Ngoài việc tập trung phát triển nguồn cây giống, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đang dần chuyển giao kỹ thuật, tập huấn, tuyên truyền để người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang khảo sát vùng sâm giống của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Ảnh: H.THỌ |
Tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh được gây trồng chủ yếu vùng núi Ngọc Linh thuộc các xã Trà Linh, Trà Nam (Nam Trà My) và diện tích sâm trồng có triển vọng mở rộng trong thời gian đến. Nhu cầu nguồn sâm giống đang tăng cao, trong khi đó việc phát triển nguồn sâm giống của người dân đang gặp khó khăn. Phương pháp nhân giống sâm hiện nay chủ yếu là gieo hạt (phương pháp hữu tính) nhưng cây sâm con dễ bị dịch bệnh. Trung bình 1 cây sâm con trồng 5 năm mới cho ra hoa (có từ 3 - 5 hạt), và không ra liên tục, bởi sâm có hiện tượng ngủ đông. Trong chuyến khảo sát vùng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, nhiệm vụ chính của Quảng Nam là phải giữ cho được giống gốc đặc trưng của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh để tránh pha tạp của các loại sâm khác. Tiến hành bảo tồn và phát triển mạnh sâm Ngọc Linh trở thành cây có giá trị kinh tế cao.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển giống sâm Ngọc Linh, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đang hoàn thiện hồ sơ mở rộng diện tích vườn sâm để trồng bảo tồn với tổng diện tích 50ha. Về nâng cao năng suất thu hái hạt giống, trung tâm tăng cường công tác chăm sóc cho cây giống, phòng trừ sinh vật hại, bảo vệ, bảo quản hạt giống. Về lâu dài sẽ bố trí lại vườn giống kết hợp công tác bình tuyển cây giống gốc và đề ra giải pháp chăm sóc thích hợp hơn. Ngoài ra, trung tâm đang tập trung cảnh giác trong việc mất trộm hạt giống, cây giống. Trong năm 2016 và 2017, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã tăng cường việc theo dõi, giám sát; đưa cây giống vào chăm sóc trong khay chuyên dụng, có quy cách và được theo dõi, kiểm đếm thường xuyên nên không có trường hợp thất thoát do trộm cắp. Đặc biệt, trung tâm hạn chế tối đa việc thất thoát nguồn giống trong nhân dân, nhất là việc khai thác sâm non và bán hạt giống ra bên ngoài.
Việc chuyển giao kỹ thuật trồng sâm cho người dân đang được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chú trọng. Ông Trần Út - Giám đốc trung tâm cho biết, hằng năm đơn vị tổ chức khoảng 5 lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang. Trong đó tập trung vào nội dung hướng dẫn người dân trồng sâm theo mô phỏng tự nhiên, không lên luống, không tác động đến rừng. Ngoài ra trung tâm xây dựng mô hình di thực cây sâm xuống đai thấp hơn, từ độ cao 1.800m so với mực nước biển xuống khoảng 1.320m để có cơ sở mở rộng diện tích. Ông Trần Út nói: “Trước đây người dân sản xuất theo tập quán nên năng suất không cao. Thời gian qua, trung tâm đã tham mưu ngành nông nghiệp ban hành hướng dẫn kỹ thuật và chăm sóc cây sâm dưới tán rừng để có cơ sở cho người dân áp dụng phương pháp sản xuất an toàn, hiệu quả hơn”.
HÀ QUANG