Không hẹn mà gặp, mùa hè cũng là lúc văn nghệ sĩ của các chi hội trực thuộc Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam hẹn nhau đi thực tế sáng tác. Có chi hội để anh em đi theo nhóm, tự chọn địa bàn, tự chọn đề tài, tự đi. Cũng có chi hội tổ chức cho hội viên đi tập trung dài ngày, có mục đích mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, cũng như một vài chi hội có nhiều hội viên là giáo viên, Chi hội Văn học thường tổ chức đi thực tế hoặc mở trại sáng tác vào mùa hè. Năm nay, trại sáng tác của chi hội khai mạc vào cuối tháng 6 này bằng một chuyến đi thực tế “tạo đà” trong vòng 2 ngày tại Cù lao Chàm, sau đó “nối dài” bằng một số chuyến đi khác tại các huyện miền núi trong tỉnh và dự kiến kết thúc trại vào nửa đầu tháng 8. “Chi hội Văn học từng có những chuyến đi thực tế rất hiệu quả, tác phẩm tập hợp lại sau mỗi chuyến đi đủ để làm hẳn một tập sách bề thế. Trại lần này diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn, kế hoạch, mục tiêu cũng rất rõ ràng nên hy vọng sẽ có được kết quả tốt” - nhà văn Lê Trâm cho biết.
Mùa hè là thời điểm các chi hội VHNT thường tổ chức các chuyến đi thực tế hoặc mở trại sáng tác cho hội viên. Trong ảnh: Hội viên Chi hội Văn học đi thực tế sáng tác ở rừng dừa nước Cẩm Thanh - Hội An. |
Cũng với mục đích kéo hội viên vào cuộc sống, giảm bớt thời gian giam mình trong phòng vẽ, gần đây hầu như năm nào Chi hội Mỹ thuật cũng tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tập trung hoặc mở trại tại một địa điểm nào đó. Năm nay, trại sáng tác của Chi hội Mỹ thuật mở từ đầu tháng 6 và kéo dài 10 ngày tại thôn Zara, xã Ta Bhing (huyện Nam Giang). Ngoài việc để cho các họa sĩ, nhà điêu khắc được “3 cùng” với dân để cảm nhận hơi thở cuộc sống, trại lần này còn nhằm tạo điều kiện cho hội viên chuẩn bị tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 23 tại Phú Yên vào tháng 8 tới. Tuy mục tiêu của trại chỉ là “chuẩn bị tác phẩm” - nghĩa là chỉ cần vẽ ký họa, lập phác thảo, lên ý tưởng... để về nhà hoàn thiện là đã đạt yêu cầu, thế nhưng khi trại kết thúc đã có hơn 10 tác phẩm hoàn thành. Họa sĩ Vũ Trọng Anh, người có tới 4 bức sơn dầu được vẽ hoàn chỉnh trong thời gian ở trại, tâm sự: “Đúng là khi rời hẳn phòng vẽ để đi, mình đã có được bao nhiêu là điều lý thú từ cuộc sống. Trong chuyến này, tôi là người may mắn khi có được “điểm rơi” cảm xúc, và tôi đã cố gắng hết sức để làm việc, để không tuột mất cơ hội sáng tạo hiếm hoi và quý giá này...”.
Hội viên Chi hội Văn học đi thực tế sáng tác ở Đại Lộc. |
Ngược lại với các chi hội văn học và mỹ thuật, “chuyển động” mùa hè của các chi hội khác chủ yếu là những chuyến đi riêng lẻ hoặc theo nhóm. Trong khi vẫn tiếp tục bám địa bàn miền núi, nhưng thay vì ai ở đâu thì tác nghiệp ở đấy, vài năm trở lại đây Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số thường chọn những nơi “có sự kiện” để tổ chức đi chung hoặc “gợi ý”cho anh em tự đi thực tế. Riêng hè năm nay, chi hội chọn Nam Giang, Tây Giang và Nam Trà My làm địa bàn ưu tiên. Còn ở Chi hội Nhiếp ảnh, rỉ rả suốt từ cuối tháng 5 đến nay là những chuyến đi riêng lẻ hoặc theo nhóm, cả ở trong và ngoài tỉnh, thậm chí là cả ở nước ngoài. Anh em đi tự do, sáng tác tự do, tuy nhiên ban điều hành chi hội không quên nhắc nhở hội viên của mình chú ý khai thác những mảng đề tài lớn ở tầm quốc gia, như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới, về các di sản văn hóa, du lịch... trong khi không bỏ qua các cuộc vận động sáng tác đang diễn ra ở địa phương như sáng tác về cây sâm Ngọc Linh, về đất và người Núi Thành... Trong khi đó, do đặc thù công việc, các hội viên Chi hội Văn nghệ Dân gian thường chỉ đi thực tế một mình. Và mùa hè cũng chính là thời điểm thuận lợi cho những chuyến đi điền dã dài ngày ở các địa bàn xa xôi, cách trở để tiếp cận, gặp gỡ và “khai quật” nguồn tư liệu còn nằm tản mát đâu đó trong dân gian. Nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian, cho biết: “Những người làm nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian như chúng tôi vẫn luôn nhắc nhau chạy đua cùng thời gian để tiếp cận, khai thác tư liệu trước khi những người nắm giữ chúng qua đời. Và mùa hè, đặc biệt là vào những ngày nông nhàn, chính là cơ hội thuận lợi nhất, do vậy chúng tôi luôn tranh thủ để đi...”.
BẢO ANH