Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch đang cạnh tranh với chợ truyền thống và siêu thị; kênh phân phối trực tuyến chiếm ưu thế... là những vận động mạnh của ngành bán lẻ Quảng Nam.
Mua bán tiện lợi
Chỉ cần quan sát một số tuyến đường của TP.Tam Kỳ như Hồ Nghinh, Phan Bội Châu, Trưng Nữ Vương là đã nhận thấy hàng chục cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch.
Chị Nguyễn Trần Phương Nga (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho rằng, nhịp sống đang vận động mạnh, người tiêu dùng cần mua sắm nhanh để tiết kiệm thời gian dành cho nhiều việc khác. Ngành bán lẻ đã nhanh nhạy nhận ra nhu cần thiết thực nên đầu tư vào các cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch.
“Đến chợ hay siêu thị phải lòng vòng nhiều nơi, nhiều chỗ để tìm được hàng hóa cần mua vì diện tích rộng. Đến cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng thực phẩm sạch sẽ thấy ngay các mặt hàng thiết yếu cần mua” - chị Nga nói.
Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch đâu chỉ chiếm ưu thế cạnh tranh ở khu vực thành thị mà thời điểm này đã phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, nhất là miền núi.
Chị Huỳnh Thị Tố Trinh - chủ cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Trà My mở tiệm buôn bán chăn, nệm, áo quần, mỹ phẩm, giày dép từ năm 2018 đến nay. Hàng hóa tại đây chủ yếu từ các thương hiệu thời trang lớn, có giá phải chăng, lại được nhà phân phối định kỳ khuyến mãi, giảm giá nên thu hút được khách hàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch, ngoài những tiện ích nổi trội về sản phẩm, dịch vụ đặc thù thì khách hàng cũng được thụ hưởng những ưu đãi đồng bộ. Các chính sách dành cho khách hàng thân thiết như quà tặng vào các dịp lễ, tết hay dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, thân thiện cũng là điểm nhấn trong kinh doanh của các mô hình cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm.
Bán hàng trực tuyến
Ngôi nhà chung cho doanh nghiệp và khách hàng
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, địa chỉ www.quangnamtrade.com.vn là giải pháp tối ưu, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 trong việc cung cấp giải pháp khép kín từ việc cập nhật sản phẩm, bán hàng, giao hàng đến thanh toán. Sàn thương mại điện tử Quảng Nam là “ngôi nhà chung” cho các doanh nghiệp, là cầu nối giữa người bán và người mua với kỳ vọng trở thành thói quen mua hàng thương xuyên, là niềm tin của người tiêu dùng với những sản phẩm “made in Quảng Nam”
Dịch bệnh Covid-19 khiến kênh mua bán trực tuyến chiếm ưu thế. Chỉ cần qua facebook, zalo, kết nối giữa người bán và người mua rất thuận lợi.
Một doanh nghiệp kinh doanh online ở phường Tân An (TP.Hội An) nhận định, đây là xu hướng tất yếu của thị trường, nếu không kịp thời bắt nhịp chuyển động thì khó giữ vững thị phần và khách hàng. Có thể nhận thấy sự “gặp gỡ” của khách hàng và nhà bán lẻ online. Người tiêu dùng có nhu cầu tiếp cận những sàn thương mại điện tử, địa chỉ mua sắm online có hàng hóa uy tín, chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ và đa dạng dịch vụ tiện ích.
Trong khi đó, nhằm giải quyết vấn đề khó khăn của người dân mua sắm online khi hàng hóa giao đến tận nơi nhưng không có người nhận thì hiện nay hầu hết doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã chủ động tăng cường tiện ích giao hàng theo khung giờ yêu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Tố Nga - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Sosafco (xã Tiên Cẩm, Tiên Phước) chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sạch như dầu mè đen, dầu óc chó, dầu gấc cho biết, nếu không tận dụng được các địa chỉ thương mại điện tử nổi tiếng như Sendo, Tiki thì sẽ không có được vị thế bán hàng quy mô, được ưa chuộng như hiện tại.
Chính nhờ bắt tay hợp tác với nhiều nền tảng thương mại điện tử phổ biến mà doanh nghiệp trên đã thực hiện được chiến lược đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến, chiếm ưu thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, mang đến nhiều tiện ích và ưu đãi hấp dẫn hơn cho khách hàng.
Đến nay, rất nhiều sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), các mặt hàng đặc sản địa phương của Quảng Nam đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Quảng Nam qua địa chỉ www.quangnamtrade.com.vn để giới thiệu, quảng bá, tương tác, trao đổi, xúc tiến thương mại và bán hàng.
Với “gian hàng” online đó, doanh nghiệp qua tài khoản online đã chủ động chia sẻ thông tin, hình ảnh, sản phẩm và nhất là chăm sóc gian hàng, khách hàng của mình chu đáo. Về phía ngành chức năng, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, các chủ thể OCOP, hợp tác xã giải quyết không ít vấn đề về chiến lược kinh doanh, phát triển kênh bán hàng online, quảng bá thương hiệu online để hàng hóa “thông mạch” ra thị trường.