Tiết kiệm chí phí, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng và bảo vệ môi trường... là những ưu điểm của phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (CSA). Mô hình này được triển khai trên cây lúa ở nhiều địa phương từ sự hỗ trợ của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư), nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Vụ hè thu này, gia đình ông Nguyễn Đình Quốc (xã Tam Hòa, Núi Thành) sản xuất 6 sào lúa theo phương thức mới, thay thế hoàn toàn lối canh tác cũ. Áp dụng phương thức sạ hàng, ông Quốc đã giảm được một nửa lượng lúa giống, nguồn nước cũng được tiết kiệm với hình thức tưới khô – ướt xen kẽ. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ và giảm tối đa việc sử dụng thuốc hóa học đã tiết kiệm khá nhiều chi phí cho nhà nông nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Theo ông Quốc, phương cách sạ hàng này có rất nhiều ưu điểm, cây lúa được thảnh thơi nên đẻ nhánh tốt, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân chúng tôi cũng đỡ thời gian thăm đồng, nhổ cỏ. Lưu lượng nước canh tác thì bớt đi. Còn ông Bùi Minh Công (một hộ dân ở Tam Hòa cùng thực hiện mô hình CSA trên cây lúa) thì chia sẻ: “Mô hình này được người dân ứng dụng hiệu quả. Chúng tôi còn được cán bộ làm công tác chuyên môn cho tập huấn. Buổi tập huấn ở nhà văn hóa thu hút rất đông nông dân nhằm nắm bắt kỹ luật về sản xuất cây lúa theo phương pháp mới”.
Tam Hòa là một trong những địa phương thực hiện mô hình CSA trên cây lúa đạt hiệu quả. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (đơn vị tư vấn Dự án CSA tại Quảng Nam), mô hình CSA được triển khai tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành và TP.Tam Kỳ với tổng cộng 1.425ha (vụ đông xuân 2018 - 2019 là 645ha và hè thu 2019 là 78ha). Từ kết quả xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác cây lúa tại 7 huyện cho thấy, việc thực hiện các hoạt động CSA trong mô hình đã mang lại hiệu quả cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống.
Cụ thể, về giống, trong mô hình CSA áp dụng với phương thức sạ hàng, sử dụng hạt giống chất lượng và lượng giống trong mô hình là 70kg/ha (giảm so với ngoài mô hình 10 - 40kg/ha) cho kết quả cây lúa phát triển khỏe, giảm chi phí, giảm công chăm sóc và hạn chế sâu, bệnh hại. Về sâu bệnh hại, thông qua hướng dẫn nông dân tham gia mô hình áp dụng IPM và các tác động tích cực của biện pháp sạ hàng, bón phân cân đối đến hệ sinh thái đồng ruộng, nên tình hình và mức độ xuất hiện sâu, bệnh ở ruộng mô hình ít nghiêm trọng hơn, số lần phun thuốc đã giảm xuống 2 - 3 lần so với ngoài mô hình.
Về sử dụng phân đạm, thông qua hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, bình quân các điểm của mô hình đã giảm được 37,4kg u rê/ha so với ruộng ngoài mô hình. Về tưới tiêu, thông qua hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, đã cắt giảm được 2 - 3 lần tưới ở giai đoạn lúa sau gieo 25 - 40 ngày và 80 ngày đến thu hoạch. Năng suất trung bình của các mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà (đối chứng) từ 5,3 tạ/ha; còn lợi nhuận, ở ruộng mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà 5 triệu đồng/ha, do giảm chi phí 2 triệu đồng/ha từ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và giá bán sản phẩm cao hơn từ liên kết sản xuất giống.
Đặc biệt, thành công của mô hình là tính thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Bởi áp dụng các giống mới chất lượng ít nhiễm sâu bệnh, tuân thủ lịch thời vụ của tỉnh, đồng thời với áp dụng IPM, ICM và chế độ tưới ướt khô xen kẽ đã cho thấy cây trồng trong mô hình sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết bất thuận như chống đổ, chịu lạnh, chịu hạn và sâu bệnh hại ít hơn, cho năng suất và thu nhập ổn định.
Ông Bùi Ngọc Thao (đại diện đơn vị tư vấn) cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thay vì canh tác theo lối truyền thống thiếu bền vững, gây ảnh hưởng đến môi trường, nông dân giờ đây có thể áp dụng phương thức sản xuất mới có nhiều ưu việt, trong đó hạn chế rủi ro từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thông qua mô hình CSA, nông dân Quảng Nam nắm bắt được kỹ thuật canh tác mới, dần nhân rộng trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.