét lạnh, hạn hán, nhiễm mặn… có tần suất cao hơn mức trung bình nhiều năm, vì vậy tác động rất xấu đến sản xuất nông nghiệp, cụ thể là lĩnh vực trồng trọt.

Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, sau các trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 2007 và 2009, từ năm 2010 tới nay hạn hán cũng ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực trồng trọt của tỉnh, cả vụ đông xuân lẫn vụ hè thu. Trong năm 2010 xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, vùng hạ lưu các con sông như Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Bàn Thạch… bị mặn xâm nhập sâu gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới và nhiễm mặn trầm trọng khiến 13.643ha đất lúa ở nhiều nơi của tỉnh hoặc không sản xuất được hoặc đã gieo sạ nhưng bị chết héo, trong đó vụ đông xuân 5.066ha, vụ hè thu 8.577ha. Ngoài ra, năm 2010 hạn hán cũng đã khiến gần 5.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu ở các huyện thuộc khu vực trung du - miền núi. Ông Nghi nói: “Từ năm 2011 - 2016 nắng hạn cũng tác động rất xấu đến quá trình canh tác lúa và các loại cây trồng cạn chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, năm ngoái Quảng Nam có hơn 31.000ha đất sản xuất lúa, hoa màu bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng khô hạn và nhiễm mặn hoành hành trên diện rộng. Chính vì vậy, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách hiện nay”.
Chuyển đổi cây trồng

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội thảo, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, do nguồn nước tưới quá khó khăn, việc canh tác mang lại hiệu quả kinh tế thấp nên từ năm 2015 đến nay nhờ sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên đã hướng dẫn hàng chục hộ dân ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn) chuyển hẳn 5ha đất lúa sang sản xuất 2 loại cây trồng cạn là đậu phụng và bắp lai. Theo đó, vụ đông xuân nông dân trồng giống đậu phụng LDH01, còn vụ hè thu gieo tỉa giống bắp lai CP333 trên số diện tích đất lúa vừa nêu. Ông Xuân nói: “Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở thôn Chiêm Sơn của xã Duy Sơn cho giá trị kinh tế khá cao. Bình quân hằng năm 1ha đất trồng đậu phụng và bắp lai cho tổng giá trị hơn 74 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nhà nông còn lại lãi ròng 37,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 28,3 triệu đồng/ha/năm so với trước đây sản xuất lúa”.

Trước những tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu, thời gian qua Sở NN&PTNT đã tiến hành điều tra, đánh giá và hướng dẫn, khuyến cáo nhà nông thực hiện các mô hình chuyển đổi, hệ thống canh tác phù hợp với từng chân đất. Ông Võ Văn Nghi cho hay, từ năm 2010 đến nay ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã hỗ trợ nông dân chuyển hơn 5.500ha đất lúa bấp bênh nước tưới hoặc chủ động nước tưới nhưng cho giá trị kinh tế thấp sang chuyên canh, xen canh, gối vụ nhiều loại cây trồng cạn chủ lực như đậu phụng, bắp, dưa hấu, mè và các loại rau thực phẩm gắn với việc áp dụng hiệu quả phương pháp tưới nước tiết kiệm. Số diện tích đất lúa chuyển đổi đó chủ yếu nằm ở 7 huyện, thị xã gồm Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn. “Qua khảo sát, đánh giá tại nhiều nơi, việc chuyển đất lúa sang sản xuất các loại hoa màu đã giúp thu nhập của người dân tăng 2 - 3 lần trên cùng đơn vị diện tích. Khi gieo trồng cây đậu phụng, bắp trên nền đất lúa chuyển đổi còn tiết kiệm được một lượng nước tưới đáng kể. Cụ thể là giảm được 4 - 5 lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho 2 loại cây trồng cạn này cũng giảm 60 - 70% so với lúa” - ông Nghi chia sẻ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Cần xác lập cụ thể biểu đồ tác động của biến đổi khí hậu
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, những năm qua Quảng Nam chuyển 5.500ha đất lúa canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn là một con số còn rất khiêm tốn. Thời gian tới các ngành, các cấp phải tập trung mọi nỗ lực để thực hiện quyết liệt công tác này. Tuy nhiên, để mang lại thành công lớn thì cần xác lập cụ thể biểu đồ tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương, từng vùng. Từ đó mới hoạch định rõ chiến lược, phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách phù hợp, hiệu quả. “Các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện quy trình thâm canh đồng bộ các loại cây trồng chuyển đổi trên chân đất lúa. Đồng thời khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng quy hoạch chuyển đổi” - ông Thanh nói.

Ông Lê Muộn cho biết, hiện nay mỗi vụ nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ khoảng 42.000 - 43.500ha lúa. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, rõ nhất là sự tác động xấu của khô hạn và mưa lũ đối với việc canh tác lúa, Quảng Nam dự kiến đến năm 2020 sẽ kéo giảm diện tích gieo trồng lúa xuống còn 36.000ha trong vụ đông xuân và 35.000ha trong vụ hè thu. Số diện tích đất lúa còn lại sẽ chuyển đổi mạnh sang cây trồng cạn. Trong đó, bắp, đậu phụng, đậu xanh được xác định là 3 loại cây chủ lực. Tuy nhiên, ông Muộn nói, các mô hình chuyển đổi phải tập trung thực hiện những mục tiêu cơ bản của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho từng địa phương gồm vùng chuyển đổi, quy mô thực hiện, các loại cây trồng phù hợp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, việc quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn liền với quy hoạch phát triển thủy lợi và đề án tập trung, tích tụ ruộng đất. Ông Hương nói: “Thời gian tới, tỉnh cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh có giá trị hàng hóa cao. Đồng thời tập trung tích tụ ruộng đất, canh tác theo vùng để có thể ứng dụng rộng rãi các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng một cách đồng bộ, hướng đến liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Còn ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thì nhìn nhận, mặc dù công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng thực tế những năm qua cho thấy đầu ra của nhiều loại nông sản như dưa hấu, ớt, bắp, đậu phụng, bí đao, đậu xanh… hết sức bấp bênh. Ông Mẫn nói: “Bên cạnh việc chú trọng mở rộng diện tích chuyển đổi thì vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa “4 nhà”, có như vậy mới hy vọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực”.

Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, trong đó việc thi công hệ thống điện thủy lợi hóa là khâu hết sức trọng yếu. Đặc biệt, các đơn vị liên quan của tỉnh phải tích cực phối hợp với các viện, trường có uy tín nghiên cứu, ứng dụng nhanh những giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi đã thành công để nông dân tham khảo, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Cạnh đó, ưu tiên đầu tư các dự án khuyến nông nhằm khuyến khích thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa. Một khâu quan trọng nữa là cần phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản bằng các cơ chế, chính sách phù hợp.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu: Linh hoạt nhiều giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO