Tháng 2/1947, bà con dân làng An Quán, xã Điện Minh (Điện Bàn) sắp sửa vào mùa thu hoạch vụ lúa đông xuân. Nhưng không kịp. Cán bộ xã, thôn hối hả đến từng nhà loan báo, giặc Pháp đã đánh chiếm Đà Nẵng, nay mai sẽ đánh đến đây, bà con mau dọn dẹp đồ đạc chạy giặc.
Cô bé Nguyễn Thị Lũy, lúc bấy giờ mới 12 tuổi, theo gia đình và bà con dân làng ngược dòng Thu Bồn, qua Hòn Kẽm Đá Dừng, đến vùng đất Bình Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức làm nơi cư ngụ. Cô bé Lũy hồn nhiên hỏi ông nội: “Mình đi như ri rồi hồi mô về lại nhà hả nội”. Ông nội nhỏ nhẹ đáp: “Lúc mô hết giặc mình sẽ về lại nhà thôi con!”.
Nhà có 3 chị em, Lũy là con đầu nên thường gọi Hai Lũy. Định cư nơi ở mới chưa lâu, mẹ đột ngột lâm bệnh rồi qua đời, để bố yên tâm nuôi hai em nhỏ, Hai Lũy đi ở đợ tự kiếm cơm qua ngày. Bố Hai Lũy là Nguyễn Kim Phương làm nghề cắt tóc nuôi hai con nhỏ, đứa lên 9 đứa mới lên 3. Cuộc sống dần trôi. Năm 1948, ông nội mất; tiếp 5 năm sau bà nội mất, cô bé Hai Lũy ngây thơ ngày nào đã thành thiếu nữ, đảm đang mọi công việc trong gia đình, cùng bố nuôi hai em trong hoàn cảnh trăm bề thiếu thốn.
Năm 1954, Pháp bại trận, những tưởng hòa bình được lập lại, nhưng Mỹ nhảy vào miền Nam, lập nên chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhà ông Nguyễn Kim Phương trở thành nơi ở, nơi liên lạc của các cán bộ hoạt động bí mật như Võ Văn Đoàn, Vũ Trọng Hoàng, Phạm Gạo, Hoàng Thành Lê, Cao Đình Trung, Đặng Xuân Sinh… Sớm tiếp xúc, giác ngộ lý tưởng cách mạng, Hai Lũy cùng cha tham gia công tác tại địa phương.
Năm 1956, bố Hai Lũy hy sinh, để lại khoảng trống tình thương không gì bù đắp được. Ba chị em Lũy trở thành những kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vừa làm lụng kiếm sống, coi sóc các em, tham gia công tác phụ nữ địa phương, Hai Lũy còn thay cha tiếp tục làm điểm kết nối của cán bộ hoạt động cách mạng.
Năm 1959, Cao Đình Trung bị bắt, phát hiện trong tài liệu thấy có liên quan đến gia đình Hai Lũy, bọn địch đến nhà bắt 3 chị em đưa lên xã rồi chuyển về giam tại quận lỵ Hiệp Đức. Sau đó, địch cho Nguyễn Kim Kiên, Nguyễn Thị Điền về lại nhà, còn Hai Lũy chúng đưa xuống nhà giam Hội An.
Trong trại tạm giam Hiệp Đức, rồi trại giam ở Hội An, Hai Lũy luôn tỏ rõ thái độ ngoan cường của một chiến sĩ cách mạng. Dù có phải nhiều lần chết đi sống lại trước những đòn roi tra tấn cực hình của kẻ thù, nhưng chị vẫn không một lời khai báo, bảo vệ cách mạng đến cùng.
Trước kẻ thù chị là gan đồng dạ sắc, nhưng nghĩ về hai đứa em côi cút ở miền quê không biết sẽ sống ra sao, lòng dạ chị như chùng xuống, hai hàng nước mắt cứ giàn giụa giữa đêm khuya. Càng nghĩ về ông bà, cha mẹ, nghĩ về tổ tông, nghĩ về quê hương bị dày xéo dưới gót giày xâm lược của kẻ thù, Hai Lũy càng nung nấu chí căm thù giặc.
Không khai thác được gì ở Hai Lũy, năm 1964 địch phải trả tự do cho chị. Về lại địa phương, Hai Lũy tiếp tục tham gia công tác. Với vai trò Hội trưởng Phụ nữ xã, chị luôn là người đi đầu gương mẫu trên tất cả lĩnh vực công tác. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự lớn lao, chị càng đem hết khả năng của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Đầu năm 1966, Hai Lũy được điều động về công tác tại Hội Phụ nữ huyện Quế Sơn, giữ chức Hội phó, kiêm Phó ban Đấu tranh chính trị huyện, rồi được cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Vào một buổi chiều mùa hè năm 1966, Hai Lũy đi công tác về xã Hiệp Hòa, ghé vào nhà ông Mười Nho cùng ăn cơm tối sớm với gia đình.
