Chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng kém hiệu quả ở các vùng triều ven sông sang nuôi kết hợp các loại cá, cua, tôm sú đã cho thấy hiệu quả, nông dân có nguồn thu nhập khá ổn định.
Giải pháp giảm rủi ro
Huyện Núi Thành có hơn 1.200ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều, tập trung chủ yếu ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Giang, Tam Nghĩa. Do tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên việc nuôi tôm đã kéo theo ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên gây thua lỗ cho nhiều nông hộ.
Nhận thấy không thể duy trì lâu dài cách đầu tư này, ngành khuyến nông Núi Thành đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi nuôi tôm thâm canh sang nuôi kết hợp các loại cá dìa, chẽm, cá chim vây vàng, cua, tôm càng xanh, tôm sú với hỗ trợ kỹ thuật cùng con giống, thức ăn…
Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho rằng, các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nằm trong vùng thấp trũng sẽ khó khăn trong việc cải tạo đáy ao, khó đầu tư hạ tầng về lâu dài, nên không nhất thiết phải nuôi tôm mà chuyển đổi sang nuôi ghép nhiều loài thủy sản để giảm rủi ro đầu tư.
Theo ông Quang, ở các mô hình nuôi ghép thủy sản đã được chuyển giao, cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Nông dân đã thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng của vật nuôi nhằm điều chỉnh lượng thức ăn, bổ sung khoáng chất cho phù hợp.
Sau nhiều năm triển khai, Núi Thành đã có hơn 500ha nuôi tôm ở vùng triều được chuyển đổi sang nuôi ghép nhiều loài thủy sản, lớn nhất ở Tam Nghĩa, Tam Hòa, Tam Tiến. Hiệu quả kinh tế thu được khá khả quan.
Hộ ông Dương Thanh Quý (thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa) đã chuyển đổi 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng rộng 3ha sang nuôi các loại tôm càng xanh, cua biển, cá dìa, cá chẽm. Ông Quý nuôi quảng canh cải tiến, trừ mùa mưa bão, mỗi ngày đều thu hoạch, bán hơn 1 triệu đồng/ngày.
“Quen mối bán hàng nên mỗi sáng sớm các tư thương đều đến ao nuôi để mua cá, tôm, cua. Mỗi năm duy trì nguồn thu nhập hơn 350 triệu đồng là thành quả khá” - ông Quý nói.
Còn ông Trần Thanh Tiến (thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải) cho biết, trước đây, do nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu tự phát, không nắm vững kỹ thuật nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Một số ao nuôi phải bỏ hoang.
Khi nghe tin Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, thức ăn, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia nuôi cá dìa. Đến nay, ông Tiến có thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. “Cá dìa bán rất được giá, hơn 150 nghìn đồng/kg. Để cá dìa phát triển tốt cần nguồn nước sạch nên lựa thời điểm thay nước thường xuyên. Thức ăn nuôi cá phải đủ độ đạm” - ông Tiến nói.
Tiếp tục chuyển đổi
Phần lớn trong số hơn 3.000ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông là kém hiệu quả. TS. Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) cho biết, trong năm 2022, ngành khuyến nông triển khai dự án nuôi ghép tôm sú, cua xanh, cá dìa kết hợp với trồng đước để thay thế nhiều diện tích nuôi tôm kém hiệu quả vừa phát triển kinh tế cho nông hộ vừa tạo lực phát triển du lịch sinh thái ở thôn Diêm Trà (xã Tam Tiến) và “ốc đảo” Long Thạnh (xã Tam Hải) nhưng gặp vướng mắc.
Trở ngại ở chỗ trước đây đước vốn là cây trồng bình thường ở vùng ngập nước ven sông nhưng theo Thông tư 22 đã trở thành cây lâm nghiệp chính nên phải xác nhận nguồn gốc trước khi triển khai dự án. Chưa thể xác nhận nguồn gốc nên dự án bị trì hoãn.
“Chúng tôi sẽ giải quyết điểm nghẽn, triển khai dự án trong năm 2023, kỳ vọng thành công để tổ chức hội thảo nhân rộng ở các địa bàn nuôi tôm kém hiệu quả trong tỉnh” - bà Thủy nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, định hướng nghề nuôi tôm Quảng Nam rất rõ ràng. Tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với nhiều khuyến khích để phát triển nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, quy mô lớn tạo động lực phát triển bền vững. Đối với các vùng nuôi tôm kém hiệu quả, rủi ro lớn, tỉnh đang nỗ lực chuyển đổi sang các đối tượng nuôi mới, hy vọng có điểm sáng hiệu quả kinh tế.
Để tạo thuận lợi cho hộ nuôi triển khai, tỉnh sẽ hỗ trợ cải tạo lại ao đầm, đê bao chắc chắn, giữ môi trường nước trong ao ổn định, giúp mua con giống ở những cơ sở uy tín; quan trọng hơn là sẽ chuyển giao kỹ thuật và yêu cầu nông dân trong quá trình nuôi phải tuân thủ gắn với bảo vệ môi trường...