Chuyện ghi ở phố cổ

LÊ HIỀN 11/04/2018 09:00

Trong kinh doanh buôn bán ở phố cổ Hội An, dù quy mô nhỏ hay lớn vẫn có người luôn góp phần giữ hình ảnh một Hội An thuần hậu.

Cô Bông gói bánh bán cho anh Hồ Tuấn và các bạn là Việt kiều Úc. Ảnh: L.HIỀN
Cô Bông gói bánh bán cho anh Hồ Tuấn và các bạn là Việt kiều Úc. Ảnh: L.HIỀN

1. Ở góc nhỏ gần đường vòng cung Chùa Cầu, bao năm nay người dân địa phương, kể cả một số du khách từng đến và nay trở lại Hội An, đã trở nên quen thuộc với quán cà phê vỉa hè bày bán khá đơn giản của cô Thảo - một phụ nữ gốc Huế, lấy chồng về Hội An đã ba chục năm nay. Hàng cà phê của cô Thảo được bố trí gọn ghẽ trong khoảng chục mét vuông, dựa lưng vào vách tường vàng trên phố, với những chiếc ghế nhỏ. Quán bình dân giản tiện như vậy nhưng mỗi ngày có rất nhiều người ghé đến. Đó là những bác đạp xích lô, cô chèo ghe, anh làm công tác bảo vệ trật tự, nhân viên nhà hàng, khách sạn trong phố cổ, nhân viên phòng vé tham quan, người dân sống trong và ngoài phố. Đặc biệt, dù chỉ là điểm bán vỉa hè, hàng cà phê cô Thảo vẫn có rất đông du khách ghé đến.

Có đủ loại khách là vậy, nhưng bao giờ cô Thảo cũng giữ giá bán bình dân, suốt bao nhiêu năm qua chưa một lần nâng giá, ép giá với du khách. Như hiện nay, không kể tây hay ta, khách quen hay khách du lịch, ai vào quán cô cũng đồng giá cà phê đen 8.000 đồng một ly, cà phê sữa 10.000 đồng. Cô bảo: “Khi lấy thêm của du khách vài nghìn đồng, cao hơn so với giá bán cho người Hội An ngồi ngay bên cạnh, chắc chắn du khách sẽ đánh giá thấp về mình. Bán vừa phải để có đông khách, còn hơn nâng giá, ép giá mà không có khách và còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hội An”. Có lẽ cũng vì thế mà, theo cô Thảo chia sẻ, rất nhiều khách hàng bảo năm trước hoặc năm kia hoặc nhiều năm trước đã từng đến quán cô, có người mỗi lần đến Hội An lại tìm quán này…

2. Ở một hẻm nhỏ khác trong phố cổ Hội An, chúng tôi tới thăm cửa hàng bán bánh đậu xanh, bánh ít lá gai, bánh su sê của cô Nguyễn Thị Bông ở số nhà 134c Nguyễn Thái Học. Cô Bông năm nay đã ngoài 60 tuổi. Trước kia, khi con cái cô còn chưa đi làm xa, gia đình đông đủ, nhà cô làm bánh su sê để bán. Ngôi nhà rất đông vui, có nhiều du khách và các đoàn làm phim về Hội An thường ghé vào tìm hiểu, ghi hình. Giờ đây cô đã lớn tuổi, nhà lại thưa vắng nên cô truyền nghề làm bánh cho cháu gái. Bán bánh lời lãi không bao nhiêu nhưng lúc nào cô Bông cũng giữ giá, tuyệt nhiên không bán lên đối với du khách. Cô kể: “Trước có một lần cô cũng nghĩ là khách tây thì mình phải lấy giá lên. Rồi có một ông khách tây thắc mắc, đại khái rằng tại răng cô phải lấy lên giá, ổng cũng như mọi người khác. Cô về nghĩ thấy đúng. Từ đó cô bán cho ai cũng bằng giá nhau, dù ít lời nhưng rứa vui và lòng mình thoải mái hơn”.

Ngay cả khi du khách mua bánh mang về, cô Bông luôn nói trước là bánh không có chất bảo quản nên khi đi đường xa rất dễ hỏng, để họ lựa chọn thời điểm sử dụng hợp lý, quyết định mua nhiều hay ít. Cô chia sẻ rằng: “Nếu vì để bán thêm được vài chục bánh, kiếm được mấy đồng tiền lời mà không nói thật cho khách biết là bánh để được lâu, lỡ như khi họ về đến nơi bánh hỏng thì sẽ trách mình”. Có lẽ sự thật thà và chất lượng sản phẩm tốt, giá cả lại phải chăng nên dù ở trong hẻm, hàng bánh của cô Bông vẫn thường xuyên có khách lui tới. Người mua vài chục xách đi, người ngồi ăn ngay tại chỗ. Anh Hồ Tuấn và những người bạn đều là Việt kiều Úc lần nào về nước đến Hội An cũng đều ghé lại cửa hàng của cô Bông. Anh Tuấn nói: “Chúng tôi năm nào cũng về Hội An và ghé đến để thưởng thức mùi vị của loại bánh nhà cô chủ quán này”.

3. Trong khu phố cổ Hội An hiện có cả nghìn hộ kinh doanh lớn nhỏ. Điều đáng nói là ở ngành hàng ăn uống, hầu hết cơ sở đều niêm yết công khai giá bán, nỗ lực phục vụ khách hàng, luôn coi chất lượng phục vụ và sự hài lòng của du khách là yếu tố làm nên sự thành công. Vì vậy, từ cung cách phục vụ đến việc đưa ra chương trình ưu đãi được các chủ cơ sở chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố tích cực này, đó đây vẫn còn một số cơ sở kinh doanh vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bán buôn các mặt hàng chất lượng thấp, ép giá, nâng giá với du khách. Thêm vào đó, một bộ phận người làm các dịch vụ liên quan đến du lịch còn cò mồi, chèo kéo, mời chào; một số người bán hàng vẫn còn tư tưởng làm ăn chụp giật, lấy giá du khách cao hơn rất nhiều so với người bản địa. Những điều này có thể đem lại lợi ích kinh tế cá nhân cho họ nhưng kiểu làm ăn chóng vánh này làm ảnh hưởng thương hiệu điểm đến. Và nếu làm ăn theo kiểu “biết một mà không biết hai” như vậy, rồi đây họ sẽ làm cho du khách không còn an tâm, tin tưởng mua sắm, lúc đó chính những người làm ăn chụp giật sẽ thất thu kinh tế.

Từ những câu chuyện nhỏ với hàng cà phê của cô Thảo, tiệm bánh cô Bông và nhiều cửa hàng cửa hiệu đang từng ngày từng giờ vì Hội An mà gìn giữ cung cách giao tiếp thuần hậu, chất lượng phục vụ tốt, hy vọng rằng điều hay ấy sẽ ngày càng lan tỏa, loại bỏ dần tâm lý “ăn xổi ở thì” trong một bộ phận người kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ du lịch ở phố cổ Hội An.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ghi ở phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO