Chuyện ghi từ khu cách ly

VIỆT HÙNG 07/03/2020 08:40

Từ ngày 24.2 đến nay, gần 700 người Việt từ các vùng có dịch của Hàn Quốc trở về, khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đều được lực lượng chức năng kiểm tra sức khỏe, phân loại, rồi chuyển đến các khu cách ly theo quy định để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch Covid-19. Với nhiều người, mười mấy ngày “ăn cơm bộ đội, ngủ giường tầng” thực sự là trải nghiệm khó quên.

Bộ đội hướng dẫn công dân viết tờ khai y tế trước khi vào khu cách ly. Ảnh: V.H
Bộ đội hướng dẫn công dân viết tờ khai y tế trước khi vào khu cách ly. Ảnh: V.H

Những dòng nhật ký nghìn “like”

Ngày đầu tiên đặt chân đến khu cách ly Đồng Xanh, Đồng Nghệ (Trung tâm huấn luyện dự bị động viên của Bộ CHQS TP.Đà Nẵng), một nữ du học sinh trường Đại học Deagu University - Hàn Quốc đã viết trên Facebook: “Chúng tôi vừa bay từ Deagu về Đà Nẵng thân yêu. Bước xuống cầu, chúng tôi lại được các chú bộ đội ân cần tiếp đón và đưa lên xe đến khu vực cách ly. Nghĩ lại buồn cười… mình đã “nhập ngũ” rồi này. Sau khi phổ biến các quy định, chúng tôi được dẫn vào một căn phòng tập thể. Cứ một người một giường, miễn phí toàn bộ nhé. Thân nhiệt được kiểm tra ngày 2 lần. Khu nam riêng, nữ riêng. Bữa cơm trưa không có sơn hào hải vị nhưng tôi cảm thấy thật sự tuyệt vời. Người yêu gọi, tôi chỉ trả lời ngắn gọn “em nay nhập ngũ rồi anh ạ”. Các bạn ơi, nếu có về Việt Nam, xin đừng lo lắng nhé. Có Tổ quốc đây rồi”. Cách hành văn dí dỏm, độc đáo, đậm chất thời sự của chủ nhân đoạn nhật ký được cộng đồng mạng thích thú và liên tục “thả tim”,  “like” (thích), chia sẻ trên các diễn đàn.

Cách “đơn vị” cô gái trẻ kia hơn chục cây số, tại Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 5 cũng có một “công dân trẻ” được rất nhiều người biết đến. Đó chính là cháu Trần Minh Khôi (tên Hàn Quốc là Kim Trang Yong), mới 1,5 tháng tuổi, rất bụ bẫm. Khi dịch bệnh ở Hàn Quốc bùng phát, theo lời khuyên của gia đình, cháu được bà ngoại và mẹ là chị Trần Phương Trinh (28 tuổi, quê ở Bình Định) đưa về nước. Các thành viên trong gia đình cháu được “đặc cách” ở trong một căn phòng riêng, tuy nhỏ nhưng khá ấm áp. Ngoài các chế độ tiêu chuẩn chung như mọi người, mẹ con cháu còn được đơn vị chu cấp thêm xô, chậu, ấm điện, phích nước để thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Riêng chăn chiếu được thay mới hằng ngày.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phương Trinh xúc động: “Về Việt Nam, múi giờ, thời tiết có sự thay đổi lớn so với bên kia song có các y, bác sĩ ngày ngày đến tận nơi thăm khám, đo thân nhiệt cho cả mẹ lẫn con nên tôi rất yên tâm. Có hôm tôi mệt, nửa đêm bộ đội còn nấu cháo gà cho ăn nữa. Các anh, các chú đối xử với mẹ con tôi như ruột thịt vậy. Vào đây mới có mấy ngày mà Minh Khôi được các cô, các chú tặng cho cả đống quần áo, đồ chơi”.

“Chúng tôi tự nguyện cách ly”

Anh Đào Duy Khánh (27 tuổi, quê Thái Nguyên) - Sinh viên Trường Đại học Deagu University - Hàn Quốc cho biết: “Ở Hàn Quốc, hằng ngày các du học sinh thường xuyên phải sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm để đi lại nên tiếp xúc với rất nhiều người, nguy cơ lây nhiễm bệnh khá lớn. Để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng tôi đã họp bàn và thống nhất khi về Việt Nam sẽ chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng xin được cách ly. Thế nên khi vừa xuống sân bay, biết tin Nhà nước quy định tất cả công dân từ Hàn Quốc trở về đều phải đi cách ly, chúng tôi mừng lắm”.

Ở cách phòng anh Khánh hai dãy nhà, chị Đặng Thị Ánh (22 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi và anh Khánh yêu nhau được hơn một năm nay. Từ khi vào đây, chúng tôi chỉ có thể giao tiếp với nhau qua điện thoại vì nam, nữ phải ở hai khu riêng biệt. Có hôm nhớ nhau quá, tôi nhắn tin nói “anh ra cửa phòng cho em ngó tí coi”. Đứng từ xa, nhìn anh đeo khẩu trang, giơ tay chào theo kiểu nhà binh, cảm giác vừa buồn cười vừa rất hạnh phúc”.