Sau khi cơm nước xong, ông Mười Nho cùng vợ con ra căn hầm sau vườn trú ẩn. Hai Lũy còn ngồi rửa chén cạnh bụi tre sau nhà. Cũng trong buổi chiều hôm đó, có trung đội bộ đội trên đường hành quân, tạm dừng chân tại xóm nhà ông Mười Nho, chia ra ở trong 3 nhà dân.
Ngay trước sân nhà ông Mười Nho có một tiểu đội đang ăn cơm tối sớm. Bỗng dưng một chiếc máy bay trinh thám L19 của Mỹ lượn lờ trên bầu trời xã Hiệp Hòa, người dân thường gọi là máy bay tàu rà, hay máy bay bà già. Khi thấy một anh bộ đội trong mâm cơm mở chiếc radio để nghe tin tức, Hai Lũy khuyên tắt ngay kẻo địch phát hiện, nguy hiểm! Anh bộ đội trẻ măng nở nụ cười hiền hậu, nói: “Nó ở tít trên trời cao mà sợ gì hả chị!”.
Chiếc máy bay “bà già” lượn vòng xuống làng Trà Linh rồi bất thần quay đầu trở lên, phóng ngay xuống sân nhà ông Mười Nho quả rocket, cả mười hai chiến sĩ của tiểu đội hy sinh. Vợ chồng và đứa con của nhà bên cạnh cũng chết ngay tại chỗ. Hai Lũy bị một mảnh rocket găm vào phía sau cột sống, may chưa chạm đến phần tủy sống.
Năm 1967, ở tuổi 32, được sự tác hợp của anh chị đồng nghiệp, Hai Lũy kết hôn cùng một đồng chí cán bộ Thường vụ Huyện đoàn, người xã Quế An. Cũng trong năm 1967, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nhằm thay đổi cục diện chiến trường.
Ở huyện Quế Sơn, Hai Lũy được phân công làm mũi trưởng mũi tiến công của lực lượng quần chúng các xã Sơn Long, Sơn Khánh, Sơn Thạch, Sơn Lãnh, Sơn Thành, Sơn Châu, Sơn Trung, Sơn Thượng, Phú Thọ, Phú Diên, Phú Thạnh, gồm 12 nghìn người, còn gọi là cánh quân phía đông, có nhiệm vụ phối hợp với mũi tiến công phía tây, với gần 700 người của các xã Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Tân, Sơn Tây, Sơn An, Sơn Hòa, Sơn Tú, Sơn Thắng, do chị Trần Thị Tân làm mũi trưởng.
Do không nắm bắt được thông tin điều chỉnh thời gian mở ra chiến dịch của cấp trên, việc phối hợp giữa lực lượng quân sự, chính trị của huyện Quế Sơn và Thăng Bình với bộ đội chính quy bị sai lệch, nên các mũi tiến công phải chịu sự tổn thất nặng nề. Hai Lũy tuy bị thương nhưng không rơi vào tay giặc. Năm 1969, trong một chuyến đi công tác tại xã Sơn Thạch, bị địch phát hiện, nổ súng, Hai Lũy bị thương lần thứ ba, nhưng chị đã chạy thoát...
Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Hai Lũy cùng chồng reo mừng đến rơi nước mắt. Vậy là ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn đã đến rồi! Hai Lũy nhớ lại lời ông nội nói “Lúc mô hết giặc mình sẽ về lại nhà thôi con!” như còn vang vọng đâu đây, vậy mà đã dằng dặc hết 28 năm.
Sau bao nhiêu năm chung sống, Hai Lũy mong mỏi được làm thiên chức của một người mẹ, nhưng do số phận đẩy đưa, có thể do ảnh hưởng của thương tích chiến tranh, ước vọng không thành. Năm 1986, Hai Lũy quyết định ly hôn, mong sao người từng kết tóc se duyên còn kịp bước thêm bước nữa để có được mụn con nối dõi. Từ đây, Hai Lũy tìm niềm vui trong tình làng nghĩa xóm, lấy tổ chức chi bộ Đảng làm chỗ dựa tinh thần…
Tháng 11/2022, khi tôi viết về câu chuyện này, Hai Lũy ngày nào đã là cụ bà hơn 87 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, 36 năm hoạt động cách mạng. Trong căn nhà cấp bốn khiêm nhường tại thôn Đông Khương 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, cô Hai Lũy bùi ngùi xúc động: “Tôi là người đã từng vào sanh ra tử, vượt qua bao gian nan thử thách, được sống đến ngày hôm nay, được hưởng cảnh thanh bình của đất nước cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Chỉ có điều, là nhớ thương những người đồng đội của mình còn nằm lại nơi đầu non, hóc núi, đến nay vẫn chưa có một nấm mồ yên vị!”. Rồi cô rút từ trong túi áo chiếc khăn sẫm màu, đưa lên lau những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má đã nhuộm màu thời gian sương khói.