(QNO) - Liên quan việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sắp tới, PGS-TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia có những lưu ý quan trọng.
PGS-TS. Dương Thị Hồng cho biết: Đối với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin. Tại các điểm tiêm chủng phải luôn luôn chú ý có hội chứng sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về phác đồ phòng chống sốc cho người lớn, khác với chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ trang bị các phương tiện phòng chống sốc, phác đồ phòng chống sốc cho trẻ em.
Đối với cán bộ y tế, trước khi tiêm phải trao đổi với người được tiêm, hỏi rõ về tiền sử bệnh tật xem họ có đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính phải điều trị hay không; có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không... Đối với mũi tiêm tiếp theo - liều thứ 2, phải hỏi xem những mũi tiêm trước đó, người được tiêm có các phản ứng hay không. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.
Trong buổi tiêm chủng cần thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi tiêm là mũi tiêm bắp, cán bộ y tế không được lắc lọ vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vắc xin tốt nhất cho mũi tiêm. Trong quá trình tiêm phải đảm bảo an toàn các quy tắc phòng chống dịch để vừa tiêm chủng vừa thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19.
Đối với người đến tiêm chủng và cán bộ y tế, thời điểm chờ đợi được khám sàng lọc phải đảm bảo khoảng cách. Sau khi tiêm phải ở lại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng 30 phút. Trong quá trình tiêm chủng luôn phải có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe người được tiêm. Sau tiêm, người tiêm chủng phải ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe và báo cáo các dấu hiệu bất thường ngay với cán bộ y tế.
“Các trường hợp sốc phản vệ không chỉ xuất hiện trong 30 phút sau tiêm, mà có thể phản ứng muộn trong ngày đầu tiêm. Do đó người được tiêm chủng cần hết sức lưu ý nếu có các biểu hiện khó chịu, bứt rút hay là vã mồi hôi, ớn lạnh... hãy liên hệ cơ sở y tế và được xử trí. Các đối tượng được tiêm lần này là trên 18 tuổi nên chúng tôi hy vọng việc tuân thủ, theo dõi phản ứng sau tiêm tốt nhất” - PGS-TS. Dương Thị Hồng cho hay.
PGS-TS. Dương Thị Hồng cho biết thêm: Do nguồn cung vắc xin hạn chế theo từng đợt phân phối vắc xin, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin. Những đối tượng này cần trao đổi về tiền sử bệnh và các vấn đề liên quan... để được cán bộ y tế hướng dẫn, xử trí. Bên cạnh đó, các trường hợp nhiễm và khỏi Covid-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin, những trường hợp này cơ thể họ đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay và chỉ dẫn của nhà sản xuất, vắc xin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm Covid-19. Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vắc xin, cụ thể: người dị ứng với thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.
Những người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền nên tiêm vắc xin bởi đây là đối tượng rất dễ nhiễm SARS-CoV-2 và một khi mắc bệnh thì sẽ có những biểu hiện rất trầm trọng. Với nhóm đối tượng này, trong thời gian tới khi có được nguồn cung vắc xin dồi dào, các cán bộ y tế sẽ tiến hành khám sức khỏe một cách chu đáo, hướng dẫn cẩn thận trước khi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm...
“Trong đợt này sẽ triển khai tiêm cho các cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị Covid-19, những tỉnh đang có dịch bệnh. Trong thời gian đầu, sẽ tổ chức buổi tiêm chủng với sự giám sát của các tuyến để hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, theo dõi sức khỏe chủ động của người được tiêm. Từ đó sẽ chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để tiêm chủng an toàn” - PGS-TS. Dương Thị Hồng chia sẻ.