Cuộc sống thường ngày

Chuyện ghi từ thung lũng khói xanh

TUỆ LAM 21/04/2024 07:00

Sự tinh tế tiềm ẩn trong chất liệu vải lanh bản địa, trong kỹ thuật nhuộm chàm, thêu, xe sợi, vẽ sáp ong, tạo nên cuộc hội ngộ kỳ diệu ở thung lũng khói xanh...

324595111_737782107443879_201371073190419509_n.jpg
Chị Mai và nghệ nhân vẽ sáp ong cuối cùng. Ảnh: NVCC

Từ nghệ nhân vẽ hoa văn sáp ong cuối cùng

Bản Sín Chải, xã San Sả Hồ của TP.Sa Pa (tỉnh Lào Cai) vốn nổi tiếng bởi những cụ bà nghệ nhân khâu vá trang phục, thêu thùa và vẽ hoa văn bằng nến và sáp ong trên vải. Từ chục năm trước, cả bản đã chỉ còn duy nhất bà cụ hơn 90 tuổi - bà Hạng Thị Sai, mẹ của anh Vàng A Chư.

Bà cụ Sai gần trăm tuổi đeo kính ngồi bên bếp lửa, cầm bát sáp lấy từ mật ong rừng và hơ thật nóng trên bếp lửa. Rồi lấy chiếc bút tự chế bằng đồng chấm vào bát sáp ong nóng để in lên những miếng vải chàm.

Những hoa văn tỉ mỉ, hình dáng theo truyền thống văn hóa của người Mông cứ thế dần hiện lên trên đôi tay đã nhăn nheo và đôi mắt đã mờ dần. Những đau đáu với tinh hoa nghệ thuật vẽ sáp ong của bà Hạng Thị Sai khiến bà lúc nào cũng chất chứa tâm sự.

“Từ khi tôi sinh con cho tới giờ, những người biết vẽ như thế này đã đi (mất) rồi” - cụ bà lên tiếng. Chẳng còn ai và người nghệ nhân cô đơn khi muốn truyền lại cho con cháu họ.

380811058_330118342889962_155903913954779357_n.jpg
Những cô gái trẻ người H’Mông xuống phố học cắt may từ Trường LCDF.

Nhìn những hoa văn thành hình trên vải, công phu tỉ mẩn, đầy ý nghĩa với bà, với người H’Mông xưa của bà. Nhưng tự hỏi rồi ai sẽ dùng chúng, rồi dùng chúng vào dịp nào?

Mùi sáp ong vẫn thơm lừng bên bếp, bà cụ Sai vẫn cặm cụi làm những gì mà bà cho là cần làm - như lẽ sống, như hơi thở. Bà đã thực hiện xong bộ đồ truyền thống với nhiều hoa văn cổ, dành cho một nghi lễ đặc biệt - đó là chuẩn bị trang phục cho cái chết của mình.

Năm 2018, bà Hạng Thị Sai - nghệ nhân vẽ hoa văn bằng sáp ong cuối cùng của bản Sín Chải mất, để lại sự thương tiếc cho con cháu và cả cộng đồng yêu nghệ thuật của người H’Mông.

Những tưởng những bí quyết vẽ hoa văn bằng sáp ong của người H’Mông ở bản Sín Chải đã đi theo cụ bà Hạng Thị Sai nhưng thực may mắn, con cháu cuối cùng cũng vẫn còn nhớ và học theo những gì bà truyền lại. Thế nhưng tất cả những gì họ làm, là chỉ để phục vụ riêng cho gia đình.

Những người trẻ ở bản giờ đây cũng chỉ biết tới thế thôi, họ còn nhiều mối bận tâm khác. Câu chuyện sẽ lơ lửng như ở tầng khí quyển nào đó. Mây vẫn trôi qua núi, gió vẫn thổi, và người ở bản Sín Chải sẽ vẫn sống như ngàn đời xưa.

Phải lòng “thung lũng khói xanh”

Cho tới một ngày, vợ chồng anh Nguyễn Bình Đức - chị Nguyễn Phương Mai ở Hà Nội có một chuyến leo Fanxipang. Họ đã tới nhà anh Vàng A Chư.

331286952_915691342947055_7612169786876351969_n.jpg
Vợ chồng anh Vàng A Chư ở bản Sín Chải, xã San Sả Hồ, TP. Sa Pa. Ảnh: NVCC

Tại đây, vợ chồng anh chị Mai - Đức đã phải lòng ngôi nhà nép sau bờ rào đá - nơi họ gọi là thung lũng khói xanh. Chứng kiến lớp người cũ về với ông bà, bọn trẻ ở bản lớn lên, hoang mang với lứa tuổi thanh niên, chơ vơ với đời sống công nghiệp và sự tồn tại của chính họ, sự mất mát của văn hóa cổ xưa của người H’Mông, chị Mai quyết định “phải làm điều gì đó”.

Khi cụ bà Hạng Thị Sai mẹ anh Chư còn sống, chị Mai đã tổ chức các hoạt động vào cuối tuần, đưa sinh viên lên học hỏi các kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong của cụ Sai và kỹ thuật nhuộm chàm của người H’Mông bản Sín Chải. Sự sống có lẽ hồi sinh từ những hoạt động như thế.

Thanh thiếu niên ở đây được chị Mai giúp đỡ. Chị đưa họ đi học nghề ở dưới Hà Nội. Từ pha chế, nấu ăn, may mặc, những người trẻ H’Mông được gởi đến những nơi nổi tiếng và học tận gốc.

“Lúc đầu chúng tôi chỉ muốn hồi phục những văn hóa cổ của người H’Mông, nhưng mỗi lần lên bản, chứng kiến chúng đang dần mai một đi, mất đi, tôi sợ thế hệ con tôi sẽ không thấy được chúng nữa.

Có thể với người Kinh thì giá trị không lớn, nhưng tôi muốn người H’Mông trẻ nhận ra những gì thuộc truyền thống của họ là rất quý, cần phải giữ gìn và phát triển” - là tâm huyết của vợ chồng Mai - Đức.

Những đứa con của vợ chồng Mai - Đức lớn lên cùng những đứa trẻ ở bản. Càng sống ở đây, họ tiếc văn hóa của người H’Mông đang bị tàn phá, quên lãng ở Sapa.

Họ tiếc những mái nhà bằng gỗ pơ mu giờ đã thay thế bằng proximang, tiếc sự chất phác hồn nhiên mạnh mẽ hoang sơ của người H’Mông. Tiếc, bởi biết bao điều mà chỉ có người H’Mông mới có nhưng đang dần bị Kinh hóa.

Làm gì để giữ được những giá trị quý báu của người H’Mông nơi đây? Họ đã mua một ngôi nhà ở bản và nó trở thành ngôi nhà “cộng đồng”.

Mọi người tổ chức các workshop, sự kiện, thậm chí trở thành lớp học văn hóa, học toán, học tiếng Anh của các em trong bản, học kỹ năng vẽ hoa văn, kỹ năng nhuộm chàm, kỹ năng cắt, may trang phục kể cả trang phục truyền thống, lẫn trang phục hiện đại.

Hòa điệu truyền thống - hiện đại

Không dám nói quá, nhưng sự sống có ý nghĩa gần như hồi sinh. Bản Sín Chải có những niềm vui mới. Những cô gái đã bớt phải đi xuống thị xã tìm việc, những thanh niên đã tự tin hơn với các công việc liên quan tới du lịch bản địa.

Những cô gái sớm trở thành vợ trong tập tục bắt vợ của người H’Mông giờ đây đã có nơi nương náu để họ tiếp cận chính những văn hóa của mình, trong hơi thở mới của thời đại.

400453746_7460150867332406_4564212137338678538_n.jpg

Họ - những người phụ nữ trẻ ở bản Sín Chải đã được chị Mai đưa xuống học cách thiết kế cắt may, tạo mẫu ở Trường London College for Design & Fashion (Học viện Thiết kế và Thời trang London - LCDF) tại Hà Nội. Một sự kết hợp quá thú vị với những tinh hoa truyền thống của trang phục người H’Mông xuất hiện trên các trang phục hiện đại nhất theo xu hướng thời trang hiện nay.

Sự xuất hiện của những cô gái Mông tại một học viện chuyên nghiệp về thời trang danh tiếng tại Hà Nội khiến cho cộng đồng yêu văn hóa nghệ thuật chú ý. Những người quan tâm đã được vợ chồng A Chư, và các cô gái ở bản hướng dẫn cách nhuộm vải chàm, cách vẽ hoa văn và những guồng sợi lại vang lên lách cách ngay giữa lòng Hà Nội.

Bà Hà Thị Hằng - Giám đốc điều hành LCDF chia sẻ: Khi các nhà thiết kế, các giảng viên từ Anh sang Việt Nam, họ luôn thấy hấp dẫn bởi văn hóa truyền thống, kỹ năng của người Việt nói chung hay của người miền núi nói riêng. Họ rất thích thú với các hoa văn người miền núi và cho rằng nếu người Việt biết đưa các hoa văn này vào các thiết kế sẽ tạo cho tác phẩm có giá trị cao. Tôi rất thán phục những gì mà các em gái H’Mông tạo ra cùng nhà thiết kế. Tương lai, chính họ sẽ là người chủ động sáng tạo những họa tiết hoa văn của dân tộc mình, ứng dụng vào trang phục, đồ décor hiện đại.

Chưa hết, những sản phẩm từ sự kết hợp phương Tây, phương Đông và văn hóa bản địa đã tạo thành sự kiện mang tên “Khói xanh” - thu hút đông đảo bạn trẻ và các nhà tạo mẫu, các nhà giáo dục và nhiều giới quan tâm.

Mai luôn có một sức mạnh ngầm nào đó trong hình dáng mảnh mai - khiến những thành trì cố hữu của người bản địa có thể thấy có lý. Những việc cô làm được người ở bản coi là việc tốt cho mình, cho gia đình, cho bản làng, cho dân tộc mình. Và họ làm theo thôi.

Cách lưu giữ và bảo tồn hữu hiện nhất những giá trị riêng, một cách hòa nhập, nhưng không hòa tan, chính là tiếp thu các kỹ năng mới, đảm bảo đời sống tốt cho mình, cho gia đình dựa trên chính những sự khác biệt đặc biệt của dân tộc mình!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ghi từ thung lũng khói xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO