Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tám (bí danh Rìu), dũng sĩ cuối cùng trong trận giếng cạn Điện Ngọc (Điện Bàn) lịch sử đã qua đời ngày 23.10.2018 ở tuổi 81 khiến nhiều người thương tiếc.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Tám (thứ hai trái sang) với đoàn công tác Thành ủy Đà Nẵng (4.2018). Ảnh: H.V |
Người bắt quả lựu đạn xoay vòng
Chưa kịp hưởng hết niềm vui khi căn nhà ở số 61 Hà Huy Giáp, Đà Nẵng sẽ được sửa sang “thay áo” mới thì người anh hùng đã ra đi sau một cú ngã chấn thương. Về hưu trên cương vị Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nguyễn Tám loay hoay mấy mươi năm với bệnh tật. Trí nhớ không còn tốt, nhưng lần gặp ông hôm tháng 3 thì những gì diễn ra ở trận giếng cạn Điện Ngọc 56 năm về trước ông lại kể khá rành mạch.
Quê Duy Phú, Duy Xuyên, hành trình của chàng thanh niên Nguyễn Tám đến với cách mạng đầy cam go. Vượt qua tất cả, ông về đội công tác H29 tung hoành ngang dọc trên đất Quảng. Cái tên Rìu ông làm bí danh cũng từ một người anh Bảy Búa rất thân thiết trong đội (sau này trong giấy tờ là Riều). Đêm 25.4.1962, Đại đội đặc công Quảng Nam - Đà Nẵng được giao nhiệm vụ tổ chức một trung đội thọc sâu về vùng cát Điện Nam - Điện Ngọc phá thế kìm kẹp của địch. Đội có 7 người, trong đó có ông, vượt sông Tứ Câu về Điện Ngọc nhưng cơ sở đã bị lộ. Địch tập trung lực lượng lớn gồm biệt kích, tổng đoàn, dân vệ ước khoảng 2.000 tên với đầy đủ vũ khí đạn dược. Cuộc chiến đấu không cân sức quanh giếng cạn đã diễn ra suốt 4 tiếng đồng hồ. Hết đạn, từ sáng kiến của Nguyễn Tám, các anh chụp lựu đạn của kẻ thù ném lại chúng, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên. Lần lượt các chiến sĩ hy sinh chỉ còn lại 4 người đều bị thương. Nguyễn Tám bị thương nặng nhất. Dẫu cả thân mình đầy vết đạn, nhưng đội phó Võ Như Hưng vẫn lấy hết sức lực dìu Tám vượt qua vòng vây, bó chõng tre làm bè đẩy bạn qua sông, nhiều lần bè trôi dạt vẫn cố bám cho đến khi vào được bờ an toàn. Chiến công to lớn của đội công tác đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Trung Trung Bộ phong tặng danh hiệu Bảy dũng sĩ Điện Ngọc và tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất.
Ra Bắc điều trị vết thương, ai cũng nghĩ Nguyễn Tám bình phục đã là điều may mắn. Nhưng ông còn có thể làm nhiều hơn thế. Sức trẻ cùng với khao khát vào Nam luôn thúc giục ông trui rèn ý chí. Ông khai chỉ bị thương 21% để cấp trên dễ cho vào lại chiến trường. Học lớp tình báo ở Học viện Quân sự rồi về làm giáo viên huấn luyện trường bổ túc bộ đội Đặc công ở Hà Nội, ông đã góp phần đào tạo nhiều lớp đặc công thời đó. Ông xin về Bắc Giang để tuyển, huấn luyện và đưa một tiểu đoàn đặc công vào Nam. Khi lực lượng đã tập trung ở Gia Lâm, Hà Nội chuẩn bị lên đường thì một biến cố xảy ra. Vết thương tái phát dữ dội. Không chịu đến bệnh viện, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tám bảo đơn vị đưa về Thường Tín, Hà Tây, nơi người vợ hiền đang sơ tán cùng con trai nhỏ. Vào sân nhà, ông chỉ kịp gọi “Tiến!” rồi hôn mê. Cuộc đời ông những tháng ngày sau đó gắn liền với bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nỗi nhọc nhằn của bà Trịnh Thị Hồng Tiến cũng bắt đầu cho đến tận bây giờ.
Có một tình yêu đẹp
Xinh đẹp, nhiều vệ tinh vây quanh lúc trẻ, bà Tiến, vợ ông nói rằng tình vợ chồng bắt đầu từ tình đồng hương. Tám tuổi, cô bé Tiến quê Bình Sa, Thăng Bình đã được các cô chú đưa ra Bắc trước khi cả cha mình tập kết. Học trường miền Nam rồi sau đó học ngành hóa thực phẩm, lúc này trường đang sơ tán ở Bắc Giang thì bà gặp Tám Rìu xuống thăm người bạn. Khi ông hỏi: “Có ai Quảng Nam đồng hương không?”. Bà giật thót. Đã nghe kể về cả ngàn tên lính phải thua Bảy dũng sĩ Điện Ngọc nay lại được mọi người giới thiệu người thật việc thật, trong bà trào dâng niềm kính phục người con trai từ cõi chết trở về. Vậy là dần dà họ nên duyên. Cũng giận hờn, dông bão, đôi lúc tưởng chừng không thể đến được, nhưng bà chấp nhận hết. Đi học bồi dưỡng ở Ba Lan rồi về Viện Công nghệ thực phẩm, có thể thăng tiến nắm các chức vụ tốt nhưng rồi làm vợ ông, bà chịu nhiều hy sinh.
Khi bà đang sơ tán ở Hà Tây cùng con trai Tấn Anh thì người ta đưa ông về vừa lúc mê man. Không có phương tiện gì khác, bà dìu ông lên chiếc xích lô đi đến nửa ngày mới đến Bệnh viện 108. Suốt 5 tháng ở đây, bà gửi con cho các gia đình mình ở nhờ để tập trung chăm chồng, có về thăm con thì đôi ngày lại lên. Hai lần ông Tám đã ăn chế độ tự do - thực đơn cao nhất dành cho người khó có cơ hội sống. Vậy mà sức sống diệu kỳ, ông trở về từ cõi chết.
Giải phóng miền Nam, đang công tác ở Bộ Tư lệnh Đặc công, Nguyễn Tám xin về lại quê hương, mong muốn chuyển sang làm dân chính. Tỉnh bố trí ông về tòa án. Chưa có chút kiến thức nào chuyên ngành, ông ôm sách vở đi học ở TP.Hồ Chí Minh đến 3 đợt. Tính trung thực, thẳng thắn, không dung tha những ai trục lợi trên xương máu của những người đã hy sinh và thương tật, ông đã xử nhiều vụ có tiếng ngày ấy. Năm 1989, thủng dạ dày phải mổ, điều trị chưa lành, ông vẫn đi xử ở huyện Phước Sơn. Bà Tiến lúc này đang làm ở Sở Lương thực của tỉnh xin nghỉ hưu sớm để đi theo chăm lo sức khỏe cho ông. Niềm hạnh phúc của ông bà là người con trai Nguyễn Tấn Anh nối nghiệp cha làm ở Tòa án nhân dân TP.Đà Nẵng. Tiếng cháu nội ríu ran mỗi chiều làm căn nhà vui tươi, trẻ trung hơn.
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng chỉ chừng 60m2 đã xuống cấp vậy mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa có điều kiện sửa chữa. Với mức lương hưu 6 triệu đồng mỗi tháng của ông bây giờ, của bà còn ít hơn, chỉ vừa đủ thuốc men và duy trì sinh hoạt. Nghĩ rằng khó có thể làm gì khác thì niềm vui đến với gia đình ông. Thông qua các kênh thông tin, sự vận động của địa phương, có doanh nghiệp quyết định hỗ trợ 60 triệu đồng, UBND quận Hải Châu hỗ trợ thêm 30 triệu đồng để ông Nguyễn Tám sửa nhà, rồi cựu chiến binh TP.Đà Nẵng tổ chức thăm, tặng quà...
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tám đã ra đi thanh thản trong tình đồng đội, đồng chí ấm áp, thủy chung.
HỒNG VÂN