Hơn chục năm trước, khi còn là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chị Nguyễn Hà Phương (nghiên cứu sinh, quê Đà Nẵng) từng có thời gian học quân sự ở Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 5. Hà Phương tếu táo: “Lần này tuy không phải vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập, song được cùng các anh bộ đội chung tay ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tôi thấy mình chẳng khác nào một chiến binh thực sự. Trong lúc chúng tôi mỗi người ngủ một giường, chăn ấm đệm êm đầy đủ, nhìn các anh bộ đội thức khuya dậy sớm tuần tra canh gác, đun nước thổi cơm, chăm lo sức khỏe cho mọi người, chúng tôi xúc động lắm. Mọi người bảo nhau chú ý giữ gìn vệ sinh nhà cửa, bỏ rác đúng nơi quy định để các anh đỡ vất vả. Sợ tôi buồn, ngày nào ba mẹ, bạn bè cũng gọi điện thăm hỏi, động viên, nhưng tôi xác định tâm thế từ trước rồi, có buồn tẹo nào đâu”.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (22 tuổi, quê Đắk Lắk) góp vui: “Ở đây, nhiều cặp vợ chồng hay đang yêu nhau nhưng vẫn phải mỗi người một khu, nhớ nhau thì nhắn tin, gọi điện rủ nhau ra đứng trước sân rồi “hôn cách không” - từ khu này hôn gió sang khu kia. Chúng tôi phần đông là du học sinh, còn lại là người Việt sang Hàn Quốc du lịch, lao động, sinh sống trở về, cùng cảnh ngộ nên mọi người thương yêu, quý mến nhau lắm. Ngày đầu về, thấy chăn màn, chiếu gối, kem đánh răng, dầu gội đầu, xà phòng tắm, bàn chải, dép xốp… được các anh bộ đội để sẵn trên từng giường ngủ, các chế độ tiêu chuẩn trong thời gian cách ly cũng được niêm yết công khai, chúng tôi thấy ấm áp, thân thương lắm. Phòng nào cũng được trang bị ti vi, sách báo để mọi người thư giãn. Các chú bộ đội và đội ngũ y tế đối với chúng tôi ân cần, chu đáo chẳng khác nào ruột thịt. Hết 2 tuần “quân ngũ”, chắc tôi sẽ nhớ nơi này lắm”.

Những “chiến binh” thầm lặng

Theo Thượng tá Võ Đình Khánh – Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ CHQS TP.Đà Nẵng, trong 28 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly Đồng Xanh, Đồng Nghệ, nhiều người hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, neo người. Như Thiếu tá Huỳnh Văn Pha – Tổ trưởng Tổ quân y, có vợ công tác tại Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng, các con còn nhỏ, hai bên nội ngoại đều ở xa; Đại úy Dư Văn Tý – Nhân viên Quân y, vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày tại Trường Sa; Binh nhất Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Đức Vinh tuổi đời mới đôi mươi, song khi có lệnh, họ vẫn hăng hái xung phong thực hiện nhiệm vụ.

Quân số mỏng, để đảm bảo tốt mỗi ngày 3 bữa cơm ngon canh ngọt, 2 lần thăm khám và phun thuốc khử trùng, vệ sinh doanh trại, tuần tra canh gác, các cán bộ, nhân viên ở những khu vực cách ly thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm để thực hiện nhiệm vụ. Ai cũng hiểu rằng, tuy được trang bị đầy đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn và tuân thủ các quy định ngặt nghèo nhưng khả năng lây nhiễm vẫn rất cao. Sau 14 ngày cách ly, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, các công dân sẽ được “xuất ngũ”, riêng các anh vẫn phải ở lại trung tâm để tiếp tục công việc của mình, bởi mỗi ngày lại có thêm hàng trăm công dân mới được đưa đến cách ly, theo dõi. Suốt thời gian làm nhiệm vụ, các anh tuyệt đối không được về thăm nhà. Vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng khi tiếp xúc với các anh, chúng tôi luôn cảm nhận tinh thần lạc quan và thái độ hết mình với cộng đồng. Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, món quà lớn nhất mà anh Pha, anh Tý… nhận được, không phải là những bó hoa, những lời chúc mừng, mà đó là kết quả thăm khám với các chỉ số đều “bình thường” của mọi người trong khu cách ly.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến – Phó Tư lệnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 - Quân khu 5 cho biết: “Công tác phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của lực lượng vũ trang quân khu. Mục tiêu của chúng tôi là không để xảy ra dịch trong lực lượng; phấn đấu phát hiện sớm các ca bệnh và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, bảo đảm cho các đơn vị đủ sức mạnh trong mọi tình huống; sẵn sàng tham gia phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, Quân khu cũng chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật lực tại 16 địa điểm khác nhau để sẵn sàng đón nhận, cách ly cho khoảng 5.500 người. Chống dịch như chống giặc, tuy kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận nhưng chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn nhiều phương án đối phó, không bao giờ chủ quan, lơ là”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ghi từ khu cách ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO