Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè thu: "Chuyển" như thế nào?

VĂN SỰ 16/05/2013 08:04

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu 2013 là yêu cầu bức thiết, do nguy cơ khô hạn trên diện rộng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt và khả thi.

Nếu nắng hạn khốc liệt thì các ao nước nhỉ tại vùng cát Thăng Bình sẽ cạn kiệt.  Ảnh: VĂN SỰ
Nếu nắng hạn khốc liệt thì các ao nước nhỉ tại vùng cát Thăng Bình sẽ cạn kiệt. Ảnh: VĂN SỰ

Yêu cầu bức thiết

Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, theo kế hoạch, vụ hè thu 2013 nông dân trên địa bàn huyện triển khai gieo sạ 3.220ha lúa, giảm 630ha so với đông xuân vừa qua. Trước nguy cơ khô hạn sẽ xảy ra khốc liệt nên vụ này các địa phương đã chủ động cắt giảm 630ha đất canh tác lúa tại những vùng quá bấp bênh nước tưới để chuyển sang sản xuất một số loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phụng, sắn. Số diện tích dự kiến chuyển đổi chủ yếu nằm ở các khu vực cuối kênh hoặc không có công trình thủy lợi thuộc xã Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Minh, Quế Phong, Quế Hiệp, Quế An, thị trấn Đông Phú... Ông Chín nói: “Hàng loạt ao hồ cạn kiệt, dòng chảy các sông tụt giảm mạnh, trong thời điểm hết sức khó khăn về nguồn nước tưới như hiện nay thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa thường xuyên bị khô hạn nghiêm trọng là yêu cầu mang tính bắt buộc nhằm giúp nhà nông giảm thiểu thiệt hại”.

Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, do thời gian qua nắng nóng kéo dài trên diện rộng nên hiện nay hồ chứa Vĩnh Trinh đang thiếu khoảng 4 triệu mét khối nước, gây nguy cơ khô hạn cho 300 - 400ha đất lúa trên địa bàn xã Duy Châu, Duy Hòa, Duy Trinh. Trong số diện tích này thì báo động nhất là 23ha ở thôn Bàn Thạch của xã Duy Hòa. Đây là khu vực thuộc vùng cuối kênh, thường bị thiếu hụt trầm trọng nước tưới vào thời điểm từ giữa đến cuối vụ hè thu. Hiện nay ngành nông nghiệp huyện và chính quyền xã Duy Hòa đang nỗ lực giúp nông dân thôn Bàn Thạch chuyển toàn bộ 23ha đất lúa sang trồng những giống bắp lai có khả năng thích ứng với điều kiện sản xuất ở địa phương.

Cần chủ động quy hoạch vùng sản xuất

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh xung quanh công tác chuẩn bị phòng chống hạn vụ hè thu 2013, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng trước nguy cơ nắng hạn xảy ra khốc liệt, việc Quảng Nam chủ động xây dựng phương án chuyển đổi gần 6.000ha đất sản xuất lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn là chủ trương hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, chuyển đổi như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực là điều cực kỳ quan trọng. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các địa phương cần chủ động quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng phù hợp, nếu diện tích nào nằm ngoài khả năng chuyển đổi thì không canh tác nhằm tránh gây thiệt hại cho nông dân.

Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nếu thời gian tới nắng nóng tiếp tục kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào các sông với nồng độ cao thì vụ hè thu 2013, Quảng Nam sẽ có 21.500ha đất sản xuất lúa và hoa màu bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Trong đó khoảng gần 6.000ha đất lúa bắt buộc phải chuyển sang canh tác những loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt ngay từ đầu vụ. “Chủ trương này được ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra cách đây 2 tháng và đã nhiều lần đề nghị chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát thực tế, xây dựng cụ thể phương án chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện từng vùng. Nếu các đơn vị liên quan không quyết liệt chỉ đạo và tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện hiệu quả khâu này thì khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa trong vụ hè thu 2013 ở những vùng thường bị khô hạn nặng” - ông Muộn nói.

Bài toán khó

Hàng chục năm nay, vụ hè thu nào mặn cũng xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ cao khiến trạm bơm điện Tứ Câu, Cẩm Sa phải ngưng hoạt động. Không có nước tưới, hàng trăm héc ta đất canh tác lúa ở vùng đông Điện Bàn hoặc phải bỏ hoang hoặc bị tụt giảm mạnh năng suất. Thời gian qua, mỗi khi xây dựng kịch bản phòng chống hạn cho vụ sản xuất hè thu trên địa bàn các xã thuộc vùng đông Điện Bàn, ngành chức năng đã tính đến phương án chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng lúa quá khó khăn về nguồn nước tưới. Thế nhưng, cuối cùng thì phương án vẫn chỉ là phương án, bởi giải pháp đưa ra không có tính khả thi.

Lâu nay, cứ vụ hè thu là ông Ngô Văn Châu (thôn Tứ Hà, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) đành bỏ hoang 2 sào đất lúa trên cánh đồng Du vì sông Thu Bồn liên tục bị nước mặn xâm nhập khiến trạm bơm điện trọng yếu Tứ Câu phải thường xuyên ngưng hoạt động. Theo thống kê, có gần 140ha đất sản xuất lúa ở xã Điện Ngọc cũng thường xuyên thiếu nước đổ ải gieo sạ. Thế nhưng ông Châu cho rằng nếu chuyển những chân đất lúa này sang trồng bắp lai hoặc tỉa đậu phụng thì cũng không khả thi bởi vùng này mạch nước ngầm nhiễm phèn nghiêm trọng. Do đó, nếu đầu tư khoan giếng bơm nước lên tưới thì bắp lai, đậu phụng và nhiều loại cây trồng cạn khác bị chết là điều không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, hiện nay mực nước tại hồ chứa Đông Tiển bị tụt giảm 2 - 5m so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy dự báo sẽ có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp do công trình thủy lợi này đảm nhận tưới bị khô hạn nặng trong vụ hè thu 2013. Trước tình hình trên, các đơn vị liên quan đang tiến hành vận động nông dân xã Bình Định Bắc, Bình Trị, Bình Định Nam chuyển 165ha đất lúa tại những khu vực cuối kênh sang trồng đậu phụng, bắp, sắn, đậu xanh.  Theo ông Vũ, vấn đề đáng lo nhất bây giờ là ở vùng đông, bởi nếu khô hạn khốc liệt thì 1.500 - 2.000ha đất sản xuất lúa của nông dân xã Bình Nam, Bình Sa, Bình Triều, Bình Hải, Bình Giang, Bình Phục, Bình Đào... sẽ phải bỏ hoang vì không có nước đổ ải. Ông Vũ cho biết: “Tại những địa phương ấy, khi thời tiết khắc nghiệt, mạch nước ngầm tụt xuống cả hàng chục mét nên không thể đào để lấy nước nhỉ tưới cho cây”...

VĂN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè thu: "Chuyển" như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO