Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 07 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy, diện mạo vùng Đông Nam của tỉnh thay đổi rõ nét. Nổi bật là hạ tầng giao thông đã được đầu tư xứng tầm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Tăng cường năng lực hạ tầng
Thực hiện Nghị quyết 07 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về định hướng phát triển vùng Đông Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thăng Bình thành lập tổ công tác quản lý vùng Đông của huyện.
Hằng năm, HĐND huyện cụ thể hóa các mục tiêu về nhiệm vụ phát triển vùng Đông của huyện vào các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, hạ tầng giao thông vùng Đông chuyển biến tích cực khi nhận được nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tỉnh và huyện.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm như Dự án mở rộng đường ven biển Võ Chí Công, cầu Bình Đào, cầu Bình Nam 1, Bình Nam 2... được đầu tư xây dựng.
Địa phương đã thu hút nhiều dự án như Bliss Hội An Beach Resort & Wellness; nhà máy sản xuất vải mành của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc); đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của Công ty CP Capella Quảng Nam (Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng)...
“Đến nay, một số dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách đáng kể cho huyện và tạo bộ mặt phát triển của vùng” - ông Vỹ chia sẻ.
Giai đoạn 2021 - 2023, Núi Thành đã tích cực huy động, tranh thủ các nguồn ngân sách trung ương, tỉnh và nguồn từ doanh nghiệp để cùng với ngân sách huyện đầu tư phát triển hạ tầng.
Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư như cầu Tam Giang, cầu Tam Tiến và đường dẫn, đường Quang Trung, các tuyến đường ĐH3, ĐH2...
Nổi bật là dự án đường Võ Chí Công (đoạn Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai); đường trục chính Tam Hòa; dự án kè Tam Hải; nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà; các cụm công nghiệp, phát triển đô thị...
“Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy được huyện tập trung thực hiện, đúng định hướng. Năng lực hạ tầng tiếp tục được tăng cường.
Các nhóm ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ được đầu tư ngày càng tăng về quy mô và chất lượng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện” – Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn nhìn nhận.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Tỉnh ủy (khóa XXII) đánh giá, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07 đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện các dự án trọng điểm đã tác động mạnh mẽ, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Định hướng phát triển 6 nhóm dự án theo ngành, lĩnh vực và 5 nhóm dự án về hạ tầng chủ yếu đều được triển khai thực hiện. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới.
Một số công trình giao thông lớn, mang tầm chiến lược, kết nối liên vùng được triển khai thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Các khu dân cư, tái định cư, nghĩa trang nhân dân được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, nhận diện mặt hạn chế, bất cập và phân tích về những thuận lợi, cơ hội, khó khăn trong bối cảnh hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các định hướng phát triển 6 nhóm dự án trọng điểm theo ngành, lĩnh vực; 5 nhóm dự án về hạ tầng chủ yếu theo Nghị quyết số 07 gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh yêu cầu về quản lý chặt chẽ quy hoạch, hiện trạng, trật tự xây dựng và đất đai trên địa bàn vùng Đông Nam; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, tích cực đề xuất Trung ương ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực vùng Đông Nam của tỉnh.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng theo hướng dịch vụ du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao.
Tranh thủ thu hút nguồn lực từ các nguồn vốn vay ODA, ngân sách trung ương; khơi thông, kết nối nguồn lực, nghiên cứu các loại hình đầu tư theo hình thức PPP...
“Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, chúng ta tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực; điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế mở, quy hoạch chung TP.Tam Kỳ, quy hoạch chung thị trấn Núi Thành mở rộng (đô thị Núi Thành), quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa (Duy Xuyên), quy hoạch chung đô thị Bình Minh (Thăng Bình); phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cảnh quan đô thị.
Quan điểm xuyên suốt của Quảng Nam là ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển vùng Đông Nam để làm động lực đầu tư phát triển vùng Tây” – đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.