Chuyện đời của phố - Bài 1: Hồn xưa chữ cũ

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG 12/01/2015 09:10

Hội An, những ngày tháng cũ. Mấy ông đồ nho bày “mực tàu, giấy đỏ”, cho chữ người kẻ chợ. Nếp sinh hoạt ấy, bây giờ, chừng như đang rơi vào lãng quên…

Những người chơi thư pháp ở phố vẫn còn nhớ như in một đêm phố cổ cách đây gần 10 năm, khi lần đầu tiên Hội An bày thư pháp ra phố. Trước đó, những năm 1997 - 1999, hoạt động thư pháp mạnh mẽ trỗi dậy sau những ngày im lìm nép sau những tấm rèm buông chùng trong các gian nhà cổ. Những ông già của phố cổ, từ La Gia Hồng, Lý Sĩ Bình, Đỗ Minh Nhàn, Huỳnh Dõng, Lý Khoa Đăng… khơi gợi bao nhiêu hoài niệm, khi vận áo dài khăn đóng “cho chữ” trên phố. Mải mê trong cuộc chơi với thư pháp, chính các ông cũng không ngờ, sự hàm chứa trong mỗi bức thư pháp, với cái tâm của người viết, lại là điều lưu dấu sâu đậm trong những hội hè của phố.

“Ông đồ” thời hiện đại Lý Sĩ Bình và Huỳnh Dõng đang “cho” chữ. Ảnh: SONG ANH - PHƯƠNG GIANG
“Ông đồ” thời hiện đại Lý Sĩ Bình và Huỳnh Dõng đang “cho” chữ. Ảnh: SONG ANH - PHƯƠNG GIANG

Gian hàng chữ trên phố

Ở phố Hội, người ta cứ đi tìm một gian hàng thư pháp, để “xin” cho được một “chữ” mang về. Thầy giáo Huỳnh Dõng, người nặng nợ với nghiệp chữ, bày tỏ tâm ý bao nhiêu năm đeo mang, rằng: “Bản thân văn hóa là một dòng chảy, nó chuyển mạch từ nhận thức đến hành vi, ứng xử con người. Thư pháp là một nét văn hóa ghi dấu ấn của phương Đông. Nhắc đến Hội An lại không nói về thư pháp, là một thiếu sót”.

Thứ chữ nghĩa, bản thân hình thể chữ đã mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Nó buộc người đối diện phải vừa nhìn, vừa nghe lại vừa cảm. Một bức thư pháp hoàn hảo không chỉ ở chữ đẹp, nghĩa hay mà âm đọc lên phải du dương, hướng suy nghĩ con người vào những điều tốt đẹp. Dù qua bao nhiêu đổi dời, thư pháp vẫn lặng lẽ cho riêng mình một chỗ đứng trong dòng chảy văn hóa hàng mấy trăm năm. Nếu thực sự yêu phố Hội, để lòng thong dong trong mỗi bước chân dạo qua phố cũ, sẽ thấy bất cứ căn nhà cổ nào ở Hội An cũng có hoành phi, câu đối hay những bức thư pháp vừa vặn không gian ngôi nhà. Những trân quý với vốn văn hóa xưa cũ ẩn mình trong sự tĩnh lặng của phố cổ. Không làm nên riêng con phố chữ như những nơi khác, ở Hội An gian hàng chữ của các “ông đồ” ở phố Nguyễn Thái Học, Trần Phú… đủ làm nên nét duyên trong lòng phố cổ. Một không gian vừa đủ cho hai người ngồi, xung quanh đầy những chữ Hán Nôm, chữ quốc ngữ cách điệu. Một cái chuông nhỏ rung lên khi khách vào “xin chữ” mà không thấy thầy đồ. “Văn phòng tứ bửu”, tức 4 vật báu của nghề thư pháp mà bất cứ ông đồ nào cũng phải có, ấy là chỉ (giấy), mực, bút và ấn chương. Mộc mạc và sơ giản như vậy, nhưng lại níu bao nhiêu người đi quay lại. Cả phố, chỉ có khoảng 2 - 3 gian hàng chữ như thế.

Ông Lý Sĩ Bình, người mở gian hàng chữ đầu tiên ở phố, chia sẻ, gọi là cửa hàng cho sang vậy thôi, chứ thực ra khi Hội An bắt đầu mở cửa đón khách du lịch, nhà cổ của gia đình còn chỗ nên ý định mở một gian hàng thư pháp được thực hiện. “Thực ra chỉ làm để đỡ nhớ chữ, để còn thấy được không khí chữ nghĩa, thấy những nét mặt giãn ra khi chữ của mình hoàn thành” - ông Bình nói.

Những người muôn năm cũ

Trong câu chuyện về thư pháp phố Hội, với những nhắc nhớ về hồn xưa chữ cũ, người lớn tuổi ở phố cứ tiếc nhớ về một câu lạc bộ thư pháp, với những kế hoạch ngõ hầu thức dậy nét đẹp văn hóa cũ. Nhưng dù gì, người ở phố, muôn niên vẫn nhớ mãi dáng đi chỉn chu, người dong dỏng cao của “ông đồ” Lý Sĩ Bình, hay dáng người phúc hậu với nét thư họa vô cùng tài hoa của Đỗ Minh Nhàn. Người ở phố vẫn nhớ về  một ông đồ chính hiệu có thể nói cặn kẽ về nghệ thuật thư pháp là ông Huỳnh Dõng. Hay một người gọi nhạc sĩ La Hối bằng chú ruột, với cả một gia đình tài hoa phát lộ trong lĩnh vực nghệ thuật như ông La Gia Hồng. Mỗi người, với nét chữ thảo theo một cách khác nhau, nhưng đều là những con chữ đẹp.

Những đêm phố cổ của mấy năm về trước, người ta vẫn còn thấy một gian hàng thư pháp sáng đèn, vừa cho chữ vừa truyền dạy kiến thức về bộ môn này cho những du khách ưa mê. Nhưng khoảng hơn một năm trở lại đây, đêm phố cổ vắng bóng hoạt động này. Người mê say cũng vắng. Chỉ còn những “ông đồ” tóc đã hoa râm, ngồi mê mẩn bên “mực tàu giấy đỏ” viết chữ cho riêng mình. Chưa ai nghiên cứu về sự ra đời của thư pháp cũng như chặng đường phát triển của nét văn hóa này tại Hội An. Nhưng người phố cổ nói, tính cách người Hội An phần nào đó có dấu ấn của nét văn hóa chơi thư pháp. Bởi lẽ sự trầm mặc, sự tĩnh tại trong mỗi con người, trên từng con phố, có chăng, chính từ sự thư thái toát ra từ mỗi nhà nho xưa, từ mỗi ý niệm của con chữ mà họ thảo ra.

Thư pháp, cũng như bất kỳ bộ môn nghệ thuật, trước khi là sống đời một nếp văn hóa, nó là một cuộc chơi đầy phiêu bạt của những suy tưởng hướng thiện.

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG
Bài 2: Thú chơi sách vở
Một thú chơi dựng nên nền tảng cho nhiều tầng vỉa văn hóa khác ở phố Hội : thú chơi sách… Câu chuyện về tủ sách gia đình, về thú sưu tầm sách xưa và một “Không gian đọc” của hôm nay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện đời của phố - Bài 1: Hồn xưa chữ cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO