(Xuân Tân Sửu) - Làng quê xứ Quảng đã được thổi “luồng sinh khí mới” với nhiều gam màu sáng, từ chủ trương chính sách đầu tư phù hợp đến lĩnh vực kinh tế nông thôn phát triển mạnh theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Chuyện khởi đi cùng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP.
“Quả ngọt” từ nông thôn mới
Đón chào Xuân Tân Sửu, người dân thôn Cổ Châu (Duy Hòa, Duy Xuyên) phấn khởi khi tuyến đường có chiều dài 1km đi qua địa bàn hoàn thành nâng cấp, mở rộng, đổ bê tông với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Đáng ghi nhận, trong quá trình giải phóng mặt bằng, gần 40 hộ dân tự nguyện hiến hơn 800m2 đất và tháo dỡ nhiều tường rào, vật kiến trúc.
Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015, nhưng lúc đó xã có nhiều tiêu chí chỉ vừa ở ngưỡng đạt chuẩn, nên nâng chuẩn là mục tiêu tiên quyết phải hướng đến. “Giai đoạn 2015 - 2020 địa phương đầu tư 111 công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh với tổng vốn 110 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...” - ông Hải cho hay.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, tính đến cuối năm 2020 cả tỉnh có 116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của một xã trên toàn tỉnh là 16,02 tiêu chí, tăng 13,41 tiêu chí so với năm 2010. Và con số hơn 33.432 tỷ đồng Quảng Nam huy động xây dựng NTM trong giai đoạn 2010 - 2020 cho thấy sự quan tâm đầu tư rất lớn đối với chương trình này. Tuy nhiên phải khẳng định một điều rằng, quyết định cho thành quả có được còn nằm ở sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025 phải ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Nâng chất cùng OCOP
Số sản phẩm được công nhận từ hạng 3 sao trở lên của Quảng Nam cao nhất khu vực miền Trung và nằm trong nhóm cao nhất của cả nước. Đặc biệt, doanh thu và lợi nhuận hằng năm của hầu hết sản phẩm OCOP đều tăng 32 - 34% so với trước khi tham gia chương trình.
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu)
Đi sau chương trình xây dựng NTM chặng khá dài, song chương trình OCOP được triển khai tại Quảng Nam kịp ghi nhiều dấu ấn và góp phần nâng cao chất lượng NTM. Giai đoạn 2018 - 2020, cùng với sự tích cực vào cuộc của các chủ thể, tổng nguồn lực Quảng Nam huy động thực hiện chương trình OCOP lên đến gần 281,5 tỷ đồng. Nỗ lực này được đền đáp xứng đáng khi cả tỉnh đã có 210 sản phẩm của 189 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao và 186 sản phẩm 3 sao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ: “Đáng mừng là, số sản phẩm được công nhận từ hạng 3 sao trở lên của Quảng Nam cao nhất khu vực miền Trung và nằm trong nhóm cao nhất của cả nước. Đặc biệt, doanh thu và lợi nhuận hằng năm của hầu hết sản phẩm OCOP đều tăng 32 - 34% so với trước khi tham gia chương trình”.
“Tiềm năng 5 sao” nhắc đến ở trên là sản phẩm Đèn lồng Hội An (Dé lantana) của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam. Ông Võ Đình Hoàng - Giám đốc Công ty cho biết, sau khi tham gia chương trình OCOP và được công nhận 3 sao vào năm 2018, đơn vị đã không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, từ 2 sản phẩm phát triển lên 9 loại sản phẩm và thiết lập bao bì, đăng ký mã vạch hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Nhờ vậy, từ tiêu thụ quanh khu vực Hội An với khoảng 2.000 - 2.500 sản phẩm mỗi năm, đến nay đèn lồng Dé lantana có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước, gần đây còn xuất khẩu sang một số nước như Đức, Singapore, Myanmar...
“Từ hạng 3 sao năm 2018, đến năm 2019 đạt chuẩn 4 sao và vừa qua đèn lồng Hội An là sản phẩm duy nhất của Quảng Nam được tỉnh đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn 5 sao. Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng nhưng sản lượng tiêu thụ của công ty vẫn đạt 6.000 sản phẩm” - ông Hoàng chia sẻ.
Theo PGS-TS. Trần Văn Ơn - Trưởng tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh, để ngày càng đi vào chiều sâu, bên cạnh chú trọng thực hiện bài bản chu trình OCOP thường niên, mỗi năm Quảng Nam cần chọn một chủ đề chính triển khai theo hướng chuyên sâu, như tái cấu trúc hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, quản trị chất lượng sản phẩm, bán hàng, OCOP xuất khẩu, ứng dụng công nghệ, doanh nhân OCOP... Các ngành, các cấp phải “bắt mạch” được những khó khăn của chủ thể nhằm kịp thời đưa ra phương án “chữa trị” hiệu quả. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm là các chủ thể thiếu vốn, lúng túng trong xây dựng chiến lược và tổ chức sản xuất, kinh doanh...